Bài 2: Kinh tế tư nhân và những bước lui chân của Nhà nước
Đường ray gập ghềnh
Giữa tháng 12/2015, lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện trên Bảng xếp hạng Tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới năm 2015, ở vị trí thứ 7/44. Đây là báo cáo quy mô nhất từ trước tới nay về khởi nghiệp, do Trường đại học Technische Universitat Munchen, Công ty Nghiên cứu thị trường GfK của Đức thực hiện.
Dù định nghĩa về tinh thần khởi nghiệp còn đang tranh luận, song có một điểm đã thống nhất, đó là sự thể hiện mong muốn gánh vác trách nhiệm của các doanh nhân tương lai. Cách đây 30 năm, có nằm mơ những doanh nhân đầu tiên của Việt Nam cũng không nghĩ rằng, sẽ có ngày “đất dụng võ” của mình lại nhiều hứa hẹn đến thế.
Nếu kinh tế Việt Nam là con tàu cao tốc và chắc chắn phải trở thành con tàu cao tốc, thì đường ray phải là thể chế kinh tế thị trường và đầu máy kéo là kinh tế tư nhân. |
Ngay những người làm chính sách có tư tưởng cách tân cũng khó hình dung, doanh nghiệp (DN) tư nhân có thể góp tới 46% GDP của Việt Nam (số liệu 2006-2010), tạo 60% việc làm cho xã hội...
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), người được giao chắp bút các phiên bản Luật DN từ năm 1990 đến nay, muốn nhắc lại tâm lý “sợ thị trường” đè nặng hệ thống pháp luật về đầu tư – kinh doanh những năm qua, để nhấn mạnh, khát vọng sống và vươn lên của người dân Việt Nam, DN Việt Nam khó có gì sánh được.
Trong câu chuyện của ông Cung, những năm 1990, ngay khi Luật DN tư nhân và Luật Công ty không dễ dàng được thông qua, thì để một DN tư nhân ra đời, người chủ phải đi thu thập tới 40 con dấu, nhanh cũng phải 6 tháng. Đánh máy chữ, bán báo và cả buôn bán phế liệu… đều phải có giấy phép. Vài tháng phải xin gia hạn, nếu không sẽ thành tội…
“Lúc đó, thực tâm chúng tôi nghĩ là nhà nước phải quản chặt để bảo vệ quyền lợi bên thứ ba. Kinh doanh thì phải có vốn, phải xin phép… Có những điều nếu chúng tôi không viết ra thì có thể không ai tính tới, nhất là quy định cấm kinh doanh trái phép, mà phải mất 24 năm, Luật DN năm 2014 mới xóa được”, ông Cung kể lại.
Phải nói thêm, cái tên đầu tiên của 2 luật này là Luật về xí nghiệp tự chủ kinh doanh, cũng chỉ là bước thử nhỏ từ xí nghiệp nhà nước. Lúc đó, tư nhân còn là khái niệm cấm kỵ trong Hiến pháp năm 1980. Bởi vậy, những hơi hướng đầu tiên của thị trường trong 2 luật này lại châm ngòi cho các cuộc tranh luận lớn về tư duy quản lý kinh tế. Luật Khuyến khích đầu tư trong nước ra đời năm 1994 sau này được các chuyên gia CIEM nhìn nhận là bước lùi, khi chọn đối tượng điều chỉnh là DN thuộc các thành phần kinh tế, với hàm ý DN nhà nước cũng phải được ưu đãi, thay vì đề xuất ban đầu chỉ dành cho khu vực tư nhân.
Đường ray thể chế kinh tế thị trường không ít lần bị bẻ ghi như vậy trong 30 năm qua. Song, điều này không cản được tiến trình phát triển tự nhiên của DN tư nhân, góp phần tạo nên những bước ngoặt quan trọng của kinh tế Việt Nam, nhất là mỗi khi có sự rút lui của kinh tế nhà nước.
