Thời sự
3 dấu mốc xuất khẩu 100 tỷ USD, 200 tỷ USD, 300 tỷ USD của Việt Nam
Thái Bình - 25/11/2016 10:30
Đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ghi nhận 3 dấu mốc quan trọng đó là các mốc đạt tổng giá trị kim ngạch 100 tỷ USD, 200 tỷ USD và 300 tỷ USD.
Hoạt động xuất nhập khẩu vừa lập kỷ lục mới. Nhưng hoạt động xuất khẩu của nước ta đang có dấu hiệu chững lại trong năm 2016. Ảnh: T.Bình.

Chu kỳ 4 và 5 năm

Theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cán mốc 300 tỷ USD vào ngày 15/11/2016. Như vậy, sau gần 5 năm kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã tăng thêm 100 tỷ USD.

Lần giở lại thống kê của các đơn vị chuyên ngành (như Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê, hay Bộ Công Thương) không thấy có thông tin nào cụ thể khi Việt Nam đạt mốc 100 tỷ USD về kim ngạch xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, căn cứ vào thống kê của Tổng cục Hải quan có thể thấy dấu mốc này được lập vào đầu tháng 12/2007.

Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hết tháng 11/2007, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 99,731 tỷ USD. Và hết năm 2007 đạt 111,2 tỷ USD.

Như vậy, riêng tháng 12/2007, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 11,469 tỷ USD, trung bình mỗi ngày đạt gần 370 triệu USD.

Căn cứ vào các dữ liệu trên có thể thấy rằng, ngay những ngày đầu tiên của tháng 12/2007, cả nước đã lập kỷ lục khi lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu chạm vào con số 100 tỷ USD (99,731 tỷ USD của 11 tháng cộng với 370 triệu USD kim ngạch trung bình/ngày của tháng 12. Tuy nhiên, ngày 1 và 2/12/2007 rơi vào thứ 7 và chủ nhật nên có thể hoạt động xuất nhập khẩu không nhiều/PV).

Sau dấu mốc quan trọng kể trên, hơn 4 năm sau, vào ngày 25/12/2011, Việt Nam lập thêm một dấu mốc quan trọng thứ 2 trong hoạt động giao thương quốc tế khi đạt trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu 200 tỷ USD (sự kiện được Tổng cục Hải quan công bố).

Và gần 5 năm sau, Việt Nam thiết lập được thêm một kỷ lục quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu khi cán mốc 300 tỷ USD như đề cập ở trên.

Đáng chú ý, thời gian lập kỷ lục về xuất nhập khẩu từ 100 tỷ USD lên 200 tỷ USD chỉ mất hơn 4 năm, nhưng từ 200 tỷ USD lên 300 tỷ USD mất gần 5 năm. Như vậy, có thể thấy tốc độ tăng trường xuất khẩu giai đoạn trước đây tốt hơn trong 5 năm vừa qua.

Liên tiếp nhập siêu

Hết 15/11/2016, mặc dù cả nước vẫn duy trì được mức thặng dư thương mại 2,66 tỷ USD. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là trong nửa đầu tháng 11 và cả tháng 10 trước đó tình trạng nhập siêu bắt đầu quay trở lại.

Cụ thể, trong tháng 10, xuất khẩu đạt hơn 15,4 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 15,85 tỷ USD dẫn đến mức nhập siêu trong tháng này là 445 triệu USD. Tiếp đó, trong nửa đầu tháng 11 vừa qua, cán cân thương mại tiếp tục thâm hụt 570 triệu USD.

Việc nhập siêu liên tiếp gần đây xuất phát từ trị giá kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ trong khi kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tăng cao.

Trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu giảm 0,1%, tương ứng giảm 18 triệu USD so với tháng 9; trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng 8,9% tương ứng tăng hơn 1,29 tỷ USD. Nửa đầu tháng 11 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giảm 2,7% so với tháng nửa cuối tháng 10, trong khi kim ngạch nhập khẩu vẫn tăng 1%.

Theo Tổng cục Hải quan, những ngày gần đây, hàng hóa phục vụ đầu tư, sản xuất, tiêu dùng... có chiều hướng tăng mạnh so với cuối tháng 10 như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 10,9% (tương ứng 136 triệu USD); chất dẻo nguyên liệu tăng 13,6% (tương ứng 40 triệu USD); kim loại thường tăng 16,2% (ương ứng 29 triệu USD)...

Trong khi đó, nhìn rộng hơn từ đầu năm đến 15/11, mặt hàng tiêu dùng có mức nhập khẩu tăng mạnh là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trị giá 24,094 tỷ USD, tăng tới 3,7 tỷ USD (tương đương gần 18,2%) so với cùng kỳ 2015. Mặt hàng ngày cũng vượt qua nhóm “máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng” để trở thành nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của nước ta (tính đến thời điểm này).

Tin liên quan
Tin khác