Ngân hàng - Bảo hiểm
308 triệu cổ phiếu Saigonbank lên sàn UPCoM, có gì để quan tâm?
Thùy Vinh - 11/10/2020 09:28
308 triệu cổ phiếu của Saigonbank sẽ được giao dịch trên UPCoM từ ngày 15/10 với mã chứng khoán SGB, giá tham chiếu 25.800 đồng/cổ phiếu. Cổ đông lớn chi phối hơn 65% cổ phần.

Cổ đông lớn chi phối 65%

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank).

Theo đó, 308 triệu cổ phiếu của Saigonbank sẽ được giao dịch trên UPCoM từ ngày 15/10 với mã chứng khoán SGB, giá tham chiếu 25.800 đồng/cổ phiếu.

Saigonbank có hơn 201 triệu cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng, bao gồm 107,3 triệu cổ phếu của Văn phòng Thành ủy TP.HCM và Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận do ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigonbank làm đại diện sở hữu, gần 43,4 triệu của Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP HCM do bà Trần Thị Phương Thanh là đại diện sở hữu...

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, Saigonbank sẽ là ngân hàng thứ 3 chính thức giao dịch trên sàn UPCoM, sau Ngân hàng Bản Việt (09/07) và Nam A Bank (09/10).

Saigonbank là ngân hàng nhỏ, được thành lập từ năm 1987 với vốn điều lệ ban đầu 650 triệu đồng.

Sự ra đời của ngân hàng nằm trong chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng.

Đến tháng 9/2012, Saigonbank tăng được vốn điều lệ lên 3.080 tỷ đồng và giữ nguyên đến nay. Ngân hàng từng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 4.000 tỷ đồng nhưng chưa thành công trong nhiều năm qua.

Tính đến ngày 29/5/2020, cổ đông lớn nhất của Saigonbank là Văn phòng Thành ủy TP.HCM nắm 18,18% vốn. Công ty TNHH MTV Xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận nắm giữ 16,64% và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa nắm 16,35%, kế đến là Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) với tỷ lệ sở hữu 14,08%. Bốn đơn vị này đang nắm giữ 65,25% vốn của Saigonbank.

Ngân hàng chỉ có 3 cổ đông nước ngoài, trong đó 1 tổ chức nắm giữ 15,2 triệu cổ phiếu (tỷ lên sở hữu 4,94%) và 2 cá nhân sở hữu 164.257 cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 0,053%).

Tuy nhiên, Thành ủy TP.HCM cho biết, sẽ lui về vai trò giám sát và không làm kinh tế nữa. Như vậy, với chủ trương trên, có thể trong thời gian tới, Thành uỷ TP.HCM sẽ đẩy mạnh việc thoái vốn tại doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng.

Hiện Thành uỷ TP.HCM đang có 2 khoản vốn góp tại 2 ngân hàng là SaigonBank, DongABank. Chỉ có điều, để thoái vốn khỏi các tổ chức này cũng không phải việc đơn giản.

Trước đó, các cổ đông lớn đã thoái vốn khỏi Saigonbank gồm: Vietcombank thoái hết 4,3% vốn khỏi Saigonbank để đáp ứng quy định của Thông tư 36; Vietinbank cũng đã thoái toàn bộ 5,48% cổ phần tại Saigonbank vào giữa tháng 9/2019 đáp ứng quy định của Thông tư 36.

Tài sản Saigonbank có gì?

Là ngân hàng nhỏ, không có nhiều nổi bật trong hệ thống về kết quả kinh doanh, nhưng Saigonbank được nhà đầu tư chú ý và để mắt bởi những tài sản giá trị do ngân hàng này sở hữu.

Đó là mạng lưới khoảng 100 chi nhánh và phòng giao dịch hầu hết là bất động sản của Saigonbank. SaigonBank lại có nhiều tài sản là bất động sản được tích lũy từ hàng chục năm trước.

Chỉ riêng hai tài sản là Khách sạn Riverside trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM và Tòa nhà Châu Văn Liêm, quận 5, TP.HCM nếu mang đấu giá bây giờ, có thể thu về số tiền bằng vốn điều lệ.

Ngoài ra, Hội sở chính của Saigonbank tại số 2C Phó Đức Chính tại quận 1, TP.HCM; số 40 Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM cùng nhiều khối bất động sản lớn khác ở quận 7 (TP.HCM), Lào Cai, Đắc Lắk…

Đó cũng là lý do giải thích vì sao những ngân hàng như Vietcombank, VietinBank từng thoái vốn khỏi Saigonbank với mức giá gấp đôi so với mệnh giá.

Đến cuối tháng 6/2020, tổng tài sản của Ngân hàng giảm gần 10% so với đầu năm, xuống còn 20.569 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 2,79%, đạt 14.151 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 2%, đạt 15.982 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2020, tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng là 19,32%. Do đó, Ngân hàng không gặp vấn đề về duy trì tỷ lệ CAR theo quy định.

Đáng chú ý, mặc dù tín dụng tăng trưởng âm, Ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong 6 tháng đầu năm, với lợi nhuận trước thuế đạt 125 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong quý II/2020, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 77 tỷ đồng, cao gấp 4,3 lần mức đạt được cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế quý II đạt 56,3 tỷ, gấp 15,6 lần cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần 6 tháng của Saigonbank đạt 331 tỷ đồng, tăng 4,74% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 16 tỷ đồng, giảm 20%.

Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng hơn 3 lần, đạt 17 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác tăng 150% đạt 30 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động 2 quý đầu năm của Saigonbank tăng 11,6% đạt hơn 390 tỷ đồng, chi phí hoạt động tăng 9,82% lên 242,7 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh 86% xuống còn 6 tỷ đồng. Đây cũng là lý do chính giúp Saigonbank ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm.

Cuối tháng 6/2020, nợ xấu nội bảng của Saigonbank là 321 tỷ đồng, tăng 39 tỷ so với đầu năm nay. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 1,94% lên 2,27%.

Năm 2020, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 22.968 tỷ đồng, huy động vốn đạt 19.400 tỷ đồng. Dư nợ cho vay dự kiến tăng 8,5% so với thực hiện năm 2019, đạt 16.336 tỷ đồng, đảm bảo phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ của NHNN. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 130 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác