Tài chính - Chứng khoán
3 cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/12
P.V - 05/12/2013 08:16
Đầu tư lược trích phân tích một số cổ phiếu đáng quan tâm của các công ty chứng khoán cho phiên 5/12.

VIC: Mức giá vẫn còn hấp dẫn

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Doanh thu thuần trong quý III của VIC đạt 8.470 tỷ đồng (gấp 5,6 lần cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế 2.822 tỷ đồng (tăng gần 12 lần cùng kỳ). Lũy kế 9 tháng năm 2013, VIC đạt doanh thu thuần 11.602 tỷ đồng (tăng 129% cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế 8.339 tỷ đồng (gấp 3 lần cùng kỳ), tương đương EPS 6.850 đ/cp, lần lượt hoàn thành 95% kế hoạch doanh thu thuần và 83,4% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Phần lớn doanh thu thuần của 9 tháng đầu năm đến từ quý III, chủ yếu từ phần hạch toán các dự án đang đi vào giai đoạn khai thác như Royal City và Times City. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận lại đến từ doanh thu hoạt động tài chính do việc chuyển nhương tòa nhà Vincom A - TP. HCM được hạch toán vào quý II.

Biên lợi nhuận gộp 9 tháng 2013 giảm xuống còn 41,6% so với mức 54.3% của cùng kỳ năm ngoái do phần lớn doanh thu quý III đến từ hạch toán các dự án căn hộ của Royal City và Times City có biên lợi nhuận nhỏ hơn so với hoạt động cho thuê mặt bằng bán lẻ hay khách sạn - du lịch.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận hoạt động của VIC tăng mạnh từ mức 40,3% của 9 tháng 2012 lên 71,0% của 9 tháng 2013 nhờ chuyển nhượng tòa nhà Vincom Center A TP. HCM với tổng giá trị giao dịch là 9.823 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của việc chuyển nhượng là 4.300 tỷ đồng. Doanh thu từ khoản chuyện nhượng này đã được VIC ghi nhận trong quý II/2013 như đã nêu trên.

Trong quý IV/2013, VIC tiếp tục ghi nhận nguồn thu ổn định từ kinh doanh các dự án nghỉ dưỡng và giải trí thuộc Vinpearl Nha Trang và Vinpearl Đà Nẵng và nguồn thu từ cho thuê mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại Vincom Center Hà Nội A, B, C, Vincom Center B TP. HCM và mới nhất là tại Royal City.

Thêm vào đó, các căn hộ dự án Royal và Times City đang trong giai đoạn bàn giao cũng tiếp tục đóng góp doanh thu-lợi nhuận trong kỳ. Dòng sản phẩm căn hộ cao cấp của VIC duy trì được mức tiêu thụ khoảng 60-70 căn/dự án/tháng và tiếp tục là động lực tăng trưởng cho VIC trong quý IV/2013 và trong năm 2014.

Tính chung cả năm 2013, chúng tôi ước tính VIC có khả năng sẽ đạt doanh thu thuần khoảng 16.295 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 11.009 tỷ đồng, tương đương với lợi nhuận sau thuế đạt 7.691,5 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của VIC kể từ khi thành lập.

Năm 2014, VIC tiếp tục hạch toán những dự án chủ lực như trong năm 2013. Cụ thể, về dự án căn hộ là Dự án Royal City (còn 2.149 căn) và Times City (còn 1.107 căn).

Về mặt bằng bán lẻ là Vincom Center Bà Triệu A, B, C (Hà Nội), Vincom Mega Mall thuộc Royal City (Hà Nội) và Vincom B (TP. HCM) và sắp tới là trung tâm thương mại thuộc Dự án Times City. Doanh thu cho thuê mặt bằng bán lẻ do đó sẽ có khả năng tăng trưởng 20% trong năm tới.

Ngoài ra, mảng du lịch với 2 khu du lịch Vinpearl Nha Trang và Vinpearl Đà Nẵng, có mức tăng trưởng trên 30% trong năm 2013 và đà tăng trưởng đang tiếp tục được duy trì. VIC đã được chấp thuận đầu tư thêm một số khu du lịch khác nhưng hiện công ty chưa có kế hoạch triển khai trong năm 2014.