Trước năm 1986, kinh tế Việt Nam rơi vào tình thế khó khăn, đến mức trong nghiên cứu về giai đoạn này của Viện Kinh tế Việt Nam, các chuyên gia đã gọi là “hình ảnh đau buồn của nền kinh tế bị chiến tranh hủy diệt, hoang tàn, cơ cấu ngành kinh tế què quặt, mất cân đối nghiêm trọng”. Khi đó, nhà nước quyết định trao quyền cho nông dân, bãi bỏ độc quyền ngoại thương. Từ một nước thiếu ăn, Việt Nam thành nước xuất khẩu lương thực vào năm 1989.
Năm 1990, khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, kinh tế Việt Nam gần như bị cô lập, Nhà nước quyết định thu hẹp phạm vi của mình trong công nghiệp và dịch vụ, đóng cửa một loạt DN nhà nước. Những DN tư nhân đầu tiên của Việt Nam xuất hiện. Đây cũng là một tiền đề quan trọng để quyền tự kinh doanh của công dân chính thức được Hiến pháp năm 1992 ghi nhận.
Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997-1998) xảy ra, dòng vốn FDI giảm mạnh, Nhà nước nhìn thấy cơ hội chấn hưng nền kinh tế từ nội lực, Luật DN năm 1999 hội tụ đủ điều kiện để làm nên cuộc cách mạng về quyền kinh doanh. Chỉ trong 2 năm 2000-2001, hơn 40.000 DN ra đời, bằng toàn bộ số DN thành lập 10 năm trước đó…
Chỉ có điều, như ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ thấy tiếc nuối khi nói về những điểm đột phá của kinh tế Việt Nam. Đó là, sau mỗi bước ngoặt, chúng ta chưa tận dụng tốt cơ hội để đẩy nhanh các cuộc cải cách.
“Nếu năm 2000, năm 2005 và sau khủng khoảng 2008, rồi năm 2011, chúng ta đẩy mạnh được đà đổi mới tư duy, là Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, người dân được làm những gì pháp luật không cấm, thì bước tiến của nền kinh tế đã xa hơn”, ông Tuấn chia sẻ và nhắc lại bước tụt hơi của cuộc chiến chống “giấy phép con” những năm 2000-2002. Cũng chỉ có 144 giấy phép con được bãi bỏ trong cả rừng giấy phép, nhưng nhiều trong số đó sau này lại được “cứu sống”.
Lúc này, khi Luật DN, Luật Đầu tư 2014 được kỳ vọng làm nên sức hút mới của môi trường kinh doanh Việt Nam, lại có chuyện CIEM phải kiến nghị dừng hiệu lực một số văn bản của các bộ vì “không tuân thủ tinh thần thuận lợi hơn cho DN mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu trong Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”…
Cần thêm những bước lui chân
Giai đoạn 2016-2020 của nền kinh tế Việt Nam được nhìn nhận sẽ có “đổi mới lần hai” và “diễn ra trong làn sóng hội nhập thương mại chưa từng có với Việt Nam”. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khiphát biểu tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam đầu tháng 12/2015 đã nhiều lần nhắc tới điều này.
Trong con mắt của bà, vốn là chuyên gia kinh tế trong nhóm nghiên cứu của WB về Việt Nam những năm 1990 và là Giám đốc WB tại Việt Nam từ năm 2007, một trong những ưu tiên của đổi mới lần này vẫn là Chính phủ rút khỏi lĩnh vực không cần thiết tham gia, tạo khoảng trống cho DN tư nhân nhập cuộc.
“Quyết định thoái vốn hoàn toàn khỏi Vinamilk là bước đi theo hướng này. Nếu thực hiện tiếp các bước tương tự, mức độ tín nhiệm của Chính phủ về cải cách sẽ được nâng lên. Tất cả những hành động như vậy sẽ giúp hình thành một khu vực kinh tế tư nhân năng động mà nhà nước coi là một mục tiêu quan trọng trong thời gian tới”, bà Kwakwa trực tiếp nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tuy vậy, “các bước tương tự” đang diễn ra khá chậm. Không thể né tránh mối quan hệ nhân quả rằng, một khi Chính phủ ngập ngừng trong cơ chế, DN khó dứt khoát trong làm ăn. Thậm chí, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang lo về một khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang cô đơn trước cơn sóng hội nhập ầm ập đến.
