Ngân hàng chiếm top đầu
Một thống kê của cơ quan quản lý về thu nhập đối với các vị lãnh đạo quản lý ở 31 công ty mẹ các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cho thấy, những khó khăn chung trong sản xuất kinh doanh vừa qua gần như không ảnh hưởng nhiều tới túi tiền của các nhân vật VIP này.
Với mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, thống kê này cho biết trong cả 2 năm 2011-2012, đều có 19 vị được hưởng. Thấp hơn một chút nhưng cũng là mức "khủng', 12 vị khác được hưởng thu nhập từ 700-900 triệu đồng/năm.
Vậy, ai là người giàu nhất trong số các vị lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty này?. Quán quân thuộc về lãnh đạo của một ngân hàng quốc doanh đã cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoán.
Cụ thể, năm 2011, thu nhập trung bình mỗi tháng của vị Chủ tịch HĐQT ngân hàng này đã lên tới hơn 275 triệu đồng/tháng, tương ứng khoảng 3,2 tỷ đồng/năm. Năm 2012, thu nhập của vị này giảm 27% nhưng vẫn là số 1 trong bảng xếp hạng với mức thu nhập 202 triệu đồng/tháng, tức khoảng gần 2,5 tỷ đồng/năm.
Vị trí thứ 2 năm 2011 không phải lãnh đạo ngành ngân hàng mà thuộc về DN ngành dệt may. Tổng giám đốc DN lớn có doanh số xuất khẩu hàng tỷ USD có thu nhập khoảng 243 triệu đồng/tháng, tương ứng 2,9 tỷ đồng/năm. Song, năm 2012, thu nhập của vị lãnh đạo này tụt dốc, chỉ còn 74 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập còn 899 triệu đồng/năm, giảm 70%.
Chính vì thế, từ vị trí số 2, vị lãnh đạo này chỉ còn xếp thứ 23 trong năm 2012.
Thay vào đó là lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh khác vừa cổ phần hóa. Thu nhập của chủ tịch ngân hàng này từ vị trí thứ 11 với mức thu nhập 1,2 tỷ năm 2011 đã tiến lên vị trí thứ 2, với thu nhập trên 2 tỷ trong năm 2012.
Vị lãnh đạo xếp thứ 3 và thứ 4 về thu nhập năm 2011 cũng thuộc về giới ngân hàng và cũng đến từ một ngân hàng quốc doanh đã cổ phần hóa. Theo đó, vị chủ tịch HĐQT thu nhập tới 1,9 tỷ đồng còn tổng giám đốc nhận lương hưởng 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2012, cả 2 vị lãnh đạo này đã bị "xuống hạng" với thu nhập đều khoảng 1,6 tỷ đồng/năm, xếp thứ 6 và 7.
Người đứng cuối cùng về thu nhập tiền tỷ trong năm 2011 cũng lãnh đạo của một tập đoàn tài chính với con số 1,025 tỷ đồng/năm được trả cho vị trí Tổng giám đốc. Nhưng năm 2012, ông này đã được "thăng hạng" lên thứ 17 dù mức thu nhập chỉ tăng thêm 14 triệu đồng.
So sánh tương quan theo ngành nghề, lãnh đạo các ngân hàng luôn có thu nhập vượt trội và luôn thay phiên nhau đứng đầu TOP đầu. Riêng năm 2012, 9 vị lãnh đạo của 4 ngân hàng lớn đã đứng đầu bảng về thu nhập trong tổng số 62 vị được thống kê.
Ngành dầu khí, lâu nay được coi là có thu nhập khủng tuy nhiên lãnh đạo có thu nhập cao nhất của ngành này ở mức 1,2 - 1,3 tỷ đồng trong năm 2011. Trong năm 2012, cả 2 vị này cũng tụt hạng, thu nhập giảm 100 triệu đồng và lần lượt xếp thứ 13 và 14.
Những khoảng cách
Những tưởng, năm 2011-2012 là giai đoạn đầy khó khăn của ngành ngân hàng. Bất động sản đóng băng, doanh nghiệp phá sản, kéo theo, nợ xấu gia tăng mạnh mẽ. Đây cũng là thời điểm cuộc tái cơ cấu các ngân hàng, tổ chức tài chính được khởi động rầm rộ.
Ngân hàng Nhà nước ráo riết chỉ đạo các cuộc sàng lọc, rồi sáp nhập từ phi vụ đầu tiên hợp nhất 3 Ngân hàng Thương mại là ngân hàng cổ phần Sài gòn (SCB), Ngân hàng Đệ nhất (Ficombank) và Ngân hàng Việt Nam Tín nghĩa. Kế đến, Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) đã phải xin sáp nhập vào Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB); tiếp theo là Western Bank hợp nhất với PVFC... và các cuộc tái cơ cấu ở TienphongBank,Ngân hàng Xây dựng...
Nhiều ngân hàng thương mại đã phải cắt thưởng lớn. Gần đây nhất, dịp Tết năm 2013, nhân viên nhiều ngân hàng cổ phần chỉ được thưởng vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng, thua xa mức thưởng 1 tháng thu nhập khoảng 20 triệu đồng như mọi năm.
Thậm chí, Tổng giám đốc của Techcombank cuối năm 2012 còn phải gửi tâm thư đến toàn bộ nhân viên ngân hàng thông báo Tết năm 2013 không có thưởng.
Chia sẻ trên báo chí, đại diện của nhiều ngân hàng có lãnh đạo thu nhập tiền tỷ trên cũng than phiền, năm 2013, Tết dương, Tết âm thưởng không bằng năm trước và thâm chí, chỉ được nhận tháng lương thứ 13.
Cũng "ngang vai ngang vế" nhưng cũng có những vị lãnh đạo chỉ được hưởng mức thu nhập bèo bọt. Trung bình mỗi tháng, 'thu nhập" chỉ khoảng trên dưới 10 triệu đồng đổ lại. Tuy nhiên, con số này là rất ít ỏi, chỉ có 7-10 vị trong 2 năm qua trên tổng số 62 vị lãnh đạo của 31 công ty mẹ các Tập đoàn, Tổng công ty, Ngân hàng thương mại của Nhà nước. Đó là những vị lãnh đạo đứng đầu Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt, Tổng công ty Xi măng...
Thông tin trên đã hé lộ rằng, dù kinh tế khó khăn nhưng vẫn có những DN kinh doanh tốt và sẵn sàng trả lương cao. Lương tiền tỷ có lẽ sẽ không còn là chuyện lạ nếu thu nhập đó tương xứng với hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN.
Phạm Huyền (VEF)