Quảng Ngãi đầu tư 380 tỷ đồng xây kè bờ Nam sông Trà Khúc
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có quyết định phê duyệt Dự án Kè chống sạt lở và tôn tạo cảnh quan bờ Nam sông Trà Khúc (Cầu Trà khúc 1 - Bến Tam Thương).
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích khoảng 11,6 ha, với tổng vốn đầu tư là 380 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 256 tỷ đồng, phần còn lại ngân sách tỉnh.
Dự án Kè chống sạt lở và tôn tạo cảnh quan bờ Nam sông Trà Khúc được thực hiện từ năm 2023 - 2026.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi việc thực hiện dự án nhằm đảm bảo chống sạt lở bờ Nam sông Trà Khúc đoạn từ cầu Trà Khúc 1 đến Bến Tam Thương, tạo quỹ đất mở rộng không gian xây dựng công viên và hình thành công trình điểm nhân; tạo không gian quảng trường nhằm khai thác lợi thế từ dòng sông Trà Khúc cho phát triển cảnh quan, du lịch, góp phần thiết lập không gian vui chơi, giải trí, tạo động lực phát triển đô thị.
Dự án được đầu tư mới đoạn kẻ bờ với điểm đầu giấp cầu Trà Khúc I, điểm cuối giáp tuyến đường Trường Sa có chiều dài khoảng 1,2 km, cải tạo công viên Ba Tơ và đầu tư công viên ven sông đoạn phía Bắc đường Tôn đức Thắng, đường Bà Triệu; hình thành công trình điểm nhấn, quảng trường, hệ thống cây xanh cảnh quan, các lối đi và tiện ích phục vụ hoạt động vui chơi giải trí theo hồ sơ quy hoạch chi tiết.
Ngoài việc xây dựng hệ thống an toàn giao thông, thoát nước, các công trình cầu, kênh dự án cũng xây dựng thêm nhiều hạng mục dân dụng như: Nhà dịch vụ, sàn phun nước, đài vọng cảnh…
Đáng chú ý, đài vọng cảnh được thiết kế theo hình dáng mũi thuyền, có 2 lối đi nối từ sân quảng trường lên sân ngắm cảnh vươn ra ngoài kè sông 13 m, với diện tích khoảng 350 m2.
Đầu tư 18.120 tỷ đồng đầu tư PPP tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có Tờ trình số 8947/TTr – UBND đề nghị Bộ GTVT thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức PPP.
Bản đồ hướng tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú. |
Đây là dự án do Liên danh các nhà đầu tư gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung (do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm đại diện Liên danh các Nhà đầu tư).
Theo đề xuất của UBND tỉnh Lâm Đồng, điểm đầu Dự án tại Km59+798.33 (trùng với điểm cuối tại lý trình Km60+243.83 của Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20) thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; vị trí điểm cuối tại Km125+675, qua nút giao với đường Nguyễn Văn Cừ (khoảng 130m) thuộc TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án khoảng 66 km, trong đó, đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km, tỉnh Lâm Đồng khoảng 55 km.
Hướng tuyến đường cao tốc cơ bản theo hướng tuyến trong bước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022, có điều chỉnh cục bộ tại một số vị trí cho phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định về kỹ thuật.
Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc được đu tư xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729:2012), vận tốc thiết kế 80km/h; quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh bề rộng nền đường 22m (4 làn xe ô tô và 2 làn dừng xe khẩn cấp liên tục).
Tuy nhiên, trong giai đoạn phân kỳ, Dự án bố trí chiều rộng nền đường 17 m với 4 làn xe ô tô. Các đoạn nền đường đào sâu đắp cao tùy theo địa hình, địa chất của từng đoạn nghiên cứu mở rộng mặt cắt ngang theo giai đoạn hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 22 m theo nguyên tắc đảm bảo tính kinh tế, kỹ thuật của dự án.
Trong giai đoạn phân kỳ, Dự án bố trí không liên tục tuân thủ theo Tiêu chuẩn cơ sở 42:2022/TCĐBVN (đường ô tô cao tốc - thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng).
Dự án còn xây dựng các công trình phục vụ khai thác, trung tâm điều hành, hệ thống giao thông thông minh, trạm thu phí, trạm kiểm tra kỹ thuật dừng nghỉ trên tuyến… đảm bảo đồng bộ, hiệu quả theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Tổng mức đầu tư Dự án (giai đoạn phân kỳ) là 18.120 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 2.821 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị 10.999 tỷ đồng, chi phí dự phòng là 2.452 tỷ đồng, lãi vay trong thời gian thi công là 1.016 tỷ đồng…
Trước đó, vào cuối tháng 11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1386 QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức PPP.
Theo Quyết định số 1386, Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66km; tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng (vốn nhà nước tham gia dự án 6.500 tỉ đồng (ngân sách trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.605 tỉ đồng; và 9.095 tỉ đồng từ các nguồn huy động).
Giai đoạn phân kỳ sẽ thực hiện đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026.
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc khi hoàn thành sẽ từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối, rút nhắn thời gian kết nối các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp dọc Quốc lộ 20.
Dự án còn góp phần cải thiện năng lực vận chuyển hàng hóa, thông thương, đối ngoại, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông cho Quốc lộ 20 đang quá tải, đặc biệt là các điểm đen tai nạn tại khu vực đèo Bảo Lộc. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đặt mục tiêu nhằm tạo động lực phát triển đột phá kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung; góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian, xây dựng phát triển thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng trở thành một vùng đô thị hiện đại.
Thêm 100 triệu USD vốn ngoại vào Khu công nghiệp Liên Hà Thái
Công ty cổ phần Green i-Park và Tập đoàn HiteJinro (Hàn Quốc) vừa ký kết thỏa thuận cho thuê lại đất và cơ sở hạ tầng tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái để đầu tư xây dựng nhà máy với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD.
Công ty Green i - Park và Tập đoàn HiteJinro ký kết thỏa thuận thuê lại đất và cơ sở hạ tầng dưới sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành Thái Bình. |
Lễ ký kết là thành quả sau khoảng thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng môi trường đầu tư tại tỉnh Thái Bình và Khu công nghiệp Liên Hà Thái (do Công ty cổ phần Green i - Park là chủ đầu tư), Tập đoàn HiteJinro đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đồ uống với tổng mức đầu tư dự kiến 100 triệu USD trên diện tích 8,4 ha.
HiteJinro là tập đoàn đồ uống lớn nhất tại Hàn Quốc, được thành lập năm 2011 dưới sự hợp nhất giữa Jinro - Công ty có lịch sử hơn 97 năm sản xuất rượu soju và Hite Brewery - Công ty với hơn 88 năm lịch sử sản xuất bia của Hàn Quốc. Đến nay, Hite Jinro có 62 chi nhánh trong nước, 6 công ty con và 6 pháp nhân trực thuộc ở nước ngoài.
