Một số ý kiến cho rằng, số lượng cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp trong mấy năm gần đây “ổn định” ở mức 200.000 là chấp nhận được trong bối cảnh đầu ra ngày một tăng, số việc làm mới không nhiều. Hơn thế, tỷ lệ “bà cử, ông nghè” Việt Nam thất nghiệp hiện chiếm khoảng 5% số người có bằng cử nhân trở lên còn vẫn thấp hơn Hàn Quốc (8,3%), Trung Quốc (trên 8%), Đài Loan (5,81%)… Con số này ngang với Hoa Kỳ - một trong những quốc gia có nền giáo dục, đào tạo tiên tiến nhất thế giới.
. |
Nhưng điều đáng buồn là, khác với nhiều nước, trong số 95% người tốt nghiệp đại học có việc làm, thì một tỷ lệ không nhỏ có được chỗ làm không hẳn do năng lực, kiến thức học ở đại học, mà nhờ mối quan hệ.
Đáng buồn nữa, khoảng 20% số cử nhân, thạc sỹ, trong đó có không ít người sở hữu tấm bằng đỏ “danh giá” hiện làm những việc - nói như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - là “không xứng đáng với tấm bằng đại học”.
Ở khía cạnh khác, đối tượng này đang cạnh tranh về công ăn, việc làm với những người không cần qua đào tạo. Sự cạnh tranh khốc liệt tới mức có cử nhân công nghệ thông tin sẵn sàng làm nghề trông quán net; cử nhân thương mại đi bán thuê trà chanh, bia cỏ, quán nhậu vỉa hè; kỹ sư cơ khí đi rửa thuê xe máy, ô tô…
Đây quả là sự lãng phí không thể cân đong, đo đếm cả về tiền bạc, thời gian, công sức… của cá nhân, mà với cả gia đình và xã hội.
Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ thừa nhận: “Sinh viên ra trường không có việc làm, làm không đúng chuyên môn đào tạo có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chất lượng giáo dục, đào tạo thấp. Tôi rất trăn trở và chịu trách nhiệm. Tới đây, tôi sẽ có đột phá vấn đề này, trong đó có việc siết chặt quản lý chất lượng đào tạo". Song gần nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã qua, ngành giáo dục - đào tạo dường như chưa có đột phá nào đáng nói để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, đồng thời cho rằng, do vốn đầu tư ít nên khó có thể đòi hỏi chất lượng cao. Nếu cứ vin vào lý do “tiền nào của nấy” thì bao giờ, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam mới được cải thiện?
Những “khuyết tật” trong giáo dục - đào tạo cũng đã được đưa ra phân tích, mổ xẻ trong nhiều kỳ họp Quốc hội. Tựu trung, đó là tình trạng đào tạo theo nhu cầu, thị hiếu của người học, mà không cập nhật, kết nối giữa đào tạo và yêu cầu thực tế của thị trường lao động. Đó là chương trình đào tạo nặng về truyền thụ lý thuyết một chiều, “thầy đọc, trò ghi”, nhẹ về thực hành, không chú trọng rèn luyện các kỹ năng mềm cho người học. Đó là chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục - đào tạo thấp, nặng về tăng chỉ tiêu tuyển sinh viên để tăng nguồn thu mà coi nhẹ chất lượng đầu vào…
Với một nền đào tạo chất lượng như vậy, không có gì lạ khi hàng năm, những gia đình có tiềm lực tài chính đành chấp nhận bỏ ra khoảng 3 tỷ USD cho con em đi du học - bằng với số tiền của gần 1 triệu người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài chuyển về nước hàng năm.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang định hình lại những lĩnh vực đào tạo mũi nhọn, dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ về nhu cầu, cơ cấu ngành nghề, trình độ, công nghệ đào tạo. Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018-2019 với sự tham gia của hàng triệu thí sinh đang cận kề. Một khi vẫn tiếp tục cách thức quản lý hệ thống giáo dục - đào tạo như hiện nay, một khi tư duy quản lý giáo dục - đào tạo không theo kịp với sự phát triển của xã hội, một khi vẫn lấy lý do “tiền nào của nấy”, thì không hiểu sau 4 - 5 năm nữa, với nguồn nhân lực được đào tạo khi ra trường, Việt Nam sẽ bước vào cuộc cách mạng 4.0 ra sao?
Đây là bài toán, mà trước hết, ngành giáo dục - đào tạo, một ngành tập trung nhiều nhân sự có hàm lượng chất xám cao, nên chủ động đưa ra lời giải.