Trong thông báo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, bà Fiona Cheng - Phó Chủ tịch Deutsche Bank AG chi nhánh Hong Kong cho biết nhà băng này và các đơn vị có liên quan vẫn sở hữu 4,99% cổ phần của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (Mã CK: HAG). So với báo cáo gần đây nhất ngày 26/6/2013, tỷ lệ sở hữu này không thay đổi.
Theo đó, trong kỳ từ 25/6 đến 29/11, Deutsche Bank AG đã mua thêm 6,9 triệu cổ phiếu HAG, nâng tỷ lệ sở hữu từ 3,03% lên 3,82%. Quỹ đầu tư Deutsche Asset Management (Asia) Ltd bán 3,94 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 0,03% và Deutsche Bank Trust Company Americas bán hơn 264.000 cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu còn 1,14%.
Tính chung trong thời gian này, nhóm tổ chức liên quan Deutsche Bank AG đã mua ròng 2,7 triệu cổ phiếu, giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 4,99% bởi HAGL vừa niêm yết bổ sung 73,3 triệu cổ phần.
Nguồn: HSX
Trước giao dịch, Deutsche Bank AG và nhóm cổ đông liên quan không còn là cổ đông lớn của HAGL (nắm dưới 5%) nên việc họ công bố thông tin giao dịch cổ phiếu khá bất ngờ, thời gian công bố cũng là hạn chót theo quy định (sau giao dịch 7 ngày).
Thông tin công bố của Deutsche Bank được đưa ra ít ngày sau báo cáo mới nhất của một tổ chức phi chính phủ, khuyến nghị các nhà đầu tư rút vốn khỏi HAGL. Cũng chính tổ chức này hồi tháng 5 từng cáo cáo buộc HAGL có liên quan tới việc chiếm đất, phá rừng tại Lào, Campuchia.
Tháng 11, tổ chức này tiếp tục cho rằng HAGL không giữ đúng những cam kết giải quyết các vi phạm môi trường tại các dự án ở Lào và Campuchia. Nhóm nghiên cứu cũng nhận định việc này có thể khiến các nhà đầu tư của HAGL là Deutsche Bank và IFC bị ảnh hưởng nên khuyến cáo họ thoái vốn.
HAGL dự kiến thu được nguồn lợi nhuận lớn từ việc bán gỗ sau khi hết chu kỳ khai thác mủ cao su.
Mới đây nhất, ngày 3/12, trong một bản tin đăng trên website của mình, tổ chức tổ chức này cho biết Deutsche Bank đã thoái vốn khỏi HAGL sau lời khuyến nghị của mình. Tuy nhiên, bản tin dẫn ra Deutsche Bank "không còn nắm giữ lượng cổ phần đáng kể nào" tại HAGL mà không nêu cụ thể tỷ lệ sở hữu là bao nhiêu, đồng thời phía Deutsche Bank cũng không xác nhận việc đưa ra quyết định trên là do làm theo lời khuyến nghị thoái vốn.
HAGL bắt đầu trồng cao su từ năm 2007. Đến cuối năm 2012, tập đoàn đã trồng được 43.540 hécta và mục tiêu đến hết năm 2013 trồng xong 51.000 hécta cao su tại Tây Nguyên, Lào và Campuchia (Lào và Campuchia chiếm 80%). Nhà máy chế biến mủ đầu tiên với công suất 25.000 tấn một năm tại Lào cũng đã đi vào hoạt động. Trong báo cáo tài chính, 9 tháng đầu năm doanh thu từ bán mủ cao su đạt 122 tỷ đồng, bằng 6% tổng doanh thu của tập đoàn.
Tuy nhiên, ngoài nguồn lợi từ bán mủ, theo tính toán của công ty, đến cuối chu kỳ khai thác (sau 25 năm), 51.000 hécta cao su sẽ cho ra khoảng 3 triệu m3 gỗ phục vụ cho ngành chế biến gỗ với giá trị khoảng 750 triệu USD (gần 16.000 tỷ đồng). Sau khi trừ đi chi phí khai thác, vận chuyển và chế biến, còn thu về khoảng 430 triệu USD (9.000 tỷ đồng) từ sản phẩm gỗ cao su.
Phương Linh (Vnexpress)