-I-
Như là sự phân công tự nhiên, Hà Nội là trung tâm kinh tế của Bắc Bộ, TP.HCM là trung tâm kinh tế của Nam Bộ, cả hai thành phố là trung tâm giao dịch quốc tế. Khác với TP.HCM, Hà Nội còn là trung tâm chính trị của đất nước, nơi đặt trụ sở của các phái đoàn ngoại giao, đại diện nhiều tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, IMF, WB, ADB…
Giai đoạn 2011 - 2015, Hà Nội có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9,23%/năm, gấp 1,58 lần tốc độ của cả nước. GDP năm 2015 tính theo giá hiện hành là 27,6 tỷ USD, GDP tính theo đầu người là 3.600 USD, gấp 1,8 lần năm 2011.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, diện mạo của Thủ đô Hà Nội đang thay đổi nhanh chóng Ảnh: Đức Thanh |
Hà Nội đã có nhiều hoạt động liên kết với các tỉnh, thành phố trong Vùng Bắc Bộ, từ các cuộc gặp cấp cao để bàn về chủ trương và định hướng đến việc viện trợ một số công trình phúc lợi xã hội, hợp tác giữa các sở, ban, doanh nghiệp trong từng ngành, lĩnh vực.
Tuy vậy, trên thực tế, chưa hình thành Vùng kinh tế Bắc Bộ và Vùng Thủ đô, trong đó Hà Nội là trung tâm lớn, vì chưa có sự phân công và hợp tác trong phạm vi vùng để phát huy cao độ lợi thế tự nhiên của từng địa phương trong việc phát triển kinh tế, nên kinh tế vùng là con số cộng của kinh tế các tỉnh, thành phố; một số vấn đề liên tỉnh như ô nhiễm môi trường sinh thái đối với không khí và nguồn nước chưa được giải quyết.
-II-
Trung tâm kinh tế gắn kết hữu cơ, tác động hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau với các địa phương ngoại vi, trong đó, trung tâm kinh tế là đầu tàu, động lực của cực tăng trưởng, vừa có lực hướng tâm vừa có sức lan tỏa ra cả Vùng kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, đề ra mục tiêu: năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 5.500 USD/năm, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản trong GDP là 5,5%, công nghiệp - xây dựng là 49,1% và dịch vụ là 45,4%, giá trị xuất khẩu chiếm 32% cả nước, dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nòng cốt trong thực hiện các đột phá chiến lược, tái cấu trúc kinh tế.
Để đạt được mục tiêu kỳ vọng đó, Hà Nội cần khai thác lợi thế so sánh nổi trội của Thủ đô, căn cứ vào Luật Thủ đô đề xuất với Chính phủ một số cơ chế đặc thù về huy động và sử dụng vốn đầu tư, thu hút nhân tài, phát triển khoa học và công nghệ để chủ động hơn trong việc gia tăng tốc độ phát triển theo hướng bền vững. Từ thực tế phân công và hợp tác trong nội vùng, cũng như với các vùng kinh tế khác, đề xuất chính sách, cơ chế, tổ chức, bộ máy theo hướng hình thành kinh tế vùng lãnh thổ, trong đó, mỗi địa phương là bộ phận hữu cơ của kinh tế vùng, được hỗ trợ từ trung tâm và các địa phương khác để phát triển với tốc độ nhanh các ngành, lĩnh vực có thế mạnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội không chỉ của từng tỉnh, thành phố, mà cả toàn Vùng Bắc Bộ và Vùng Thủ đô, khắc phục có hiệu quả thực trạng kinh tế từng địa phương tách khỏi kinh tế vùng và tình trạng tỉnh nào cũng có khu công nghiệp với cơ cấu tương tự nhau, trường đại học đa ngành, mặc dù không đủ điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất - kỹ thuật, thậm chí có chuyên ngành không có thí sinh dự tuyển (!).
-III-
Để Hà Nội thực sự trở thành trung tâm kinh tế lớn của Vùng kinh tế Bắc Bộ và Vùng Thủ đô, cần lưu ý 3 vấn đề:
Trước hết và quan trọng nhất, năng lực nội sinh của Thủ đô phải được phát triển có hiệu quả theo hướng đổi mới toàn diện như chủ trương của Thành ủy đề ra tại Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XV trình Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI.
Hà Nội là nơi làm việc của hàng vạn nhà khoa học tại hàng chục viện nghiên cứu đầu ngành với phương tiện ngày càng hiện đại, có sự hợp tác với các tổ chức khoa học nhiều nước, do vậy, Hà Nội cần sớm hình thành thị trường khoa học và công nghệ được trang bị hiện đại và được vận hành với phương thức giao dịch tiên tiến để các sáng chế, phát minh của các nhà khoa học được bán cho doanh nghiệp, tổ chức trong cả vùng, đưa nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tế sản xuất nhằm tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng hiện đại và hiệu quả hơn.
Hà Nội có nhiều trường đại học, cao đẳng được thành lập từ hơn 50 năm trước, như Đại học Bách khoa, Đại học Nông nghiệp, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Y, Đại học Dược, Đại học Thương mại, Đại học Ngoại thương… có đội ngũ giáo viên trình độ cao, trong đó có nhiều cán bộ khoa học đầu ngành, do đó các tỉnh không nên thành lập những trường đại học, cao đẳng đa ngành mà Hà Nội đã bảo đảm thỏa mãn nhu cầu đào tạo cán bộ cho toàn vùng. Thay vào đó, mỗi tỉnh tùy theo thế mạnh của mình mà xây dựng chuyên ngành đào tạo đặc thù được đầu tư tới hạn để có trường sở hiện đại, thu hút được giáo viên giỏi, từ đó hình thành mạng lưới trường đại học, cao đẳng có sự phân công và hợp tác trong vùng kinh tế. Cần coi việc thỉnh giảng giáo viên đầu ngành từ Hà Nội là hoạt động thường xuyên của các trường đại học, cao đẳng của các tỉnh trong vùng.
Hà Nội cần và có điều kiện đi đầu trong việc xây dựng “Chính phủ điện tử” với bộ máy nhà nước có hiệu năng và đội ngũ công chức có năng lực cao và lương tâm nghề nghiệp trong việc thực hiện chức năng “Nhà nước kiến tạo”, đổi mới nhanh hơn các thủ tục hành chính để người dân Thủ đô, khách vãng lai, nhà đầu tư và doanh nghiệp được thụ hưởng một môi trường sinh sống, làm việc, đầu tư và kinh doanh tốt nhất.
Có như vậy, “hữu xạ tự nhiên hương”, lực hướng tâm từ ngoại vi vào Thủ đô, đồng thời sức lan tỏa của trung tâm sang các tỉnh trong vùng ngày càng gia tăng, tạo nên một kết cấu bền vững và phát triển tại Vùng kinh tế Bắc Bộ cũng như Vùng Thủ đô.
Thứ hai, các địa phương xung quanh Hà Nội cần nhận thức được lợi ích của việc phân công và hợp tác trong vùng mà Hà Nội là trung tâm kinh tế lớn để khi hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng tỉnh cần dựa trên cơ sở kết hợp việc phát huy lợi thế tự nhiên của từng địa phương với việc tận dụng lợi thế phân công và hợp tác trong vùng để tránh lãng phí vốn đầu tư, tập trung đầu tư xây dựng ngành, lĩnh vực có lợi thế nhất, tận dụng sự hợp tác với Thủ đô và với các tỉnh khác để cùng phát triển có hiệu quả.
Thứ ba, cần rút kinh nghiệm từ thực tế hoạt động của các ban chỉ đạo phát triển các vùng kinh tế, trong đó có Vùng Bắc Bộ và Vùng Thủ đô trong nhiều năm để điều chỉnh, bổ sung cơ chế hoạt động, mô hình tổ chức và bộ máy của từng vùng có đủ năng lực. Đồng thời, từ đó đề xuất việc hình thành sự phân công và hợp tác trong quá trình phát triển, điều chỉnh quá trình đó khi điều kiện khách quan đã thay đổi, được phân quyền thỏa đáng để điều hành có hiệu quả bằng những chỉ dẫn cần thiết trong việc xử lý mọi tình huống liên quan đến kinh tế vùng, cũng như xử lý các vấn đề liên tỉnh, như ô nhiễm nguồn nước các dòng sông và không khí.
Một số nước thành lập Hội đồng Kinh tế vùng, không phải là cơ quan cấp trên của tỉnh và thành phố, có chức năng tư vấn cho Chính phủ những vấn đề có liên quan đến toàn vùng. Cũng có nước thành lập một vài cơ quan quản lý nhà nước vùng kinh tế thay cho từng tỉnh, thành phố để khắc phục tình trạng chính quyền địa phương ra những mệnh lệnh chỉ vì lợi ích cục bộ, không có lợi cho phát triển kinh tế vùng và lợi ích quốc gia.
Nước ta đã đặt chân và nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp), đang hướng tới tầm cao hơn vào năm 2020, khi dân số Việt Nam gần 100 triệu người, có quy mô kinh tế khoảng 300 tỷ USD, là một thị trường đầy tiềm năng, đồng thời là công xưởng thế giới đối với một số sản phẩm, nhất là công nghệ thông tin. ASEAN đang trong quá trình xây dựng cộng đồng, trong đó có việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm nay, hình thành một thị trường chung của 630 triệu người với GDP 3.000 tỷ USD, được tự do lưu chuyển hàng hóa, vốn và lao động có trình độ cao.
Thủ đô đứng trước thách thức không nhỏ, đồng thời có cơ hội lớn mà việc tận dụng lợi thế so sánh nổi trội của Hà Nội giúp hoạch định chiến lược phát triển Thủ đô theo hướng hiện đại, người dân được hưởng thụ mức sống ngày càng cao, môi trường làm việc và sinh hoạt ngày càng tốt hơn, được bảo đảm quyền tự do, dân chủ theo đúng hiến pháp quy định, được khuyến khích ý tưởng mới và sáng kiến trong việc tham gia của cá nhân và cộng đồng vào quá trình phát triển. Có như vậy, Hà Nội mới thực sự trở thành đầu tàu, động lực tăng trưởng Vùng kinh tế Bắc Bộ và Vùng Thủ đô, đóng góp xứng đáng hơn cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì lợi ích của nhân dân.