Không chỉ sở hữu công nghệ vượt trội, Tập đoàn HiteJinro luôn được xem là đơn vị tiên phong dẫn đầu trong việc chuyển đổi nhà máy xanh thân thiện với môi trường và luôn được đánh giá cao trong hệ thống quản lý kinh doanh ESG (Environmental, social and corporate governance).
Đại diện chủ đầu tư Khu công nghiệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Green i-Park Bùi Thế Long cho biết, đây là Dự án thứ 5 có tổng vốn đầu tư từ 100 triệu USD trở lên đầu tư vào Khu công nghiệp Liên Hà Thái. Với việc Tập đoàn HiteJinro lựa chọn Liên Hà Thái là địa điểm đầu tư dự án lớn một lần nữa khẳng định đây là địa bàn chiến lược cho các nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới đến hợp tác đầu tư cùng phát triển. Liên Hà Thái không chỉ có vị trí địa lý thuận lợi, giao thông kết nối mà còn có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, diện tích đất công nghiệp lớn.
Green i - Park cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi và có nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư cho các nhà đầu tư thứ cấp nói chung, Tập đoàn HiteJinro nói riêng, đồng thời mong muốn Tập đoàn nhanh chóng triển khai dự án theo tiến độ đã cam kết.
Bày tỏ vui mừng khi Tập đoàn quyết định đầu tư về Thái Bình, Tổng giám đốc Tập đoàn HiteJinro Kim In Kyu chia sẻ rất có cảm tình với mảnh đất Thái Bình nói riêng cũng như Việt Nam nói chung, khi đến đây đều cảm nhận được sự gần gũi, hiền hòa và thân thuộc, có những điểm rất tương đồng với mảnh đất và con người Hàn Quốc. Dự án tại Thái Bình là dự án đầu tiên mà Tập đoàn đầu tư ra nước ngoài và Thái Bình là địa điểm đầu tư rất lý tưởng. Vì vậy, ngay sau lễ kí kết, Tập đoàn sẽ nhanh chóng triển khai dự án theo đúng cam kết.
“Chúng tôi lựa chọn đầu tư dự án đầu tiên ở nước ngoài tại tỉnh Thái Bình của Việt Nam. Bởi tỉnh Thái Bình cũng như Khu công nghiệp Liên Hà Thái đã đáp ứng mọi tiêu chí mà Tập đoàn đặt ra khi đầu tư ra nước ngoài. Đây có thể xem là bước ngoặt đối với sự phát triển của Tập đoàn. Vì vậy, chúng tôi sẽ nỗ lực, cố gắng để xây dựng nhà máy này trở thành điểm sáng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chúng tôi chân thành cảm ơn sự giúp đỡ từ lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành và nhà đầu tư hạ tầng đã tạo điều kiện, giúp đỡ Tập đoàn trong suốt quá trình đầu tư tại Thái Bình. Tập đoàn cũng kỳ vọng sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với Tỉnh trong thời gian tới”, ông Kim In Kyu, Tổng giám đốc Tập đoàn HiteJinro cho biết.
Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nêu rõ: HiteJinro - một tập đoàn lớn trên thế giới quyết định lựa chọn đầu tư tại Thái Bình đã thể hiện sự tin tưởng cũng như đánh giá rất cao từ Tập đoàn đối với môi trường đầu tư ở Thái Bình. Tỉnh luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án một cách nhanh chóng, thuận lợi, sớm đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đề nghị các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ Tập đoàn HiteJinro thực hiện các thủ tục đầu tư.
Đề nghị Công ty cổ phần Green i-Park thường xuyên hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp trong quá trình triển khai dự án, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN hiện đại, đồng bộ và thu hút thêm những dự án thứ cấp chất lượng cao đầu tư vào Khu công nghiệp.
Trước đó, vào ngày 4/10, UBND tỉnh Thái Bình đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái gồm dự án nhà máy Pegavision Việt Nam, dự án Công ty TNHH Công nghệ Goodway Việt Nam và dự án nhà máy Longstar Lighting Thái Bình với tổng vốn đầu tư 270 triệu USD.
Khu công nghiệp Liên Hà Thái được quy hoạch nằm trong Khu kinh tế Thái Bình thuộc địa bàn xã Thụy Liên và thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình với tổng diện tích đất giai đoạn I là 588,84 ha. Đây là khu công nghiệp đầu tiên thuộc Khu kinh tế Thái Bình và là khu công nghiệp tổng hợp đa ngành.
Sau 2 năm 8 tháng, Khu công nghiệp này đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài có dự án đã đi vào hoạt động như Công ty Lotes (Đài Loan), Công ty Ohsung Vina, Công ty Jin Yang (Hàn Quốc)... Ngoài ra, có 2 dự án dự kiến đi vào sản xuất cuối năm 2023 là của Công ty Greenwork (Mỹ) và Công ty Nam Tài (Singapore).
Tập đoàn TWG muốn rót vốn vào dự án đô thị thông minh tại Đồng Nai
Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, ngày 16/10, tại Đồng Nai, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh làm việc với Tập đoàn TWG Group về một số Dự án mà doanh nghiệp đề xuất đầu tư vào Đồng Nai.
Nhiều nhà đầu tư đang muốn đầu tư các khu đô thị tại Đồng Nai. Trong ảnh: Một khu đô thị đang xây dựng tại Đồng Nai. |
Tại buổi làm việc ông Lee Jun Hyunh, Tổng giám đốc Tập đoàn TWG cho biết, Tập đoàn TWG dù thành lập tại Hoa Kỳ, nhưng các sản phẩm chủ yếu sản xuất tại Hàn Quốc. Ông cho biết, tập đoàn đã đầu tư một số dự án đô thị thông minh, cung cấp sản phẩm siêu bền từ nguyên liệu tái chế tại Hàn Quốc cũng như một số quốc gia khác.
Với kinh nghiệm đã làm các dự án đô thị thông minh, Tập đoàn TWG mong muốn và đề xuất đầu tư một số dự án tại Đồng Nai như phát triển dự án đô thị thông minh; dự án nuôi tằm để sản xuất dầu (dầu gội tơ tằm). Ngoài ra, tập đoàn này cũng giới thiệu sản phẩm thanh thép siêu bền GFRP.
Liên quan đến các dự án mà Tập đoàn TWG đề xuất, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá cao các dự án của doanh nghiệp song ông lưu ý Dự án nuôi tằm để sản xuất ra dầu phải chú ý đến việc xử lý môi trường để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh của Đồng Nai.
