Tài chính - Chứng khoán
3 cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/12
Thanh Thuý - 16/12/2013 08:58
Đầu tư Chứng lược trích phân tích một số cổ phiếu đáng quan tâm của các công ty chứng khoán cho phiên 16/12.

1- MBB: PB năm 2013 là 1x

(CTCK Sài Gòn - SSI)

Ngân hàng công bố sẽ niêm yết 63,125 triệu cổ phiếu mới phát hành thêm vào ngày 16/12/2013, giúp tăng giới hạn sở hữu nước ngoài thêm 1,1 triệu cổ phiếu, và tăng vốn điều lệ lên 11.625 tỷ đồng.

Theo HĐQT, lợi nhuận sẽ tăng trong quý IV/2013 do ngân hàng đã được NHNN chấp thuận tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 15-17%.

Năm 2014, ngân hàng dự báo tăng trưởng lợi nhuận sẽ đạt 15%, với tăng trưởng tín dụng 15-17%. Cổ phiếu hiện đang được giao dịch với PB năm 2013 là 1x, khá thấp so với các ngân hàng khác mặc dù lợi nhuận và chất lượng tài sản được cải thiện và là một trong những ngân hàng thương mại có ROE cao nhất. MBB đang được giao dịch với PE 2013 là 5,8x.

2- DHG: Nâng khuyến nghị từ nắm giữ lên mua

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2013 của DHG tăng mạnh 39% so với cùng kỳ, đạt 584 tỷ đồng dù DT chỉ tăng 18% so với cùng kỳ, đạt 2.388 tỷ đồng, chủ yếu nhờ 128 tỷ đồng thu nhập bất thường từ việc chuyển nhượng thương hiệu Eugica cho đối tác Thái Lan -Mega LifeSciences.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2013 chỉ tăng 26% n/n, đạt gần 451 tỷ đồng, do thuế suất thu nhập doanh nghiệp bình quân đã tăng mạnh từ mức 14% trong 9 tháng năm 2012 lên 22% trong 9 tháng năm 2013 do công ty mẹ đã hết thời gian được hưởng ưu đãi thuế.

Kỳ vọng tăng trưởng mạnh từ nhà máy mới. Nhà máy Non-Betalactam (công suất thiết kế 4 tỷ đơn vị/năm) đã hoàn tất việc xây dựng và được cấp chứng nhận tiêu chuẩn WHO-GMP vào tháng 11/2013. Hiện nhà máy này đang chờ Cục quản lý Dược cấp số đăng ký sản phẩm để tiến hành sản xuất, dự kiến muộn nhất là cuối tháng 3/2013. Theo kế hoạch, toàn bộ số đăng ký dược phẩm từ NM cũ sẽ được chuyển sang sản xuất tại nhà máy mới, ước đạt khoảng 72% công suất thiết kế.

Nhà máy mới sẽ lấp đầy công suất sau 3 năm đi vào hoạt động và tốc độ tăng trưởng DT bình quân 5 năm tới kỳ vọng ở mức khoảng 20%/năm. Tiết kiệm khoảng 1.000 tỷ đồng tiền thuế khi NM mới hoạt động. Nhà máy mới của DHG được hưởng chính sách ưu đãi thuế trong 15 năm, mức thuế suất ưu đãi cụ thể như sau: 0% trong 4 năm đầu, 5% trong 9 năm tiếp theo và 10% cho 2 năm còn lại. Công ty ước tính tổng số tiền thuế có thể tiết kiệm được từ nhà máy mới là khoảng 1.000 tỷ đồng trong 15 năm.

Gia tăng sản xuất các dòng sản phẩm thực phẩm chức năng. Phần lớn công suất của nhà máy cũ sẽ được sử dụng để sản xuất các dòng thực phẩm chức năng, sản phẩm có nguồn gốc dược liệu. Chúng tôi đánh giá lạc quan về định hướng chiến lược này bởi (1)tiềm năng tăng trưởng khá tốt; (2)giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu; (3)không thuộc đối tượng kiểm soát giá và (4)mở ra cơ hội xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng ở Châu Á.

Doanh thu thuần và lợi nhuận năm 2014 của DHG được dự báo sẽ tăng 18% và 20% n/n, đạt lần lượt 4.065 và 694 tỷ đồng. DHG đang giao dịch ở mức PE 2014 khoảng 11x, thấp hơn mức 18x bình quân các công ty trong khu vực. Với tiềm năng tăng trưởng dài hạn tốt, ROE luôn duy trì trên mức 30% và hầu như không có nợ vay, chúng tôi nâng khuyến nghị từ NẮM GIỮ lên MUA với mức giá mục tiêu 138.000 đồng/cp, cao hơn 22% so với giá thị trường hiện tại.

3- PGS: Giá khí đầu vào vẫn là một rủi ro tiềm ẩn

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

CTCP Khí hóa lỏng Miền Nam (HNX - PGS) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc mua lại 45% phần vốn góp của Ủy ban dầu khí Thái Lan (PTT) tại Công ty TNHH Khí hỏa lỏng Việt Nam (VT Gas).

