Thời sự
Thường vụ Quốc hội thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến Luật quy hoạch
Mạnh Bôn - 19/09/2018 20:51
Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận sửa tới 37 luật khác nhau. Ngoài 14 luật đã được quy định cụ thể tại Luật Quy hoạch còn sửa thêm 23 luật khác có liên quan đến quy hoạch đã cho thấy mức độ phức tạp của luật này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục đích ban hành Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch là tiếp tục thể chế Nghị quyết 10-NQ/TW (Hội nghị lần thứ 5, Khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường.

“Theo đó, luật này sẽ bãi bỏ các quy hoạch về phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ, các quy hoạch này đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thực hiện chủ trương trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Ban soạn thảo đã rà soát các quy định pháp luật hiện hành có nội dung quy định về quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể; ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ; đồng thời đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung để loại bỏ các quy hoạch sản phẩm này ví dụ quy hoạch phát triển ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển, quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu biển, quy hoạch về an toàn thông tin mạng...

“Việc quản lý nhà nước về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể sẽ được thực hiện thông qua việc ban hành và áp dụng các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, phù hợp với cơ chế kinh tế thì trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm sẽ góp phần xóa bỏ cơ chế xin-cho, loại bỏ những giấy phép không phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, qua đó tạo bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, đảm bảo công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, nguyên tắc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch bảo đảm nguyên tắc lấy quy định của Luật Quy hoạch làm gốc, các luật khác có liên quan phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch và chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với Luật Quy hoạch.

“Các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia phải bảo đảm thực hiện theo Luật Quy hoạch; các luật chuyên ngành không quy định lại, quy định trái nội dung đã được quy định tại Luật Quy hoạch; bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ”, ông Thanh cho biết thêm.

Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 thì hệ thống pháp luật ở hầu hết các lĩnh vực đều phải sửa đổi cho phù hợp với Luật Quy hoạch như lĩnh vực giao thông, vận tải phải sửa đổi 4 luật; tài nguyên và môi trường sửa đổi 7 luật; lĩnh vực nông nghiệp (3 luật); khoa học và công nghệ (4 luật); thông tin và truyền thông (3 luật); lĩnh vực xây dựng (2 luật)…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Khắc Định, mặc dù Dự thảo đề xuất sửa đổi tới 37 luật nhưng vẫn chưa hết các luật có liên quan đến quy hoạch. “Ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra cần phải tiếp tục rà soát để sửa luôn trong luật này, kể cả những luật chỉ cần sửa đổi, bổ sung rất ít, thậm chí chỉ phải sửa đổi một vài chữ cũng phải sửa luôn cho đồng bộ với hệ thống Luật Quy hoạch. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phải sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi ít nhất 3 pháp lệnh liên quan đến quy hoạch để có hiệu lực phù hợp với hiệu lực thi hành của Luật Quy hoạch là kể từ 1/1/2019”, ông Định đề xuất.

Phó Chủ tịch Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển thừa nhận, việc phải ban hành một luật sửa tới 37 luật là vô cùng phức tạp. “Mặc dù đã sửa 37 luật rồi, nhưng Ban soạn thảo phải tiếp tục rà soát, bổ sung tiếp các luật có liên quan đến quy hoạch, nếu cần thiết thì sửa ngay, nhưng chỉ sửa những nội dung liên quan đến quy hoạch, còn các nội dung khác, nếu phát hiện ra bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn sẽ sửa sau khi sửa đổi, bổ sung luật chuyên ngành”, ông Hiến phát biểu.

“Cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật đến quan đến quy hoạch để sửa luôn trong Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch nhưng trên nguyên tắc không mở rộng nội dung sửa đổi mà chỉ sửa những gì liên quan đến quy hoạch, mâu thuẫn, xung đột với Luật Quy hoạch”, Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ đạo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Luật Quy hoạch ngay khi xây dựng đã thấy sự phức tạp vì thay đổi toàn bộ tư duy, quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch từ trung ương đến địa phương.

“Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua và sắp có hiệu lực. Vấn đề còn lại là các bộ, ngành phải chủ động rà soát lĩnh vực quản lý nhà nước của mình và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch trong các luật do bộ, ngành đã từng được giao chủ trì soạn thảo vì bản thân một mình Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật có liên quan đến quy hoạch được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Theo dự kiến ban đầu, quy hoạch thuộc lĩnh vực do bộ, ngành nào quản lý thì bộ, ngành đó phải chủ trì soạn thảo luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến quản lý nhà nước về quy hoạch. Nhưng như vậy sẽ phải ban hành nhiều luật sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch, mất rất nhiều thời gian, công sức. Để tiết kiệm thời gian, công sức, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối chủ trì soạn thảo một luật duy nhất sửa đổi, bổ sung tất cả các luật liên quan đến quy hoạch. “Vì vậy, đề nghị các bộ, ngành phải chủ động rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật thuộc lĩnh vực quản lý của mình liên quan đến quy hoạch và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi ngay vào Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị.

Tin liên quan
Tin khác