Đối với các dự án bất động sản, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai thông tin địa phương luôn minh bạch thông tin lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật. Nếu một dự án có nhiều nhà đầu tư quan tâm thì phải thực hiện theo quy trình đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cũng thông tin thêm hiện nay tỉnh đang thực hiện quy hoạch các dự án, sau khi hoàn thành quy hoạch sẽ xúc tiến mời gọi đầu tư.
Từ đầu năm đến nay, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đã đến Đồng Nai tìm hiểu và đề xuất đầu tư các dự án tại đây. Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp đề xuất và mong muốn rót vốn đầu tư xây các khu đô thị, đặc biệt là các khu đô thị xung quanh Dự án sân bay Long Thành.
Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị WB hỗ trợ dự án hạ tầng giao thông lớn
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng vừa có buổi làm việc với bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam về thúc đẩy tiến độ các dự án GTVT đang triển khai và khả năng hợp tác thời gian tới.
Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị WB nghiên cứu dành vốn vay cho một số dự án quan trọng.
Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk nhấn mạnh, WB sẵn sàng nghiên cứu, hỗ trợ các Dự án hạ tầng GTVT; đồng thời đề nghị hai bên cần làm việc cụ thể để xác định phạm vi hợp tác tổng thể, khung thời tổng thể. (Ảnh: Cổng thông tin Bộ GTVT). |
Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng muốn WB quan tâm hỗ trợ Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, dài 140km, đường đôi/đơn, khổ 1.435m, tổng mức đầu tư phân kỳ đường đơn khoảng 3,2 tỉ USD.
Đối với Dự án này, hiện tư vấn trong nước đã hoàn thành báo cáo giữa kỳ. Dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) Dự án đường sắt Biên Hoà – Vũng Tàu. Trên cơ sở đó, WB có thể tiếp cận hồ sơ nghiên cứu.
Đối với lĩnh vực đường bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị WB tài trợ vốn cho hai dự án đường cao tốc là tuyến Pleiku - Quy Nhơn và Cam Lộ - Lao Bảo.
Trong đó, tuyến Pleiku - Quy Nhơn dài 151km, 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 35.800 tỷ đồng cho 4 làn xe 17m, khoảng 44.000 tỷ đồng cho 4 làn xe hoàn chỉnh. Tuyến Cam Lộ - Lao Bảo dài 70km, 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 10.800 tỷ đồng cho 4 làn xe 17m, khoảng 14.500 tỷ đồng cho 4 làn xe hoàn chỉnh.
Hai dự án này đang được tư vấn trong nước hoàn thành báo cáo giữa kỳ, dự kiến sẽ hoàn thành Pre-FS vào giữa năm 2024.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đề nghị WB hỗ trợ các dự án hỗ trợ kỹ thuật, tập trung vào các lĩnh vực đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc và các dự án/hoạt động/sáng kiến liên quan tới giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực GTVT và thực hiện những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Trong đó, trong lĩnh vực đường sắt, Bộ GTVT đề nghị WB nghiên cứu xây dựng các bộ tiêu chuẩn liên quan đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao phù hợp với điều kiện Việt Nam; nghiên cứu, đề xuất phương án, giải pháp vận chuyển container bằng đường sắt tại các cảng biển, kho bãi. Về đường cao tốc, hỗ trợ trong công tác triển khai thành lập, xây dựng quản lý vận hành Trung tâm kỹ thuật và điều hành giao thông đường bộ cao tốc (trung tâm ITS quốc gia); hỗ trợ hoàn thiện, xây dựng bổ sung các tiêu chuẩn về bảo dưỡng các hệ thống thiết bị quản lý, vận hành, khai thác đường cao tốc.
“Sắp tới lĩnh vực đường sắt sẽ triển khai nhiều dự án. Bộ GTVT đã có kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng cho các dự án này. Tuy vậy, Bộ GTVT mong muốn nhận được sự hỗ trợ của WB để đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ.
Bà Carolyn Turk cho biết, tại cuộc họp ngày 7/9/2023 giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Chủ tịch WB Ajay Banga, Thủ tướng đã đề nghị WB trong 3 năm tới cho Việt Nam vay 5-7 tỷ USD đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là cho đường sắt, đường cao tốc, đường quốc lộ và hạ tầng giao thông đô thị lớn.
“WB mong muốn Bộ GTVT đề xuất cụ thể đầu tư cho dự án nào, kế hoạch có thể triển khai ra sao để có thể thực hiện được trong khung thời gian mà Thủ tướng đã nêu”, bà Carolyn Turk nhấn mạnh.
Đề xuất điều chỉnh Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có Tờ trình gửi HĐND tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIa, thành phần 2.
Theo đó, quy mô đầu tư được đề xuất điều chỉnh là đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng; chiều dài tuyến khoảng 12,2 km; bề rộng nền đường 12 m, mặt đường 11 m bằng bê tông nhựa và bê tông xi măng.
Lý giải về việc đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn IIa, thành phần 2, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Dự án này đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 9/12/2019 của HĐND tỉnh với chiều dài tuyến đường đầu tư khoảng 25 km.
Đến tháng 9/20222, do Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIb phải điều chỉnh giảm đọa tuyến qua địa bàn Khu kinh tế Dung Quất và phải bổ sung đoạn tuyến dài 7km qua địa bàn huyện Mộ Đức.
Đồng thời, do vào thời điểm này, Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIa, thành phần 2 chưa triển khai thực hiện nên căn cứ theo khoản 2, Điều 11, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, HĐND tỉnh đã điều chỉnh giảm quy mô Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIa, thành phần 2, từ chiều dài tuyến 25km xuống còn 18 km tại Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 30/9/2022 (đồng thời cũng là cơ sở điều chỉnh bổ sung quy mô Đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh, giai đoạn IIb).
Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIb, ngày 20/9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra hiện trường, đánh giá quá trình thực hiện đã tiết kiệm được tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng nên thống nhất cho phép kéo dài thêm khoảng 5,8km nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư Dự án.
Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIb theo quy định của Luật Đầu tư công, thẩm quyền cho phép kéo dài đoạn tuyến như trên là UBND tỉnh (không phải điều chỉnh chủ trương đầu tư).
Tuy nhiên, do đoạn tuyến này còn nằm trong chủ trương đầu tư Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIa, thành phần 2 đang còn hiệu lực, đồng thời đến nay Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIa, thành phần 2 vẫn chưa triển khai thực hiện nên để UBND tỉnh có cơ sở cho phép kéo dài tuyến Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIb như đã đề cập ở trên thì phải được HĐND tỉnh điều chỉnh giảm quy mô Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn 2a, thành phần 2.