Trong cuộc đối thoại giữa DN và Chính phủ được chờ đợi nhất trong năm là Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) 2015, ông Lộc thay mặt DN trong nước đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục đà tăng trưởng, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính… Tuy nhiên, ông vẫn đầy trăn trở: “Cải cách thể chế, nhìn chung đã đạt được kết quả tích cực, nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN. Chúng tôi đã khảo sát và thấy, DN tư nhân càng lớn, chi phí tuân thủ càng cao; DN quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều...”.
Đây là một lực cản đáng kể khiến DN không lớn lên được, quy mô bình quân của DN Việt Nam đang nhỏ dần đi.
Đây cũng là nguyên do khu vực DN nhỏ và vừa, chiếm tới 98% tổng số DN Việt Nam, gần như đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu và nếu có tham gia thì cũng chỉ vào công đoạn sử dụng nhiều nhân công tay nghề thấp và giá rẻ. Khả năng tận dụng tác động tràn tích cực từ dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam rất nhỏ bé.
Đó là chưa kể tới hệ lụy của cơ chế xin – cho kéo dài đã tạo nên lớp doanh nhân kiếm lợi bằng quan hệ, không có nhu cầu dài hạn, quản trị doanh nghiệp lạc hậu…
Đặt các điểm yếu này trong bối cảnh hội nhập, với hai từ khóa quan trọng nhất là chuỗi và chuẩn, thì nỗi lo bị những cơn sóng hội nhập đẩy ra rìa của DN Việt Nam càng hiển hiện. Khi đó, mục tiêu của Chính phủ về một nền kinh tế đi đều bằng hai chân, DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài, rất khó đạt.
Trong chia sẻ về “sự cô đơn của kinh tế tư nhân”, ông Lộc đã nhắc tới câu nói của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với một sự tin tưởng. Đó là: “Không có toàn dân làm kinh tế thì không có thắng lợi được đâu”. Thủ tướng nói điều này khi chỉ đạo thực hiện cổ phần hóa năm 2015. Quan điểm nhất quán đã được người đứng đầu Chính phủ đưa ra với bộ máy của mình, với các DN nhà nước là “phải coi DN tư nhân là một động lực, đây là của nhân dân chúng ta, không ai thay nhân dân được hết. Về phần Nhà nước là tạo điều kiện, hạ tầng, ban hành luật lệ”.
“Tôi mong muốn tha thiết đây sẽ là tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XII về kinh tế tư nhân. Chỉ như vậy, khu vực tư nhân mới phát huy hết khát vọng tạo dựng sự phồn vinh cho đất nước ở những nơi nhà nước lui chân. Khi đó, Việt Nam sẽ không còn nằm trong nhóm 4 nước đội sổ nữa mà là nhóm 4 nước hàng đầu ASEAN”, ông Lộc hào hứng với hình ảnh của một Việt Nam chung sức hậu thuẫn cho DN, doanh nhân. Việt Nam tất sẽ có 2 triệu hay nhiều hơn nữa DN tư nhân mà không cần phải đặt mục tiêu phấn đấu...
Sức đột phá mà hệ thống luật pháp về kinh doanh theo những bước lui chân của Nhà nước suốt 30 năm qua đem lại vô cùng lớn, nếu không có hoặc chậm có nó, kinh tế Việt Nam không chỉ khó có được đội ngũ DN, doanh nhân đông đảo như hiện nay, mà có thể đã rẽ sang một hướng khác.
Nhưng vào lúc không có mấy ai đặt câu hỏi làm sao để kinh tế tư nhân phát triển, thì những tư tưởng đó là đột phá, là đường ray để DN tư nhân Việt Nam bước ra ánh sáng.
Còn lúc này, chiếc áo thể chế đã chật, đôi chỗ còn không hợp thời, nếu không hoàn thiện kịp, sẽ trở thành yếu tố kìm hãm chính những con người bằng khát vọng sống và vươn lên đã vượt qua thách thức của cơ chế để gây dựng sự nghiệp, thắp ngọn lửa kinh doanh... (Còn tiếp)