Tình hình tài chính của VIC hiện nay khá tốt với nguồn tiền mặt dồi dào thu được từ các khoản chuyển nhượng dự án và tiền ứng trước của người mua tại các dự án (chúng tôi ước tính vào khoảng 40.000 tỷ đồng).

Khả năng thanh khoản của VIC cũng ở mức khá tốt với với tỷ số thanh toán hiện hành 1,1x và thanh toán nhanh 0,5x và với nguồn tài chính hiện tại, VIC có thể đảm bảo được nhu cầu đầu tư và trả nợ trong năm 2013 và 2014.

Giá cổ phiếu VIC đã tăng 18% kể từ đầu năm nay và P/E dự phóng cho năm 2013 vào khoảng 8,5 lần, vẫn còn hấp dẫn so với P/E binh quân ngành bất động sản ở Việt Nam cũng như khu vực. Ngoài ra, VIC còn hấp dẫn bởi vị thế khi nắm giữ vị trí công ty bất động sản hàng đầu tại Việt Nam xét về quy mô vốn, quy mô doanh thu – lợi nhuận cũng như mức vốn hóa thị trường.

Công ty sở hữu diện tích mặt bằng bán lẻ lớn nhất Việt Nam, cùng với quỹ đất rất lớn tại các vị trí đắc địa trên cả nước với danh sách dự án đa dạng thuộc nhiều loại hình sản phẩm từ căn hộ, trung tâm thương mại đến bất động sản du lịch, tập trung vào phân khúc cao cấp có biên lợi nhuận cao.

2013 là một năm tiếp tục khó khăn của ngành bất động sản, tuy nhiên VIC lại đạt được mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay và vượt trội so với các công ty cùng ngành. Chúng tôi cho rằng các động lực tăng trưởng này sẽ tiếp tục phát huy và mang lại kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2014.

Tuy nhiên, rủi ro đối với VIC là doanh thu 2013 và 2014 được đóng góp rất lớn từ 2 dự án Royal City và Times City. Các dự án này được mở bán và phần lớn tiêu thụ trong năm 2010, đến 2013-2014 giao nhà và đủ điều kiện hạch toán. Như vậy, doanh thu bất động sản 2014 và các năm tiếp theo sẽ phụ thuộc vào sức tiêu thụ của 2 dự án này trong năm 2013 trở đi. Do đó, nếu năm 2014, tình hình thị trường bất động sản vẫn tiếp tục thiếu thuận lợi, nguồn doanh thu hạch toán từ 2 dự án này có thể sụt giảm so với năm 2013.

PXS: Có thể tích lũy trong trung hạn

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng đột biến so với quý trước và cùng kỳ nhờ hạch toán một phần giá trị xây lắp dự án giàn khoan Diamond (57 triệu USD). Lợi nhuận sau thuế quý III tăng gấp đôi quý trước và tăng hơn 15 lần so với cùng kỳtrong khi doanh thu chỉ tăng tương ứng khoảng 20%.

Theo doanh nghiệp, quý III, quý IV đang là giai đoạn hạch toán giá trị xây lắp công đoạn có tỷ suất lợi nhuận tốt của dự án EPCC giàn khoan Diamond. Đây là dự án EPCC (thiết kế, mua sắm, chế tạo và vận hành) thứ hai sau công trình EPCC Topside H4- Tê Giác Trắng (50 triệu USD - năm 2012) mà Công ty nhận được kể từ khi đưa bãi cảng chế tạo Sao mai Bến Đình vào hoạt động (tháng 12/2011).

Dự án Diamond khởi công từ giữa tháng 3/2013 với thời gian thi công khoảng 12 tháng với tổng giá trị hợp đồng là 57 triệu USD. Do đó, doanh thu của PXS từ sau quý 1 tăng trưởng mạnh. Tính đến hết quý III, công trình này đã đóng góp gần 500 tỷ vào tổng doanh thu.

Chi phí lãi vay cũng là điểm sáng trong quý III khi giảm hơn 23% so với quý II và 36% cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do lãi suất giảm, hiện dao động từ 7-8% đối với ngắn hạn và 11% đối với vay dài hạn.