Việc điều chỉnh giảm quy mô Dự án sẽ giảm tổng mức đầu tư đã phê duyệt. Tuy nhiên, vì Dự án chưa được dự kiến vốn trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nếu còn kinh phí khi thực hiện với quy mô sau cắt giảm, thì có thể bổ sung đoạn tuyến Km94 để thực hiện, nên không cần thiết thực hiện điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư Dự án.
Theo quy định của pháp luật về đầu tư công, Dự án cần được HĐND tỉnh xem xét thông qua, ban hành Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Đầu tư 3.900 tỷ đồng phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam
Ban quản lý các dự án đường thuỷ vừa có tờ trình đề nghị Bộ GTVT phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam.
Một đoạn kênh Chợ Gạo. |
Dự án dự kiến triển khai trên địa bàn các tỉnh Vĩnh Long (gồm huyện Trà Ôn, huyện Tam Bình, huyện Mang Thít), tỉnh Bến Tre (huyện Chợ Lách), tỉnh Tiền Giang (huyện Gò Công Tây), tỉnh Long An (huyện Châu Thành), tỉnh Đồng Nai (huyện Nhơn Trạch).
Đây là dự án hạ tầng đường thuỷ lớn nhất từng được triển khai tại khu vực phía Nam nhằm nâng cấp 2 tuyến hành lang đường thuỷ trọng yếu gồm: Hành lang Đông - Tây có chiều dài khoảng 197km qua sông Hậu (từ cảng Cần Thơ), sông Trà Ôn, sông Mang Thít, sông Cổ Chiên, kênh Chợ Lách, sông Tiền, Rạch Kỳ Hôn, kênh Chợ Gạo, Rạch Lá, sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn, sông Cần Giuộc, sông Soài Rạp (ngã ba sông Soài Rạp, sông Nhà Bè và sông Lòng Tàu, TP. HCM); Hành lang Bắc - Nam có chiều dài khoảng 82km qua các sông Đồng Nai (từ cảng Đồng Nai), sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Tắc Cua, sông Gò Gia, sông Thị Vải (cụm cảng Cái Mép Thị Vải).
Trong đó, Hành lang Đông – Tây sẽ được cải tạo, nâng cấp đạt cấp II kỹ thuật đường thuỷ nội địa cho tàu tự hành đến 600T, tàu 3 lớp container thường lưu thông 24/24h, tàu tự hành đến 1.500T lợi dụng thủy triều ở mực nước cao để lưu thông.
Hành lang Bắc – Nam sẽ được cải tạo tuyến luồng cho tàu tự hành đến 5.000T, tàu 4 lớp container lưu thông thuận lợi, an toàn.
Tổng mức đầu tư Dự án là 3.900 tỷ đồng, tương đương 163,34 triệu USD, trong đó hai khoản chi phí lớn nhất là chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 719,6 tỷ đồng; chi phí xây dựng 2.222,4 tỷ đồng.
Dự án dự kiến vay của WB khoảng 107, triệu USD, tương đương 2.554,81 tỷ đồng để thanh toán chi phí xây dựng, chi phí tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật và cắm cọc GPMB, tư vấn giám sát thi công xây dựng (không bao gồm thuế VAT), dự phòng phần vốn ODA.
Dự án sẽ được nhận viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc dự kiến 0,582 triê ̣u USD, tương đương 13,89 tỷ đồng. Sử dụng để chi trả cho chi phí cập nhật Báo cáo nghiên cứu khả thi, cập nhật tài liệu an toàn môi trường, lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Vốn đối ứng của Chính phủ tại Dự án vào khoảng 55,76 triệu USD, tương đương 1.331,31 tỷ đồng được sử dụng để thanh toán thuế VAT (phần chi phí xây dựng, chi phí tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật và cắm cọc GPMB, tư vấn giám sát thi công xây dựng); chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn trong nước (chi phí thẩm tra thiết kế kỹ thuật, chi phí thẩm tra, quyết toán dự án hoàn thành, lệ phí thẩm định…); chi phí GPMB; chi phí khác; dự phòng phần vốn đối ứng; phí dịch vụ khoản vay, lãi vay trong thời gian xây dựng. Thời gian thực hiện là 5 năm kể từ thời điểm Dự án được cấp có thẩm quyền bố trí vốn.
Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm tắc nghẽn, tai nạn, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa giao thông vận tải đường thủy thông qua việc cải tạo, nâng cấp hành lang vận tải Đông – Tây kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cải tạo hành lang vận tải Bắc – Nam kết nối khu vực Đông Nam Bộ với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
Quảng Ngãi: Điều chỉnh dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh
HĐND tỉnh Quảng Ngãi vừa thông qua tờ trình việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIa, thành phần 2.
Tờ trình của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIa, thành phần 2 đã được thông qua trong kỳ họp thứ 18 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Dự án này được HĐND tỉnh Quảng Ngãi quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2019, sau đó điều chỉnh cắt giảm quy mô đầu tư từ chiều dài tuyến 25 km xuống còn 18 km để bổ sung cho dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIb.
Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIb, đoạn qua huyện Mộ Đức. |
Trong quá trình triển khai thực hiện, dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIb đã tiết kiệm tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng. UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục trình HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIa, thành phần 2 để cắt giảm quy mô đầu tư từ 18 km xuống còn 12,2 km để tránh trùng lắp khi bổ sung đoạn tuyến cắt giảm vào dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIb.
Theo đó, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIa, thành phần 2 để bổ sung vào giai đoạn IIb nhằm từng bước hoàn thiện tuyến đường ven biển theo quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo giao thông thuận lợi, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư và tận dụng hết nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí cho dự án, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân vùng dự án.
Ngoài ra, tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Quảng Ngãi còn biểu quyết thông qua quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Tịnh Phong.
Khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Tịnh Phong có diện tích khoảng 2.481 ha thuộc địa bàn các xã: Tịnh Phong, Tịnh Thọ - huyện Sơn Tịnh và xã Bình Hiệp (huyện Bình Sơn) với quy mô dân số dự báo đến năm 2045 khoảng 40.000 người.
Đây là khu vực cửa ngõ phía Tây Nam của Khu kinh tế Dung Quất, phát triển các khu đô thị dịch vụ gắn với Khu công nghiệp Tịnh Phong; phát triển công nghiệp theo mô hình các khu công nghiệp sinh thái, công nghiệp nhẹ, với các loại hình công nghiệp thời trang, may mặc, điện, điện tử và các ngành công nghiệp thân thiện môi trường.
