Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính lũy kế đến ngày 20/12/2022, cả nước có 36.278 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 438,69 tỷ USD.
Samsung hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay - Trong ảnh là Chủ tịch Tập đoàn Samsung Jay Y. Lee đang đi thăm nhà máy của Samsung Việt Nam, nhân chuyến viếng thăm Việt Nam cách đây ít ngày |
Tháng 12 này là vừa tròn 35 năm Việt Nam mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài. Ngày 29/12 của 35 năm trước (năm 1987), Luật Đầu tư nước ngoài đã chính thức được thông qua. Đây cũng chính là dự luật đầu tiên được xây dựng ngay sau Đổi mới và là dự luật được coi là mang tính “lịch sử”.
Lý do rất dễ hiểu, bởi khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành vào cuối năm 1987, thì Hiến pháp 1980 vẫn đang có hiệu lực, mà Hiến pháp khi ấy chỉ đề cập 2 thành phần kinh tế là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể - trong một nền kinh tế kế hoạch tập trung.
Vậy mà Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lại hướng đến một nguồn lực hoàn toàn mới: đầu tư trực tiếp nước ngoài. Phải tới tận năm 1990, Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân mới chính thức ra đời. Và Hiến pháp 1980 cũng phải tới tận năm 1992 mới được sửa đổi.
Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời, và đặc biệt là sau Diễn đàn Đầu tư 1991, với sự có mặt của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, các làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài đã dồn dập đổ vào Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn và an toàn trong khu vực và trên toàn cầu.
Và nay, sau 35 năm, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong số này, đã có 274 tỷ USD đã được giải ngân, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Các dự án đầu tư nước ngoài đã đi vào hoạt động đã có những đóng góp to lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam trong 35 năm qua.
Chỉ tính riêng năm 2022 và chỉ tính riêng về xuất nhập khẩu, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã đóng góp tới 522 tỷ USD trong tổng thương mại hàng hóa hơn 700 tỷ USD của Việt Nam.
Trong đó, xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt gần 276,5 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ, chiếm 74,4% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt hơn 274,1 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ, chiếm 73,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Kim ngạch nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt gần 234,7 tỷ USD, tăng 7,4 % so cùng kỳ và chiếm 65,1% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Tính chung trong năm 2022, khu vực đầu tư nước xuất siêu 41,8 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 39,5 tỷ USD, không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 30,8 tỷ USD.
Chỉ một con số như vậy đã cho thấy những đóng góp to lớn của khu vực đầu tư nước ngoài đối với kinh tế - xã hội Việt Nam. Trong những giai đoạn kinh tế Việt Nam gặp khó khăn, khu vực đầu tư nước ngoài chính là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, sau 35 năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, với hơn 260,1 tỷ USD (chiếm 59,3% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, với gần 66,3 tỷ USD (chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện, với hơn 38,3 tỷ USD (chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư)…
Nếu theo đối tác, sau 35 năm, đã có 141 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam.
Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 81 tỷ USD (chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với hơn 70,8 tỷ USD (chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông...
Tính theo địa bàn, 35 năm qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong đó, TP.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài với hơn 55,8 tỷ USD (chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với hơn 39,6 tỷ USD (chiếm 9% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với hơn 38,7 tỷ USD (chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư)…