Đó là hai trong số nhiều thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
242,7 triệu USD đầu tư Dự án “Phát triển các hành lang đường thuỷ và logistics khu vực phía Nam”
Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn số 808/TTg – QHQT gửi các bộ: Kế hoạch và đầu tư, tài chính và GTVT về việc phê duyệt Đề xuất Dự án “Phát triển các hành lang đường thuỷ và logistics khu vực phía Nam”, sử dụng vốn vay WB và viện trợ của Chính phủ Úc.
Sà lan vận chuyển hàng hóa trên một tuyến kênh đào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long |
Theo đó, Thủ tướng đồng ý phê duyệt Đề xuất Dự án với các nội dung đề xuất như kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và báo cáo giải trình của Bộ GTVT.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo với WB Đề xuất Dự án được duyệt. Bộ GTVT được yêu cầu chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra về số liệu báo cáo đề xuất của Dự án; tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các cơ quan trong quá trình lập và thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; rà soát các hạng mục đầu tư để tránh trùng lắp với các dự án khác, bảo đảm hiệu quả và chỉ sử dụng vốn vay WB cho chi đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên theo đúng quy định.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng sẽ phải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan hoàn thành các thủ tục thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư Dự án theo đúng quy định hiện hành.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, Dự án “Phát triển các hành lang đường thuỷ và logistics khu vực phía Nam có tổng mức đầu tư 242,7 triệu USD, gồm vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc trị giá 0,582 triệu USD, vốn vay WB là 158,69 triệu USD; vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 83,44 triệu USD.
Dự án có có mục tiêu nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đường thủy nội địa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tp.HCM, trong đó có hai hành lang đường thủy gồm Hành lang Đông - Tây kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (trung tâm kinh tế Cần Thơ) - Tp.HCM - cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và Hành lang Bắc - Nam liên kết Bình Dương - Đồng Nai – Tp.HCM - cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Đối với Hành lang Đông - Tây (qua sông Hậu, sông Trà Ôn, kênh Măng Thít, sông Cổ Chiên, kênh Chợ Lách, sông Tiền, kênh Kỳ Hôn, kênh Rạch Lá, sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn, sông Rạch Cát, sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Tắc Cua/Tắc Bài, sông Gò Gia, sông Thị Vải) sẽ được nâng cấp đạt cấp II đường thủy nội địa với chiều rộng luồng 55 m đối với kênh, 75 m đối với sông, chiều sâu chạy tàu - 3,3 m, bán kính cong tối thiểu là 500 m đối với kênh và 700 m đối với sông. Đội tàu thiết kế đề xuất tàu tự hành trọng tải 1.500 tấn, đội sà lan 2x500 tấn, tàu container 3 lớp.
Hành lang Bắc - Nam (qua sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Tắc Cua/Tắc Bài, sông Gò Gia, sông Thị Vải) sẽ được nâng cấp đạt cấp II đường thủy nội địa với chiều rộng luồng 60 m đối với kênh, 90 m đối với sông, chiều sâu chạy tàu - 7,0 m, bán kính cong tối thiểu là 500 m đối với kênh và 700 m đối với sông. Đội tàu thiết kế đề xuất trọng tải 3.000 - 5.000 tấn, tàu container 4 lớp.
Địa điểm xây dựng triển khai Dự án là Tp. HCM và TP Cần Thơ; các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, Dự án còn tiến hành cải tạo nâng cấp 2 cầu (Trà Ôn và Chợ Lách 2); xây dựng 16 bến khách ngang sông trong đó thay thế 10 bến hiện hữu và 06 bến làm mới tại 3 vị trí cắt cong tại sông/kênh Măng Thít, kênh Rạch Lá (mỗi vị trí xây dựng 2 bến ở hai bên bờ); lắp đặt hệ thống báo hiệu trên tuyến; thiết lập hệ thống Quản lý giao thông tàu thuyền qua lại (VTMS) cho đoạn Kỳ Hôn - Chợ Gạo - Rạch Lá với mục tiêu chính là giảm thiểu rủi ro mắc cạn, giảm thiểu nguy cơ va chạm, ùn tắc, nâng cao năng lực lưu thông qua kênh.