Đồng thời, là đầu mối giao thông và hạ tầng kỹ thuật, Trung tâm dịch vụ phía Tây Nam Khu kinh tế Dung Quất, phát triển các trung tâm dịch vụ: chợ đầu mối, trung tâm nghiên cứu đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Doanh nghiệp Singapore đầu tư dự án công nghệ hơn 6.000 tỷ đồng tại Hải Dương
Ban quản lý các khu công nghiệp Hải Dương vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Biel Crystal Private Limited để xây dựng nhà máy sản xuất thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tại khu công nghiệp An Phát 1.
Theo đó, nhà đầu tư Biel Crystal Private Limited đã thuê hơn 20 ha tại Khu công nghiệp An Phát 1, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương để xây dựng nhà máy sản xuất thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh, thiết bị và dụng cụ quang học, các sản phẩm từ plastic, kiểm tra và phân tích kỹ thuật...
Dự án có tổng vốn đầu tư trên 6.000 tỷ đồng (tương đương 260 triệu USD).
Đây là dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất vào Khu công nghiệp An Phát 1 kể từ đầu năm đến ngày 15/10. Dự kiến, dự án sẽ đi vào hoạt động trong quý II/2025. Chủ đầu tư dự án cam kết xuất khẩu 100% sản phẩm.
Mục tiêu của dự án là sản xuất thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh bao gồm: sản xuất, gia công miếng dán bảo vệ bằng plastic cho mặt kính bảo vệ bằng thủy tinh, sapphire dùng cho đồng hồ, điện thoại, máy vi tính, thiết bị diện tử đeo, kính cong 3D cho điện thoại, kính quang học các loại cho camera điện thoại, đồng hồ, thiết bị điện tử đeo, máy vi tính, máy tính bảng, máy chiếu, các thiết bị y tế và các sản phẩm khác... Các dịch vụ kiểm tra mặt kính bảo vệ bằng thủy tinh, sapphire dùng cho đồng hồ, điện thoại, máy vi tính, máy tính bảng, thiết bị diện tử đeo; kính cong 3D cho điện thoại, kính quang học các loại cho camera điện thoại, máy vi tính, máy tính bảng, máy chiếu, các thiết bị y tế và các sản phẩm khác...
Biel Crystal Private Limited là doanh nghiệp đến từ Singapore. Hiện đối tác của nhà đầu tư này là các thương hiệu nổi tiếng, uy tín như Samsung, LG, Apple… Dự án này nếu hoạt động hết công suất dự kiến sử dụng gần 14.000 lao động gồm 400 lao động nước ngoài, còn lại là lao động người địa phương.
Khu công nghiệp An Phát 1 có quy mô 180 ha trên địa bàn 3 xã Quốc Tuấn, An Bình, An Lâm, hiện đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng trên phần diện tích 100 ha; 80 ha còn lại đang được khẩn trương hoàn thiện trong năm nay. Đây là dự án khu công nghiệp lớn nhất tại huyện Nam Sách và định hướng trở thành khu công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường tiêu biểu tại tỉnh Hải Dương.
Tính đến nay, Khu công nghiệp An Phát 1 thu hút hơn 20 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ để thuê lại đất với tổng mức đầu tư dự kiến gần 500 triệu USD (10 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang hoàn thành thủ tục để bắt đầu xây dựng).
Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, các khu công nghiệp trên địa bàn thu hút được nhiều dự án là An Phát 1, Lương Điền - Cẩm Điền, Lai Cách, Đại An mở rộng... Những dự án FDI mới chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến, điện, điện tử đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan…
Đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã thu hút được trên 340 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,7 tỷ USD. Hiện có khoảng 260 dự án thứ cấp đã triển khai đầu tư và đi vào hoạt động. Số dự án còn lại đang hoàn thiện các thủ tục liên quan...
Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, địa phương luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tuy nhiên, các dự án đầu tư phải được thẩm định khắt khe, nghiêm ngặt tiêu chí về môi trường.
Còn theo đại diện Công ty cổ phần Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1, tận dụng dòng vốn FDI lớn đang đổ về tỉnh Hải Dương, An Phát 1 định hướng phát triển trở thành khu công nghiệp kỹ thuật cao và bền vững. Đây là yếu tố cốt lõi để Khu công nghiệp An Phát 1 thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh xu hướng công nghiệp xanh đang trở nên rõ nét và các doanh nghiệp FDI luôn xét đến yếu tố môi trường khi rót vốn vào các dự án.
Hải Dương xem xét đầu tư Trung tâm logistics, cảng thuỷ nội địa Ninh Giang 1.400 tỷ đồng
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 (lần 5) của UBND tỉnh Hải Dương, ông Lưu Văn Bản, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương đã cơ bản nhất trí với báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư về đề xuất Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm logistics, cảng thuỷ nội địa Ninh Giang.
Ông Bản yêu cầu hồ sơ dự án phải làm rõ việc bảo đảm kết nối giữa trung tâm logistics, cảng thuỷ nội địa với hạ tầng giao thông chung của tỉnh. Do dự án có sử dụng một phần đất ngoài đê, cần phải tính toán, đánh giá việc ảnh hưởng tới thoát lũ, công trình đê điều theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND huyện Ninh Giang và các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát sự cần thiết thực hiện dự án, bảo đảm mục tiêu của dự án phù hợp với quy hoạch chung xây dựng xã Hồng Phúc và quy hoạch vùng huyện Ninh Giang.
Báo cáo về chủ trương đầu tư dự án, ông Nguyễn Hải Châu, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho biết: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã đề xuất đầu tư xây dựng Trung tâm logistics, cảng thuỷ nội địa Ninh Giang nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, bốc xếp, lưu giữ, phân hối hàng hoá tại khu vực. Đồng thời, xây dựng đầu mối vận tải đa phương thức, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.
Dự án có quy mô gần 27 ha thuộc địa bàn xã Hồng Phúc (Ninh Giang) với công suất 3 triệu tấn hàng hoá/năm. Tổng vốn đầu tư dự án gần 1.400 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư. Nếu được chấp thuận, dự án dự kiến hoàn thành giải phóng mặt bằng trong quý III/2024, khởi công xây dựng trong quý IV/2024.
Trung tâm logistics, cảng thuỷ nội địa Ninh Giang cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở huyện Ninh Giang và các khu vực lân cận; lưu kho, lưu bãi hàng hoá, bốc xếp, vận tải bằng đường thuỷ, đường bộ; thông quan hải quan; bảo dưỡng, sửa chữa vỏ container, phương tiện vận tải...
Cũng tại phiên họp này, UBND tỉnh Hải Dương cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo của UBND huyện Nam Sách về phương án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu công nghiệp cao An Phát 1.
