1. Giá mục tiêu cho cổ phiếu BSR là 22.300 đồng

(CTCK  Bản Việt – VCSC)

CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) hiện đang xem xét việc huy động vốn đến tháng 4/2019 cho dự án mở rộng và nâng cấp, chi phí khoảng 1,8 tỷ USD, qua đó nâng công suất thêm 30% và tăng cường lượng dầu thô có thể lọc (đây là nguyên liệu đầu vào có chi phí thấp hơn).

Kế hoạch có thể được thực hiện thông qua phát hành riêng lẻ hoặc đấu giá. Số cổ phiếu được phát hành vẫn chưa được ấn định. Ban lãnh đạo cho biết BSR cũng sẽ chuyển niêm yết từ UPCoM sang HOSE trong tháng 04/2019.

BSR tiếp tục dự kiến LNST 6 tháng đầu năm sẽ đạt 3 nghìn tỷ đồng, cao hơn 11% so với dự báo trong tài liệu phát hành trước khi diễn ra ĐHCĐ), hoàn tất 42,2% dự báo LNST cả năm chúng tôi đưa ra.

Chúng tôi hiện đưa ra giá mục tiêu 22.300 đồng/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 21,7%, lợi suất cổ tức 3,7%.

2. Giữ khuyến nghị mua cổ phiếu QNS

(CTCK  Bản Việt – VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA cho CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) vì chúng tôi cho rằng cổ phiếu có định giá thấp với P/E 2018 là 9 lần, sau khi giá cổ phiếu giảm 43% trong 12 tháng qua.

Tuy nhiên, chúng tôi nâng tỷ lệ chiết khấu cho định giá tổng của từng phần từ 20% lên 30% do công ty tiếp tục phân bổ vốn thiếu hiệu quả với các khoản đầu tư mới vào mảng đường.

Theo dự phóng của chúng tôi, tỷ lệ sinh lời trên vốn đầu tư (ROIC) của QNS sẽ giảm từ mức đỉnh 36% năm 2015 còn 19% năm 2020. LNST quý I/2018 giảm 15% so với cùng kỳ (YoY) chủ yếu do các mảng khác ngoài sữa đậu nành.

Trong khi đó, doanh số sữa đậu nành của QNS cũng kém (-11% YoY), nhưng lợi nhuận được hỗ trợ từ biên LN gộp cải thiện.

Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ tăng tốc trong các quý tới khi lượng tiêu thụ sữa của Việt Nam phục hồi, trong khi sản lượng đường sẽ tăng trở lại khi các đại lý gia tăng mua hàng.

Yếu tố hỗ trợ:

(1) Triển khai sản phẩm mới trong quý 3/2018 để mở rộng danh mục sữa đậu nành.

(2) Khả năng trì hoãn cam kết AFTA có thể hỗ trợ giá đường trong nước.

3. Thay đổi khuyến nghị thành giữ đối với cổ phiếu MSN

(CTCK ACB – ASBS)

BCTC quý I/2018 chưa kiểm toán của MSN cho thấy doanh thu đạt 8.273,9 tỷ đồng (- 3,1% n/n) và LNST đạt 1.022,4 tỷ đồng (+290% n/n), chủ yếu nhờ

(i) Sự hồi phục của Masan Consumer với kết quả tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ

(ii) TCB tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với LNST gần gấp đôi so với cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận từ bên liên kết của MSN tăng 59%.

MSN ghi nhận mức tăng 59% n/n ở lợi nhuận từ các công ty liên kết, đạt 517 tỷ, chiếm 44% LNST của MSN. Phần lớn LN này là đến từ Techcombank.

TCB tiếp tục tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong quý I/2018, ghi nhận doanh thu đạt 4.660 tỷ đồng (+26,8% n/n) và LNST đạt 2.049 tỷ đồng (+93% n/n).

Năm nay chúng tôi tin rằng TCB có thể đạt kết quả tốt với mức tăng trưởng hai chữ số.

Tuy vậy, việc lăp lại mức tăng trưởng LNST 104% như năm ngoái là khó có thể xảy ra. Cho cả năm 2018, chúng tôi nhận định rằng MSN sẽ đạt được kết quả 2018 đã đề ra.

Tuy vậy, tại giá thị trường hiện tại, MSN đang giao dịch ở mức P/E dự phóng 24,7 mà theo chúng tôi là không hấp dẫn.

Do đó, chúng tôi thay đổi khuyến nghị thành GIỮ. Sử dụng phương pháp định giá tổng tài sản ròng, giá mục tiêu của chúng tôi là 88.377 đồng/cổ phiếu.