Thời sự
2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh nhất
Thị Hồng - 24/03/2020 16:12
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% nên dịch Covid 19 gây ảnh hưởng lớn. Một số doanh nghiệp cá tra kỳ vọng, sang tháng 4, tình hình này có phục hồi 50%, và 100% từ tháng 6.

Theo số liệu thống kê của Hải quan, tính đến hết tháng 02/2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt trên 991 triệu USD, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu đến nhiều thị trường, đặc biệt là Trung Quốc khi trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm đến 44%. 

Xuất khẩu sang thị trường EU cũng không ngoại lệ, khi giảm 20% và đến các thị trường khác như ASEAN, Hàn Quốc giảm lần lượt 4% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu cá tra bị ảnh hưởng mạnh nhất khi hệ thống bán lẻ, siêu thị đình trệ, hệ thống giao nhận bị tắc nghẽn nên xuất đến thị trường này giảm 52% trong 2 tháng đầu năm. 

Tổng xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 210 triệu USD, giảm 32%. Ngoài ra, cá tra xuất sang Mỹ cũng giảm 27%, sang EU giảm 40%, các nước ASEAN giảm 19%.  

Xuất khẩu thuỷ sản 2 tháng đầu năm 2020 (Nguồn: Vasep).

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, với thị trường châu Âu, chưa có tác động rõ ràng đối với kết quả 2 tháng đầu năm. 

Tuy nhiên, cá tra chủ yếu bán cho hệ thống bán lẻ chứ không phải là phân khúc dịch vụ thực phẩm, do đó thị trường là cơ hội cho ngành cá tra khôi phục lại, nhất là sau khi EVFTA có hiệu lực. 

Ngoài ra, ngành cá tra có thể tận dụng thực tế năm nay, cá minh thái châu Âu (European pollock-PV) giá tăng, các nhà máy chế biến EU có thể sẽ cân nhắc thay thế một phần cá thịt trắng bằng cá tra với điều kiện Việt Nam đẩy mạnh truyền thông, quảng bá mạnh để thay đổi ấn tượng về hình ảnh con cá tra trên thị trường EU. Từ đó, có thể tận dụng mức thuế nhập khẩu giảm từ 5% xuống 0%. 

Sản phẩm cá tra nếu được kiểm soát chất lượng tốt, đẩy mạnh chế biến hàng giá trị gia tăng thì vẫn có thể có giá tốt trên thị trường châu Âu, khi kênh tiêu thụ tại một số thị trường hồi phục lại.

Tại thị trường Mỹ, giá cá tra bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu xuống nhưng sản lượng tiêu thụ năm nay dự báo sẽ tốt hơn 2019 vì tồn kho đã hết. 

Dịch bệnh ở Mỹ đang lan rộng nhưng doanh nghiệp cá tra dự đoán vẫn có thể đứng vững trên thị trường Mỹ. 

Diện tích nuôi giảm nên sản lượng cá tra năm 2020 có thể giảm 10 – 20%. Dự kiến sản lượng xuất khẩu hai quý cuối năm 2020 có thể tăng nhẹ, dẫn đến khả năng thiếu cá nguyên liệu vào năm 2021, đặc biệt là quý I/2021. Do đó, doanh nghiệp được khuyến nghị phải tập trung phát triển, ổn định thị trường từ năm nay. 

Theo Vasep, với cá tra, không nên lo ngại về nguyên liệu, nhưng nên tiếp cận việc đánh số vùng nuôi hoặc đưa ra các điều kiện nuôi cá tra hoàn chỉnh hơn để chuẩn bị cho năm 2021 tốt hơn. 

Đặc biệt, liên quan đến chương trình thanh tra của FSIS vì Việt Nam hiện phải làm việc với Mỹ về cơ sở nuôi đủ điều kiện, đảm bảo khi xuất sang Hoa Kỳ sau dịch vẫn tốt. 

Cùng với đó, việc xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua thương lái, gia công sẽ hạn chế. Như vậy, thị trường này cũng sẽ ổn hơn thông qua xuất khẩu chính ngạch và ngành cá tra sẽ phát triển ổn định hơn. 

Trước tác động của dịch Covid-19, Vĩnh Hoàn đã hạ lợi nhuận kế hoạch năm 2020 khoảng 10% so với kế hoạch ban đầu. Cùng với đó, các đơn hàng giảm từ Trung Quốc sẽ được chuyển sang thị trường EU để giảm bớt ảnh hưởng của dịch bệnh.

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đưa ra dự báo, năm 2020, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn có thể tăng gần 10% nhưng lợi nhuận sau thuế có thể giảm gần 19%.

Thêm vào đó, biên lợi nhuận gộp dự kiến đạt xấp xỉ 17%, giảm khoảng 2,5% so với mức năm 2019. BSC cũng cho rằng, biên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn sẽ thu hẹp lại trong cả năm nay, vì giá bán dự kiến giảm 2% so với năm 2019 và chi phí nguyên vật liệu dự kiến tăng 9%.
Tin liên quan
Tin khác