Dự án “Phát triển các hành lang đường thuỷ và logistics khu vực phía Nam” dự kiến được triển khai từ năm 2021 - 2025.
Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian chạy tàu từ Đồng bằng sông Cửu Long đến Tp.HCM và đến các cảng chính trong khu vực, qua đó giảm giá thành chi phí vận tải, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Đà Nẵng phê duyệt 2 khu tái định cư phục vụ giải tỏa Khu công nghiệp Hòa Ninh
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Đà Nẵng cho biết, UBND Thành phố đã phê duyệt đầu tư xây dựng 2 Dự án tái định cư phục vụ giải tỏa Khu công nghiệp Hòa Ninh.
Thành phố Đà Nẵng đang triển khai xây dựng thêm 3 khu công nghiệp. |
Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 1867/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Dự án Khu tái định cư khu vực giữa Khu tái định cư số 2 và số 3 Vệt khai thác quỹ đất dọc tuyến ĐT 602, với tổng mức đầu tư 71,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Mục tiêu đầu tư xây dựng dự án là xây dựng mới hạ tầng kỹ thuật với diện tích 77.677m2, bao gồm các hạng mục: San nền, giao thông, thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước, cây xanh, điện chiếu sáng và di dời đường dây trung hạ thế phù hợp với quy hoạch chi tiết TL1/500 được phê duyệt.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng ban hành Quyết định số 1868/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Dự án Khu tái định cư phục vụ giải tỏa Khu công nghiệp Hòa Ninh (Phía Nam Khu tái định cư số 2 – Vệt khai thác quỹ đất dọc tuyến đường ĐT 602) với tổng mức đầu tư 70,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.
Mục tiêu và quy mô đầu tư xây dựng dự án nhằm đáp ứng nhu cầu tái định cư cho người dân nằm trong vùng quy hoạch Khu công nghiệp Hòa Ninh, để sớm đảm bảo cuộc sống an sinh cho người dân thuộc diện giải tỏa. Xây dựng mới hạ tầng kỹ thuật với diện tích 81.811m2, bao gồm các hạng mục: San nền, giao thông, thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước, cây xanh, điện chiếu sáng phù hợp theo quy hoạch chi tiết TL 1/500
Cả hai dự án này đều do Ban Quản lý các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp và công nghệ cao Đà Nẵng làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án, thời gian thực hiện từ năm 2021-2025.
Hiện TP. Đà Nẵng đang đẩy nhanh xây dựng 3 khu công nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Vang, là khu công nghiệp Hoà Ninh, khu công nghiệp Hoà Nhơn và khu công nghiệp Hoà Cầm - Giai đoạn 2; tổng chi phí thực hiện 3 dự án này là gần 14.000 tỷ đồng.
Cụ thể, khu công nghiệp Hoà Ninh có diện tích hơn 400ha, tổng chi phí thực hiện dự án hơn 6.083 tỷ đồng; khu công nghiệp Hoà Nhơn có diện tích 360ha, tổng chi phí làm dự án 5.657 tỷ đồng; khu công nghiệp Hoà Cầm - Giai đoạn 2 có diện tích 120ha, tổng chi phí thực hiện hơn 2.232 tỷ đồng.
Khánh Hòa: Nhiều nhà đầu tư đề xuất làm nhà máy xử lý rác thải
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã nhận được góp ý của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với dự thảo Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Theo lãnh đạo tỉnh này, hiện có khoảng 10 hồ sơ đầu tư Dự án xử lý rác thải rắn phù hợp. Trong đó, tại khu vực TP. Nha Trang có 7 hồ sơ đề nghị thực hiện dự án nhà máy xử lý chất thải rắn tại thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương, phù hợp với quy hoạch.