Theo báo cáo của UBND huyện Nam Sách, việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu công nghiệp An Phát 1 để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp. Công ty cổ phần Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1 đề nghị nâng công suất nhà máy cấp nước sạch từ 20.000 m3/ngày đêm lên 45.000 m3/ngày đêm, nâng công suất trạm biến áp 110 Kv từ 43,85 MvA lên 130 MvA, nâng công suất trạm xử lý nước thải từ 4.100 m3/ngày đêm lên 25.000 - 28.000 m3/ngày đêm.
Đồng thời, chủ đầu tư hạ tầng đề nghị bổ sung mở lối ra vào lô đất công trình hành chính dịch vụ, lối ra vào các nhà máy đi qua dải đất cây xanh hai bên đường và hạng mục cổng chính khu công nghiệp.
Theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu công nghiệp An Phát 1 đã được phê duyệt, 3,93 ha đất hành chính với mật độ xây dựng 60%, chiều cao 5 tầng không đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở công nhân. Do đó, bố trí quỹ đất nhà ở công nhân vào khu dân cư, dịch vụ, nhà ở công nhân phía bắc khu công nghiệp An Phát.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu UBND huyện Nam Sách, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các cơ quan liên quan hướng dẫn nhà đầu tư triển khai các phần việc về cấp điện, cấp nước sạch, thoát nước thải, nhà điều hành, khu nhà ở cho công nhân và các hạng mục tiện ích khác.
Phương án điều chỉnh phải xác định rõ quy mô, công năng của nhà điều hành khu công nghiệp; rà soát khu vực xây dựng nhà ở công nhân gắn với những tiện ích xã hội, bảo đảm phục vụ nhu cầu về giáo dục, văn hoá, y tế cho công nhân.
Gia Lai chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy sản xuất bao bì 90 tỷ đồng
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai vừa cấp Quyết định số 16/QĐ-BQLKKT chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận cho Công ty TNHH bao bì Thiên Anh để triển khai thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất bao bì có công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm.
Theo đó, Dự án Nhà máy sản xuất bao bì được triển khai tại lô B7, Khu công nghiệp Trà Đa mở rộng (TP. Pleiku). Dự án có diện tích 32.797 m2 với tổng vốn đầu tư 90 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy sản xuất bao bì của Công ty TNHH bao bì Thiên Anh sẽ đặt tại Khu công nghiệp Trà Đa. |
Mới đây, Nhà máy sản xuất bao bì này đã được UBND tỉnh cấp Giấy phép môi trường số 448/GPMT-UBND với yêu cầu phải đảm bảo giới hạn lượng khí thải xả ra môi trường, giới hạn đối với tiếng ồn, độ rung, quản lý chất thải, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường theo quy định.
Hiện, Khu công nghiệp Trà Đa đang triển khai đầu tư 62 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.541 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư đã thực hiện 2.620 tỷ đồng, đạt 74% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng đón thêm dự án mới
Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng vừa cho biết đã kêu gọi thành công Tập đoàn Foxlink International Investment Ltd. của Đài Loan đầu tư vào Khu công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng.
Theo đó, Tập đoàn Foxlink International Investment Ltd đầu tư Dự án Nhà máy điện tử Foxlink Đà Nẵng tại Khu công nghệ cao với tổng vốn đầu tư lên đến 135 triệu USD, đạt suất đầu tư 11,8 triệu USD/ha, diện tích đất sử dụng 11,35 ha.
Dự án hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao: bút cảm ứng, tai nghe không dây, bộ pin, trạm sạc, mạch in điện tử. Dự kiến dự án khi đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho gần 2000 lao động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và khu vực lân cận.
Ngoài ra, Khu công nghệ cao Đà Nẵng cũng thu hút thêm 2 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 350 tỷ đồng.
Lũy kế đến nay Khu công nghệ cao Đà Nẵng thu hút được 28 dự án đầu tư. Trong đó có 16 dự án trong nước, vốn đầu tư đăng ký hơn 7.024 tỷ đồng và 12 dự án FDI, vốn đầu tư đăng ký hơn 702 triệu USD.
Theo Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng, đơn vị đang tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành về nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, kết hợp với nguồn đầu tư ODA để tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu CNC theo hướng đồng bộ và hiện đại; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trên toàn bộ diện tích Khu công nghệ cao giai đoạn 3.
Ngoài ra, trên cơ sở dự báo sử dụng đất của điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ triển khai nghiên cứu phương án mở rộng Khu CNC. Dự kiến, tổng diện tích phát triển Khu CNC và Khu CNC mở rộng đến năm 2030 đạt 1.710 ha.
Song song với đó, Ban Quản lý tiếp tục phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhất là các thị trường trọng điểm; ưu tiên thu hút các dự án lớn về công nghệ cao, có sức lan tỏa, có quy mô trên 100 triệu USD, suất đầu tư bình quân đạt tối thiểu 15 triệu USD/1 ha và có suất doanh thu/ha cao hơn 15 triệu USD/1 ha…
Bình Định đề xuất bổ sung quy hoạch Bến cảng Đống Đa vào quy hoạch cảng biển
UBND tỉnh Bình Định vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam xem xét cập nhật điều chỉnh, bổ sung quy hoạch Bến cảng Đống Đa với nội dung “có chức năng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Định và khu vực, có các bến tổng hợp, bến hàng rời, bến cảng khách” vào hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cảng Quy Nhơn là một trong hai cảng đang chiếm thị phần lớn nhất tại tỉnh Bình Định. Ảnh minh họa (Nguồn: quynhonport). |
Lý do điều chỉnh quy hoạch này theo UBND tỉnh Bình Định là để phát huy tiềm năng, lợi thế vị trí Bến cảng Đống Đa, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trước đó, ngày 12/10/2018, UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng cảng Đống Đa, TP. Quy Nhơn theo hướng chỉ xây dựng cảng tổng hợp, không xây dựng cảng xăng dầu và các bồn chứa xăng dầu tại khu vực này; đồng thời, đề xuất vị trí mới phù hợp để di dời cảng xăng dầu của Công ty Xăng dầu Bình Định.
