Lô vải thiếu đầu tiên của tỉnh Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật do 3 doanh nghiệp là Ameii, Toàn cầu và Chánh Thu thực hiện. |
Sáng 26/5/2021, tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang diễn ra Lễ xuất hành lô vải thiều sớm Tân Yên đi thị trường Nhật Bản.
Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), số lượng xuất khẩu đợt này khoảng 20 tấn. Cơ quan này cho biết thêm, lô vải thiếu đầu tiên của tỉnh Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật do 3 doanh nghiệp là Ameii, Toàn cầu và Chánh Thu thực hiện.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, kế hoạch đầu tiên dự định sẽ xuất khẩu 15 tấn, nhưng trong lễ xuất khẩu đầu tiên sáng 26.5, phía bạn đã tăng số lượng nhập khẩu lên 20 tấn.
Ông Lê Ánh Dương khẳng định, vải thiều Bắc Giang có chất lượng vượt trội, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được trồng trọt, chăm sóc ở “Vùng vải an toàn dịch bệnh”,thị trường trong và ngoài nước có thể yên tâm tin dùng.
Vải thiều xuất khẩu đi Nhật Bản đều phải xử lý bằng Methyl Bromide. Trong số 3 đơn vị đảm nhận nhiệm vụ sơ chế, khử trùng, đóng gói. Đợt này, lượng vải xuất đi Nhật được xử lý tại cơ sở của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu.
Năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020), trong đó vải chín sớm 6.050ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải dự kiến: Vải chín sớm sẽ tập trung thu hoạch rộ 20/5-10/6/2021; vải chính vụ sẽ thu hoạch rộ từ 10/6-20/7/2021.
Hôm 23/5, 3 tấn vải quả đầu tiên của Hải Dương do Công ty Sunrise Farm Nhật Bản ký kết với Công ty Cổ phẩn Ameii Việt Nam đã cập cảng hàng không tại Nhật Bản đánh dấu cho một mùa vải bội thu.
Vải thiều Việt Nam cũng đã gây được tiếng vang sau một năm xâm nhập thị trường Nhật Bản. Khi lần đầu tiên được ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON vào tháng 6/2020, quả vải thiều đã được người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật hồ hởi đón nhận.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam), năm nay Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản không cử chuyên gia sang giám sát trực tiếp, mà thay vào đó ủy quyền cho cơ quan kiểm dịch thực vật phía Việt Nam thực hiện việc giám sát khử trùng vải thiều xuất khẩu sang thị trường này. Việc này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí trong khâu chuẩn bị xuất khẩu, tạo điều kiện cho quả vải thiều sang Nhật Bản được thuận lợi hơn.
Với những kinh nghiệm, kết quả thu được sau năm đầu tiên xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân tại các vùng trồng vải lớn đã sớm có sự chuẩn bị cho mùa vụ năm nay.
Tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã chỉ đạo gia tăng diện tích vùng sản xuất vải cũng như số lượng mã số vùng trồng được phép xuất khẩu sang Nhật Bản, trong khi các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu cũng tăng cường đầu tư các chi phí xử lý, bảo quản quả vải cần thiết để đáp ứng tiêu chuẩn Nhật Bản.