Thông tin tại buổi họp báo giới thiệu về Hội nghị sáng nay (14/4), ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, Hội nghị Bộ trưởng là cơ hội để Bộ HTX, Chính phủ các nước trong khu vực, phong trào HTX các nước thành viên và các tổ chức quốc tế hiểu rõ hơn về kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và phong trào HTX nói riêng. Đồng thời, tăng cường giao thương hợp tác giữa các HTX trong khu vực, đẩy mạnh hợp tác, kết nối thị trường và công nghệ... nhằm tạo môi trường thuận lợi để các HTX, liên minh HTX ở Việt Nam phát triển.
Sơ chế rau sạch tại HTX Nông nghiệp Phước An |
Chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng lần này là: "Tầm nhìn đến năm 2030: Tăng cường sự hỗ trợ và hợp tác hơn giữa Chính phủ với khu vực HTX để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”.
Trong ba ngày diễn ra, Hội nghị Bộ trưởng HTX sẽ có 06 phiên họp chính thứ, bàn về: Chương trình hoạt động của Liên minh HTX quốc tế và mục tiêu phát triển bền vững; Vai trò của HTX như những nhà sản xuất và người tiêu dùng để đảm bảo chủ quyền lương thực; HTX tiếp cận đến các lĩnh vực y tế, giáo dục, kinh tế xanh, chăm sóc người già và đặc biệt quan tâm đến phụ nữ và thanh niên; Hợp tác Công – tư; Vai trò của HTX trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế phi chính thức sang chính thức; Môi trường thuận lợi để phát triển HTX: Luật HTX, Chính sách và điều lệ HTX nhằm thúc đẩy HTX tăng trưởng và phát triển.
Được biết, đến thời điểm này đã có gần 500 đại biểu đăng ký tham gia, bao gồm 200 đại biểu quốc tế.
Thống kê cho thấy, hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 2,6 triệu HTX và tổ chức tương hỗ, thu hút trên 1 tỷ thành viên và tạo việc làm ổn định, chất lượng cao cho trên 250 triệu người.
Tuy nhiên, cũng giống như Việt Nam, phong trào hợp tác xã tại nhiều nơi trên thế giới cũng đang gặp khó khăn như đa số là người lớn tuổi tham gia vào hợp tác xã, người trẻ không quan tâm hoặc không hề biết đến khu vực này. Mặt khác, nhiều hợp tác xã hoạt động giống doanh nghiệp và chia lãi theo vốn góp và mất dần ý nghĩa đối với cộng đồng.
Chính vì vậy, việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác xã các nước khu vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ giúp các nước cụ thể hóa hành động quốc gia trong khu vực nhằm thực hiện có hiệu quả 17 mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững tới năm 2030 đã được Liên Hiệp quốc chính thức thông qua.