Thời sự
235 đại biểu muốn gói chính sách tài khoá, tiền tệ ban hành càng sớm càng tốt
Nguyễn Lê - 06/01/2022 20:20
Trong phiên thảo luận tổ, đã có hơn 365 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết về gói chính sách tài khoá, tiền tệ.
Thảo luận tại tổ về gói chính sách tài khoá, tiền tệ chiều 4/1, đã có hơn 365 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết. Đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình.

Đó là con số được Tổng thư ký Quốc hội cho biết tại báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo vừa hoàn thành ngày 6/1, có dung lượng hơn 16.000 chữ, phục vụ phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội trong ngày 7/1.

Theo đó, chiều 4/1, khi thảo luận tại tổ, đã có hơn 365 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết. Đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình, và 235 ý kiến đề nghị Nghị quyết cần được ban hành càng sớm càng tốt.

Nhiều vị đại biểu đề nghị đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng với các ưu tiên, phân nhóm cụ thể để triển khai thực hiện và cần làm ngay.

Một số ý kiến đề nghị cần tổ chức lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp về dự thảo Nghị quyết và Chương trình, đề nghị lấy ý kiến chuyên gia, các địa phương để các chính sách đi vào cuộc sống, hấp thụ được nguồn lực, kích thích phục hồi và phát triển kinh tế, hỗ trợ an sinh xã hội, Tổng thư ký Quốc hội cho biết.

Về hồ sơ trình Quốc hội, bên cạnh nhiều vị nhận xét được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có 12 ý kiến cho rằng hồ sơ được chuyển đến đại biểu chậm, đại biểu có ít thời gian nghiên cứu.

Hồ sơ còn thiếu dữ liệu khoa học và luận cứ thuyết minh, thiếu trọng tâm, trọng điểm để đánh giá tác động là quan điểm của 3 vị  khi thảo luận tại tổ .

Bày tỏ chính kiến về các nội dung cụ thể, 89 vị đại biểu nhất trí với quy mô tổng thể (khoảng 347 nghìn tỷ đồng), nhưng cũng có một số đại biểu cho rằng quy mô này còn lớn so với nguồn lực của nền kinh tế.

Có ý kiến cho rằng cần đưa ra các con số thực tế, chính xác mà Nhà nước phải bỏ nguồn lực ra vì những con số danh nghĩa có tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội, phải tính toán kỹ lưỡng, đầy đủ gói hỗ trợ của Chương trình trước khi khi Quốc hội quyết định, Tổng thư ký phản ánh.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội và một số vị khác đã phân tích, nếu tính quy mô gói hỗ trợ này theo giá trị danh nghĩa ước khoảng 5,25 % GDP và theo giá trị thực tế ước khoảng 4,28% GDP; nếu cộng cả gói hỗ trợ của các năm trước (khoảng 4% GDP) thì tổng quy mô hỗ trợ là khoảng 8,28 %, ở mức cao so với các nước cùng trình độ phát triển.

27 vị đại biểu đề nghị cần đánh giá thêm tác động của Chương trình, trong đó có tác động đến tăng trưởng kinh tế (dự kiến GDP tăng 2,9% năm 2022 và 0,2% năm 2023 so với tốc độ tăng trưởng GDP nào; cần làm rõ cơ sở xác định, tính toán số liệu này.

Ngoài tác động tích cực, đại biểu ở nhiều  tổ thảo luận cũng đề nghị đánh giá cả tác động bất lợi của Chương trình (như lạm phát, nợ công, nợ xấu…), từ đó có các giải pháp dự phòng cho rủi ro có thể xảy ra. Nhiều vị cho rằng cần xây dựng kịch bản lạm phát nhất là trong bối cảnh giá dầu tăng để điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm những cân đối lớn của nền kinh tế, xây dựng kịch bản xử lý nợ xấu có nguy cơ phát sinh, tính toán khả năng huy động, hấp thụ, giải ngân vốn.

Nhiều vị đại biểu cũng đề nghị việc hỗ trợ lãi suất phải quy định rõ phạm vi, đối tượng được hưởng hỗ trợ, mục đích hỗ trợ và cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để không bị lợi dụng chính sách và dòng vốn chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản.

Hỗ trợ lãi suất cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng có khả năng đem lại, cũng như kích thích tăng trưởng,  cần quy định rõ điều kiện hưởng mức hỗ trợ lãi suất trong Dự thảo Nghị quyết, đồng thời làm rõ trường hợp cho vay đảo nợ thì có được hỗ trợ lãi suất hay không.

Về chính sách tiền tệ, theo phản ánh của Tổng thư ký Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng lợi nhuận của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại vẫn còn cao, trái ngược với khó khăn của nhiều doanh nghiệp. Đại biểu nhận xét, ngân hàng thương mại vẫn còn nhiều dư địa để hạ lãi suất.

Có đại biểu nhìn nhận, việc tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng từ 0,5%-1% là rất tốt nhưng là áp lực lớn cho các ngân hàng, đề nghị cân nhắc việc giảm lãi suất vì không còn dư địa để giảm nữa.

Theo nghị trình, ngày 7/1 Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến cả buổi sáng và thêm nửa buổi chiều về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Với quy định về thời gian phát biểu mỗi đại biểu tối đa 7 phút như hiện nay, thường mỗi buổi chỉ đủ cho khoảng trên dưới 30 đại biểu đăng đàn. Vì thế, tổng hợp ý kiến từ 72 tổ thảo luận vẫn là kênh tham khảo quan trọng với các vị đại biểu Quốc hội trước khi bấm nút quyết định gói hỗ trợ đặc biệt này.

Tin liên quan
Tin khác