Tiếp đến, ngày 28/11/2018, UBND tỉnh Bình Định cũng có quyết định điều chỉnh Khu cảng hàng lỏng theo hướng toàn bộ mặt bằng khu đất của cảng nằm nhô ra đầm Thị Nại khoảng 149m (tính từ mép đường Đống Đa, trước đây theo quy hoạch là 199m) và quy mô xây dựng giảm từ 7,94 ha xuống còn 6,65 ha (giảm 1,29 ha).Khu cảng hàng lỏng không cho phép xây dựng các kho, bồn chứa xăng dầu, chỉ cho phép đấu nối bơm xăng dầu trực tiếp vào các đường ống.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định cũng có các quy hoạch xây dựng liên quan tại khu vực Bến cảng Đống Đa gồm Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Mở rộng cảng Quy Nhơn đến năm 2030 tại phường Hải Cảng; Quy hoạch quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 12 phường nội thành, TP. Quy Nhơn; Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án Cải tạo chỉnh trang khu đất phía Bắc đường Đống Đa (đoạn từ điểm bến tàu du lịch biển, sinh thái dịch vụ du lịch phường Thị Nại đến Cầu Đen) nhằm cải tạo, chỉnh trang, xây dựng để khai khác tiềm năng, lợi thế của khu vực cảng Đống Đa…
Đồng thời, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định hiện đang được giao thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án Tuyến đường nối từ Lê Thanh Nghị về cảng Quy Nhơn trong giai đoạn 2023 - 2025. Tuyến đường này định hướng kết nối đến quy hoạch Khu bến Quy Nhơn - Thị Nại - Đống Đa nhằm phục vụ nhu cầu vận tải cho các cảng biển trong khu bến này được đảm bảo an toàn, thuận lợi, góp phần giảm chi phí logistics.
Trong khi đó, theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng đang được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng phê duyệt, Bến cảng Đống Đa được định hướng và đề xuất quy hoạch thuộc Khu bến Quy Nhơn - Thị Nại - Đống Đa.
Theo 2 quy hoạch này, Khu bến Quy Nhơn - Thị Nại - Đống Đa được quy hoạch có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định và khu vực Tây Nguyên; có các bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, bến cảng khách.
Hiện nay, Cụm cảng biển Quy Nhơn có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển logistics của Bình Định. Cụm cảng biển Quy Nhơn hiện tại có 1 khu bến hoạt động là khu bến Quy Nhơn – Thị Nại.
Khu bến này bao gồm 5 bến tổng hợp (cảng Quy Nhơn, cảng Thị Nại, Tân cảng Quy Nhơn, Tân cảng Miền Trung và bến địa phương Đống Đa) và 2 bến chuyên dùng đang khai thác (bến xăng dầu Quy Nhơn và bến xăng dầu An Phú). 2 bến cảng chính chiếm thị phần lớn nhất là cảng Quy Nhơn và cảng Thị Nại.
Tây Ninh nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm
Theo số liệu công khai về tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2023 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được công bố tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Tây Ninh xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố.
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh cho biết, thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công, đến hết ngày 30/9/2023, Tây Ninh đã giải ngân 2.612,546 tỷ đồng, đạt 64,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; 57,05% kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Ước giải ngân đến ngày 31/10/2023 là 2.985,515 tỷ đồng, đạt 73,51% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 65,19% kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Đến ngày 30/9/2023, UBND tỉnh đã bố trí vốn thanh toán khối lượng hoàn thành năm 2023 cho 60 dự án với tổng số vốn là 113,601 tỷ đồng. Qua rà soát, các chủ đầu tư đã thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác thanh toán, tất toán tài khoản, tích cực giải ngân vốn ngay sau khi bố trí vốn quyết toán dự án hoàn thành.
Đến ngày 31/8/2023, các chủ đầu tư đã thực hiện giải ngân 45 dự án/75,99 tỷ đồng, đạt 66,9% kế hoạch; còn lại 15 dự án chưa thực hiện giải ngân.
Công tác giải ngân vốn đầu tư công mặc dù đạt khá so với cả nước nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu tỉnh đã đề ra; còn vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu thi công còn hạn chế làm chậm tiến độ dự án.
Theo Sở KH&ĐT, để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quyết liệt, tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh những giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng;
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn của các chủ đầu tư liên quan đến quy trình thẩm định giá đất, phương án bồi thường; chủ động hỗ trợ, hướng dẫn các Phòng TN&MT, Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện trong quá trình triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Sở KH&ĐT tham mưu kế hoạch làm việc của Tổ công tác thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công với các chủ đầu tư, UBND cấp huyện để kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Phối hợp Sở tài chính theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân của các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công. Nhất là các dự án lớn, trọng điểm, các dự án sử dụng vốn ODA. Kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý các đơn vị, địa phương thiếu tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý dự án yếu hoặc vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.
Chủ động rà soát, báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình cấp có thẩm quyền kiên quyết điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án, địa phương chưa bảo đảm tỷ lệ giải ngân sang các dự án, địa phương khác có tiến độ giải ngân vốn nhanh, có nhu cầu bổ sung thêm vốn và có khả năng hấp thụ vốn mà không chờ đề nghị của chủ đầu tư.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác theo dõi, thanh tra, kiểm tra; thực hiện tốt công tác giám sát và đánh giá đầu tư, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, ngăn ngừa và khắc phục những hiện tượng tiêu cực như thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư công.
Chỉ đạo các phòng Quản lý đô thị, kinh tế - Hạ tầng huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thẩm định; rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt.
Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, cần quy định xem xét tổng thể hồ sơ chỉ trả một lần, không trả hồ sơ quá hai lần với nội dung khác nhau, thời gian xem xét và trả hồ sơ không quá 1/3 tổng thời gian thẩm định.
Đồng thời, khẩn trương sắp xếp, bố trí thời gian kiểm tra hồ sơ chất lượng nghiệm thu công trình trong thời gian sớm nhất (tối đa không quá 5 ngày) khi nhận được hồ sơ đề nghị kiểm tra nghiệm thu của các chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, Sở KH&ĐT cũng đề nghị các chủ đầu tư quán triệt, nghiêm túc triển khai thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh trong công tác xây dựng cơ bản; cam kết thực hiện giải ngân vốn đầu tư công được giao.
Các đơn vị chủ đầu tư được giao vốn trong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân đã cam kết phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Khẩn trương lập kế hoạch tiến độ, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện phương án đền bù, giải phóng mặt bằng song song với quá trình lập hồ sơ dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật ngay sau khi có quyết định phân khai vốn chuẩn bị đầu tư dự án; nhanh chóng xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quy trình thẩm định giá đất, phương án bồi thường...
Các chủ đầu tư phải kiểm soát chặt chẽ năng lực của các nhà thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu và thương thảo ký hợp đồng. Bảo đảm đủ số lượng chỉ huy trưởng, kỹ thuật, nhân công phù hợp để thi công các gói thầu. Không để xảy ra trường hợp không bố trí đủ nhân lực thực hiện theo đúng kế hoạch yêu cầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Đôn đốc nhà thầu quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công. Hằng tháng so sánh kết quả giải ngân thực tế và cam kết để có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chất lượng công trình, thường xuyên tổ chức kiểm tra tại hiện trường, kiên quyết xử lý vi phạm trong thực hiện hợp đồng thi công.