Chúng tôi dự báo, Công ty sẽ tiếp tục ghi nhận hơn 300 tỷ doanh thu từ dự án EPCC Diamond trong quý IV. Mặt khác các công trình thi công như E House Sư Tử Nâu và chân đế BK 16 sẽ hoàn thành vào cuối năm với tổng giá trị dự kiến khoảng 60 tỷ.

Chúng tôi ước tính doanh thu quý IV có thể đạt khoảng 404 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận gộp giảm nhẹ so với quý III. Tuy nhiên, trong quý IV, việc thoái 6,5 triệu cổ phần tại PVPIPE với mức giá 8.481 đồng/cp khiến PXS có thể sẽ phải ghi nhận khoản lỗ đầu tư tài chính ~10 tỷ đồng. Do vậy, lợi nhuận sau thuế quý IV dự báo sẽ giảm so với quý III, đạt khoảng 28 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm 2013 ước đạt khoảng 1.080 tỷ và 77,6tỷ đồng.

Theo dõi kết quả kinh doanh thời gian qua của PXS có thể thấy chi phí lãi vay đã ảnh hưởng khá lớn đến lợi nhuận của Công ty trong 2 năm gần đây. Đồng thời khoản vay nợ 480 tỷ đồng tài trợ cho dự án Bãi Cảng Sao Mai làm phát sinh khoản nợ gốc phải trả là 160 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2012 – 2014. Đây là áp lực lớn khi các dự án trong năm vừa qua có sự chững lại. Tuy nhiên, Công ty đã thỏa thuận xong với các ngân hàng để tái cơ cấu khoản nợ trên thành nợ dài hạn, thời hạn 5 năm (2013 – 2017).

Bên cạnh đó, PXS cũngđã hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 375 tỷ lên 500 tỷ từ phát hành cho cổ đông hiện hữu và riêng lẻ, trong đó, McPEC Offshore & Marine Pte Ltd (McPECOM) đã mua 10% cổ phần và cam kết nắm giữ trong 2 năm.

Chúng tôi được biết, McPECOM là công ty cùng lĩnh vực, hoạt động tại Singapore và đại diện công ty này hiện đang là trưởng tiểu ban International Marketing tại PXS nhằm mục tiêu tìm kiếm các dự án ngoài Việt nam. Trong quý III, McPECOM đã tiến hành bàn giao cho PXS thi công hạng mục Ehouse- Sư Tử Nâu với quy mô 360 tấn kết cấu và thiết bị.

Ngoài ra, như đề cập ở trên, PXS đã tiến hành thoái số vốn đầu tư còn lại tại PVPIPE, thu về khoảng 55,1 tỷ đồng, kết hợp với số tiền thu được từ phát hành thêm, PXS sẽ trả nợ vay trước hạn khoảng 160 tỷ đồng trong năm nay, giảm dư nợ vay dài hạn về khoảng 320 tỷ đồng. Do đó, việc trả nợ gốc cũng như chi phí lãi vay dự kiến sẽ không còn là vấn đề đáng lo ngại trong các năm sau.

Năm 2014, kết quả kinh doanh của PXS được dự báo sẽ khả quan với các hợp đồng mới (dự án EPCC Thái Bình và P3P4)

PXS cho biết đã ký kết thêm hai dựán EPCC Thái Bình và giàn khoan P3, P4. Giá trịmỗi công trình tương ứng khoảng 30 triệu USD và 600 tỷ đồng với thời gian thi công từ 7 đến 12 tháng. Trong đó, dự án Thái Bình đang trong giai đoạn mua vật tư và sẽ khởi công từ cuối tháng 12/2013. Bên cạnh đó, dự án EPCC Diamond dự kiến sẽ kéo dài sang năm 2014 với giá trị còn lại khoảng 18,5 triệu USD sẽ được ghi nhận trong quý 1.

Như vậy tổng nguồn thu từ ba công trình EPCC Diamond, Thái Bình, P3 P4 sẽ đóng góp khoảng 1600 tỷ doanh thu trong năm tới. Công ty cho biết doanh thu dự kiến năm sau vào khoảng 1800 tỷ và lợi nhuận sau thuế trong khoảng từ 120-135 tỷ đồng.