Đây là một phần nội dung trong Đề án “Tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giai đoạn 2012 – 2015” theo Quyết định 46/QĐ-TTg, cũng như Quyết định tái cơ cấu Tổng công ty khí Việt Nam (HSX: GAS) của PetroVietnam.

Theo đó, doanh nghiệp thành viên cấp III của PVN (trong trường hợp này là PGS) không được tổ chức theo hình thức công ty mẹ - công ty con. Lộ trình đặt ra đến hết 2015, doanh nghiệp thành viên cấp III phải thoái vốn tại doanh nghiệp cấp IV đang tồn tại hoặc chuyển sang hình thức khác phù hợp với Đề án tái cơ cấu trên. Hiện tại, PGS đang có 3 công ty con, bao gồm

(1) Công ty TNHH MTV kinh doanh khí hóa lỏng Miền Đông. PGS đang sở hữu 100% vốn tại công ty này, do đó có thể dễ dàng chuyển đổi thành một bộ phận, hoặc chi nhánh của Công ty (như đã làm với PV Gas Cylinder).

(2) Công ty TNHH khí hỏa lỏng Việt Nam. Công ty vừa thông qua quyết định mua lại phần vốn góp của PTT. Sau giao dịch, PGS sẽ nắm giữ 100% vốn góp và sẽ có bước chuyển đổi tương tự như Công ty khí Miền Đông ở trên.

(3) Công ty cổ phần CNG Việt Nam. Đây là trường hợp tương đối phức tạp, do CNG VN là công ty cổ phần niêm yết và được sở hữu bởi nhiều cổ đông. Chúng tôi cho rằng sẽ có 2 trường hợp xảy ra:

- PGS sẽ tiến hành thâu tóm hoàn toàn CNG VN để chuyển thành hình thức tương tự như 2 trường hợp trên. Cách thức có thể thực hiện là hoán đổi cổ phiếu.

Để được thông qua, cần có sự chấp thuận của ít nhất 75% (theo Điều lệ Công ty) tổng số phiếu bầu của các cổ đông có quyền biểu quyết tại ĐHCĐ/lấy ý kiến bằng văn bản. Do PGS là bên có liên quan trong thương vụ này, nên quyền quyết định thuộc về các cổ đông nắm giữ 45% cổ phần có quyền biểu quyết còn lại.

Chúng tôi nhận thấy, các cổ đông nội bộ (bao gồm nhóm công ty có liên quan đến thành viên HĐQT Christopher Do Nghia) đang nắm giữ khoảng 72% số lượng cổ phần có quyền biểu quyết cho thương vụ này. Do đó, nếu có được sự đồng thuận của các thành viên HĐQT, việc tìm kiếm sự chấp thuận của các cổ đông cho việc thông qua thương vụ này có vẻ không quá khó khăn.

Chúng tôi lưu ý, thị trường khí CNG tại Việt Nam (chủ yếu ở miền Nam) hiện tại được nắm giữ bởi hai đơn vị là PGS và CNG, nên việc mua lại của PGS có thể vi phạm Luật doanh nghiệp và Luật cạnh tranh. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm hiện tại, nếu tính hợp nhất cả 2 công ty lại, thì PGS cũng đã nắm giữ 100% thị phần. Nên chúng tôi không chắc trường hợp này có nằm trong phạm vi chi phối của các luật trên hay không.

- PGS sẽ giảm bớt tỷ lệ sở hữu tại CNG xuống dưới 49% để chuyển từ hình thức Công ty con sang Công ty liên kết. Phương án này tương đối dễ thực hiện và phụ thuộc vào ban lãnh đạo PGS có muốn giảm tỷ lệ sở hữu tại một doanh nghiệp tốt như CNG Việt Nam hay không.

Trở lại với thương vụ mua lại cổ phần của đối tác PTT tại VT Gas, chúng tôi đánh giá khả quan đối với hành động này. VT Gas hoạt động trong lĩnh vực phân phối khí LPG, có địa bàn thoạt động tại khu vực Tây Nguyên, miền Tây và TPHCM. Sản lượng tiêu thụ hàng năm khoảng 60 nghìn tấn. PGS chưa công bố chi phí cho thương vụ này.

Trong lần nhận chuyển nhượng 55% sở hữu tại VT Gas năm 2010 từ PV Gas, Công ty đã bỏ ra hơn 73 tỷ đồng. Mảng LPG của PGS (chiếm 65%-70% doanh thu) đang có những biến chuyển tích cực so với các năm trước đây, khi biên lãi gộp tăng từ 10% năm 2012 lên khoảng 12% năm nay. PGS đang đẩy mạnh mảng bán lẻ (vốn có biên lợi nhuận tốt hơn nhiều so với bán buôn), do đó việc nắm giữ toàn bộ VT Gas có thể giúp Công ty thuận lợi hơn trong việc thực hiện kế hoạch của mình.

PGS đang giao dịch tại mức P/E dự phóng 2013 khoảng 4.9x, tức đã cao hơn mức bình quân chỉ 4.0x hồi đầu năm. Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy PGS có một triển vọng tốt và có thể được thị trường định giá ở mức P/E cao hơn. Chúng tôi cũng lưu ý, vấn đề giá khí đầu vào vẫn là một rủi ro tiềm ẩn cho hoạt động của PGS.

Tin liên quan
Tin khác