Quảng Trị sẽ có thêm nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ 9.000 tấn/năm
Ngày 19/10, BQL Khu kinh tế Quảng Trị cho biết đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ Sepon của Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị.
Theo đó, Dự án có diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 1,9 ha với sản phẩm dịch vụ cung cấp là phân bón hữu cơ. Theo thiết kế, dự án có quy mô công suất sản xuất 30 tấn sản phẩm/ngày (tương đương 9.000 tấn sản phẩm/ năm).
Dự án có tổng vốn đầu tư 38 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư 7,6 tỷ đồng và nguồn vốn huy động 30,4 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Dự án được thực hiện tại Khu công nghiệp Quán Ngang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Dự kiến, dự án sẽ bắt đầu khởi công xây dựng vào Quý 2/2024 và hoàn thành đi vào hoạt động vào Quý 4/2024.
Được biết, Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị có trụ sở tại 01 Phan Bội Châu, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động vào tháng 7/2007, do ông Hồ Xuân Hiếu (SN 1975) làm người đại diện pháp luật.
Doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh như sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột; bán buôn thực phẩm và đồ uống; nhà khách, nhà nghỉ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày; thu mua và chế biến mũ cao su; thu mua chế biến nông sản; thu mua và chế biến gỗ; kho bãi và lưu giữ hàng hoá trong kho… với một số dự án đã được triển khai như: Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, Nhà máy chế biến nông sản Đông Hà, Nhà máy chế biến mũ cao su Cam Lộ, Khách sạn Sepon, Nhà máy viên năng lượng Cam Lộ...
Theo kết quả kinh doanh, trong năm 2022, doanh nghiệp này có doanh thu thuần 1.361 tỷ đồng, tuy vậy, giá vốn bán hàng lên đến 1.210 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 16 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2022, doanh nghiệp có tổng tài sản 618,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nợ phải trả cũng chiếm tỷ lệ khá cao so với tổng tài sản doanh nghiệp - lên đến 516,1 tỷ đồng.
Phú Yên gia hạn Dự án Nhà máy xử lý rác thải của Tập đoàn T-Tech
Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam vừa được UBND tỉnh Phú Yên gia hạn thời gian sử dụng đất để thực hiện Dự án Nhà máy xử lý rác thải tại TP. Tuy Hòa.
Theo đó, Dự án Nhà máy xử lý rác thải tại TP. Tuy Hòa được gia hạn thời gian sử dụng đất thêm 24 tháng kể từ ngày 19/10/2023 (tức đến tháng 10/2025).
Ảnh phối cảnh Dự án Nhà máy xử lý rác thải tại TP.Tuy Hòa của Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam. Nguồn: T-Tech. |
Sau khi được gia hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam được yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai, nộp khoản tiền tương ứng với mức tiền thuê đất trong thời gian gia hạn; khẩn trương sử dụng đất, xây dựng hoàn thành công trình để đưa dự án vào hoạt động trong thời gian gia hạn.
“Trường hợp hết thời gian được gia hạn mà nhà đầu tư vẫn chưa xây dựng hoàn thành dự án thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại”, UBND tỉnh Phú Yên đề cập.
Dự án Nhà máy xử lý rác thải tại TP. Tuy Hòa được xây dựng tại xã An Phú và Hòa Kiến, TP. Tuy Hòa với diện tích 10 ha, tổng vốn đầu tư 264 tỷ đồng. Dự án được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt chủ trương đầu tư lần đầu vào ngày 15/5/2017 và điều chỉnh chủ trương đầu tư vào ngày 7/6/2019. Sau khi điều chỉnh, tiến độ thực hiện dự án là 15 tháng.
Tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII vào ngày 6/7/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên cho biết, trên cơ sở chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư (gia hạn thời gian thực hiện) của UBND tỉnh, Sở đã tiến hành xử phạt về tiến độ, đồng thời Dự án được phép gia hạn đến tháng 11/2023 phải hoàn thành.
Cũng theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, đến tháng 11/2023, nếu chủ đầu tư không triển khai thì đã đủ điều kiện để đơn vị tham mưu UBND tỉnh thu hồi dự án này theo quy định.
Tiền Giang thu hút gần 7.000 tỷ đồng
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, ước 9 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tưcông trên địa bàn tỉnh là 3.443 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch vốn giao đầu năm 2023 (cùng kỳ đạt 63,5%). Tổng vốn đầu tư công năm 2023 sau điều chỉnh bổ sung là 6.111,1 tỷ đồng; ước 9 tháng giải ngân 3.804 tỷ đồng, đạt 62,2% kế hoạch điều chỉnh.
Trong đó, vốn ngân sách địa phương giải ngân 2.706 tỷ đồng, đạt 67,3% kế hoạch, vốn ngân sách Trung ương giải ngân 1.098 tỷ đồng, đạt 52,5% kế hoạch.
Với tỷ lệ giải ngân như trên, Tiền Giang tiếp tục thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao trên cả nước.
Thu hút đầu tư vào tỉnh cũng đạt kết quả khá tích cực. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh thu hút được 13 Dự án; tổng vốn đầu tư đăng ký 5.600 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ. Trong đó, gồm 10 dự án vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư đăng ký 5.295 tỷ đồng và 3 dự án vốn đầu tư nước ngoài có vốn đầu tư đăng ký 305 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có 5 dự án đăng ký tăng vốn, với tổng số vốn tăng 1.172 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư thu hút 9 tháng đầu năm 2023 đạt 6.772 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Từ nay đến cuối năm 2023, tỉnh Tiền Giang tiếp tục xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư các dự án: Khu du lịch sinh thái Trung Kiên; Nhà máy chế biến trái cây tại huyện Chợ Gạo, Cụm công nghiệp Thạnh Tân; Nhà máy chế biến nông sản; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Lê Hà…
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án: Khu đô thị Đông Bắc TP. Mỹ Tho; Nhà máy sản xuất Hydro xanh Tiền Giang; Dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất khí Bio-LNG, CO, lỏng và phân bón hữu cơ Việt Nam - Hà Lan…
Về phát triển doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 645 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 4.106 tỷ đồng, đạt 77,7% kế hoạch năm 2023 về số lượng doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường tích cực, ước tính có 321 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 15% so cùng kỳ, cao gấp 2,3 lần số doanh nghiệp hoàn tất giải thể.
Tính đến cuối tháng 9/2023, toàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 5.989 doanh nghiệp hoạt động.