Bầu Đức khẳng định việc xuất đường từ Lào qua Việt Nam sang Trung Quốc không ảnh hưởng
đến thị trường Việt Nam và không gây xung đột lợi ích với các doanh nghiệp cùng ngành.
Liên quan đến vấn đề CTCP Đường Biên Hòa nhập khẩu đường thô từ CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sản xuất tại Lào gây tranh cãi và vấp phải sự phản đối của Hiệp hội mía đường thời gian gần đây, PV Dân trí đã có dịp trao đổi với bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu tại phiên họp báo thường kỳ Bộ Công thương diễn ra chiều 2/12/2013.
Bà Hương cho biết, theo quy định hiện hành, trường hợp các doanh nghiệp nhập khẩu để xuất khẩu qua cửa khẩu chính thì không phải xin Bộ Công thương mà làm thủ tục qua các cơ quan Hải quan, nhưng xuất khẩu theo cửa khẩu phụ thì sẽ phải xin ý kiến của Bộ. Đó là nguyên nhân vì sao có văn bản của Bộ Công thương gửi liên Bộ vừa qua.
CTCP Đường Biên Hòa đã có đề xuất được nhập khẩu đường thô do HAGL sản xuất tại Lào để sản xuất gia công hàng xuất khẩu qua cửa khẩu phụ Bản Vược, Bát Xát, Lào Cai sang Trung Quốc.
Căn cứ vào mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Lào và Việt Nam cũng như mục tiêu nâng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước, Bộ Công thương đang đề xuất phương án cho phép Đường Biên Hòa được xuất khẩu qua cửa khẩu Bản Vược. Phương án này tương tự như hiện nay vẫn cho các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước được xuất khẩu qua cửa khẩu này.
Theo đó, đường được sản xuất gia công từ nguồn đường thô nhập khẩu của HAGL dự kiến khoảng 30.000 tấn trong năm 2013-2014. Tuy nhiên, trong số các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước chỉ có duy nhất Đường Biên Hòa là có nhà máy chế biến đường tinh luyện.
Do vậy, bà Hương khẳng định, việc đề xuất CTCP Đường Biên Hòa được nhập khẩu đường thô từ CTCP Hoàng Anh Gia Lai để chế biến, gia công, xuất khẩu toàn bộ qua cửa khẩu phụ sang Trung Quốc không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ mía đường cho nông dân và cũng không ảnh hưởng đến cung cầu mặt hàng đường đối với thị trường trong nước.
Việc nhập khẩu đường thô để gia công đường tinh luyện sẽ có sự giám sát chặt chẽ của các bộ ngành, cơ quan hải quan, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai nhằm đảm bảo xuất khẩu toàn bộ số đường thô nhập khẩu để tinh luyện, không để thẩm lậu vào thị trường nội địa, ảnh hưởng đến cung cầu thị trường đường sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, bà Hương cũng lưu ý, đây mới đang chỉ là đề xuất của Bộ Công thương và Bộ đang xin ý kiến của các bộ quản lý có liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao. Sau khi có tổng hợp ý kiến, Bộ Công thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Như vậy, kết quả cuối cùng của vụ việc này sẽ phụ thuộc vào quyết định của Thủ tướng.
Về phía Hiệp hội mía đường, hiện nay Bộ Công thương đã tạo điều kiện cho đường trong nước sản xuất đang dư thừa được xuất khẩu, đặc biệt là qua các cửa khẩu phụ.
Bộ đã cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu đường qua cửa khẩu phụ Bản Vược, Bát Xát, Lào Cai với khối lượng đợt 1 hơn 200.000 tấn và đợt 2 là 165.000 tấn. Tính đến 30/9, lượng đường xuất khẩu đạt 204.000 tấn.
Với chính sách cho phép xuất đường qua cửa khẩu phụ, Bộ Công thương hy vọng sẽ góp phần giúp ngành mía đường giảm được lượng hàng tồn kho hiện nay.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/12, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai giảm giá 300 đồng tương ứng mất 1,4%, lùi về 21.000 đồng/cp. Trong khi đó, cổ phiếu BHS của Đường Biên Hòa bất ngờ giảm sàn sau 3 phiên liên tiếp tăng trần, mất 900 đồng tương ứng 6,8% còn 12.400 đồng/cp.
Diễn biến giá của HAG trong vòng 1 tháng trở lại đây khá bất lợi.
Bích Diệp (Dân trí)