PXS là doanh nghiệp xây lắp hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt (cơ khí chế tạo giàn khoan) nên luôn có tỷ suất biên lợi nhuận tốt so với ngành. Bên cạnh đó, việc hoàn thành đầu tư bãi cảng chế tạo Sao Mai Bến Đình đầu năm 2012 đã nâng cao vị thế của PXS. Đảm bảo được năng lực và cơ sở hạ tầng, PXS bắt đầu được tiếp nhận nhiều dự án EPCC (thiết kế, mua sắm, chế tạo và vận hành) với tổng giá trị hợp đồng lớn, thay vì chỉ gia công chế tạo như trước đây.

Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại nguồn vốn và lên kế hoạch trả nợ vay trước hạn 160 tỷ đồng sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính, chi phí lãi vay trong các năm sau. Chúng tôi đánh giá cao những điểm tích cực này tại PXS. Ngoài ra, việc ký kết thêm hai hợp đồng EPCC Thái Bình (30 triệu USD) và P3, P4 (600 tỷ) đã đảm bảo cho doanh thu năm 2014.

Điểm tích cực khác là chúng tôi nhận thấy ban lãnh đạo có xu hướng trả cổ tức cao và ổn định cho cổ đông, giúp chỉ số dividend yield của PXS tương đối hấp dẫn. Dựa trên các lập luận trên, chúng tôi khuyến nghị TÍCH LŨY trung hạn cổ phiếu PXS với mức giá mục tiêu 15.500 đồng.

VCG: Nhà đầu tư có thể mua vào

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

VCG liên tục tạo lập mức cao hơn kể từ tháng Chín trở lại đây, cho thấy cổ phiếu này trong xu hướng tăng. Tuy nhiên, đà tăng của VCG chậm rãi và đều đặn với các đợt điều chỉnh xen kẽ-dấu hiệu của chiều hướng tăng bền vững. Sau khi không còn chịu áp lực bán của khối ngoại, xúc tác giúp VCG gia tăng là việc công ty này thoái vốn thành công tại nhà máy xi măng.

Hỗ trợ gần nhất có thể coi ở mức 9.800. Chỉ báo kỹ thuật tích cực: MACD Histogram cắt lên trên đường tín hiệu, cho thấy động lực giá tăng ngắn hạn đang chiếm ưu thế.

Chiều hướng tăng của VCG được xác nhận bởi dòng tiền vào cổ phiếu này. Giao dịch rất sôi động tại VCG. Chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư có thể mua VCG ở mức giá hiện tại 10.700. Mức dừng lỗ ở 9.800. Mục tiêu khoảng 11.900.

VCG công bố đã hoàn thành việc chuyển nhượng 70% cổ phần Xi măng Cẩm Phả (XMCP) cho Viettel vào ngày 29/11/2013 sau 1 tháng ký kết hợp đồng. Viettel không chỉ mua lại cổ phần mà còn mua cả phần nợ vay của XMCP để VCG thanh toán trước hạn toàn bộ dư nợ liên quan đến dự án XMCP.

Theo đó, tình hình tài chính và dòng tiền của VCG sẽ được cải thiện đáng kể. Đến cuối quý 2/2013, dư nợ dài hạn liên quan đến XMCP là 2.120 tỷ (chiếm khoảng 1/3 tổng nợ vay dài hạn của VCG).

Ngoài ra, với 30% cổ phần còn lại, XMCP chuyển từ công ty con thành công ty liên kết của VCG. Do đó, kết quả kinh doanh của XMCP sẽ còn không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh hợp nhất của VCG như mấy năm trước đây.

Doanh thu 9 tháng 2013 tăng 10% so với cùng kỳ, đạt 8.423 tỷ đồng, trong đó doanh thu xây dựng tăng đáng kể 40% cùng kỳ, còn doanh thu từ các lĩnh vực hoạt động khác giảm (bất động sản -36%, sản xuất công nghiệp -0,3%, dịch vụ -53%).

Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, giúp lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh tăng 13% cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tăng 232% cùng kỳ do chi phí lãi vay giảm 39% cùng kỳ.

Với kết quả kinh doanh khá khả quan trong 9 tháng 2013 và việc chuyển nhượng xong XMCP, chúng tôi dự báo, lợi nhuận trước thuế 2013 đạt 317 tỷ đồng, tăng 63% so với năm trước.

Tin liên quan
Tin khác