Tại khu vực thị xã Ninh Hòa, UBND tỉnh cũng nhận được đề xuất dự án Nhà máy xử lý rác thải Ninh Xuân (xã Ninh Xuân) và chủ trương đầu tư dự án Mở rộng hố chôn rác thải sinh hoạt tại bãi rác Hòn Rọ (thôn Ninh Ích, xã Ninh An) của Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa. Cả 2 hạng mục này đều phù hợp với quy hoạch chung. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận được văn bản của Công ty Cổ phần Thành phố mới KH đề nghị đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất sản phẩm từ rác tại huyện Cam Lâm, vị trí dự án phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Các dự án xin đầu tư nhà máy xử lý rác thải đa phần đều kết hợp đốt rác với việc thu hồi nhiệt để sản xuất điện năng. Trong đó, tại TP. Nha Trang có những dự án với công suất phát điện lên tới 30MW, tổng mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Hay tại Cam Lâm, chủ đầu tư đề xuất xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện với công suất 1.000 tấn/ngày và công suất phát điện đạt 18MW. Dự án này có diện tích khoảng 50ha, vốn đầu tư 2.150 tỷ đồng.
Để lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án nhà máy xử lý rác thải, UBND tỉnh Khánh Hoà đã xây dựng dự thảo Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Dự thảo đưa ra 4 nhóm tiêu chí cụ thể gồm: Công nghệ; môi trường - xã hội; tài chính và năng lực thực hiện Dự án; kinh tế. Đồng thời, bộ tiêu chí cũng quy định thời gian thực hiện dự án không quá 12 tháng.
Về tiêu chí công nghệ, UBND tỉnh Khánh Hoà yêu cầu các nhà máy phải có công nghệ được khuyến khích áp dụng tại Việt Nam theo quy định hiện hành; có phương án kết hợp các công nghệ cùng xử lý ủ, đốt, thu hồi nhiệt để phát điện. Dự án đầu tư phải có công nghệ sơ chế rác thải trước khi xử lý, có thu hồi các thành phần từ rác thải rắn trước và sau xử lý để tái sử dụng hoặc tạo ra các sản phẩm có ích. Đặc biệt, UBND tỉnh ưu tiên các nhà máy có thể xử lý được rác thải mà không cần phân loại, không phát sinh các nguồn thải trong quá trình xử lý và xử lý được mùi trong quá trình vận hành.
Đặc biệt, đối với tiêu chí tài chính và năng lực thực hiện dự án, UBND tỉnh yêu cầu chủ sở hữu phải có vốn trên tổng mức đầu tư dự án. Nhà đầu tư phải đảm bảo góp vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 20% tổng mức đầu tư để thực hiện dự án; chủ đầu tư phải có năng lực, kinh nghiệm, đã đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý rác thải; ưu tiên nhà đầu tư có thêm cam kết các chương trình hỗ trợ năng lực quản lý cho tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường.
Trong tiêu chí về kinh tế, UBND tỉnh yêu cầu giá dịch vụ xử lý rác thải không quá 400.000 đồng/tấn. Nhà đầu tư phải tự bỏ vốn đầu tư xây dựng và bồi thường, giải phóng mặt bằng; có khả năng tiêu thụ tất cả sản phẩm từ hoạt động tái chế rác thải của dự án.
Quảng Trị đề xuất đầu tư cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trị giá 7.700 tỷ đồng
UBND tỉnh Quảng Trị vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trong giai đoạn 2026 – 2030.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị Thủ tướng, Bộ GTVT xem xét, chấp thuận bổ sung vào Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 để triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức PPP.
Một đoạn Quốc lộ 9 lên cừa khẩu Lao Bảo. |
Tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo có chiều dài tuyến 70km, đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m. Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến khoảng 7.700 tỷ (trong đó vốn nhà nước từ ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 28,31%), thời gian hoàn vốn 19 năm.
Được biết, hiện nay giao thông từ Cam Lộ lên cửa khẩu Lao Bảo phụ thuộc hoàn toàn Quốc lộ 9. Tuyến đường này đã mãn tải từ lâu, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên, gây khó khăn cho các hoạt động thương mại trên Quốc lộ 9, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.
Để thực hiện các giải pháp trước mắt, nhằm tạo thuận lợi và an toàn cho các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 9, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiến hành xử lý, mở rộng mặt đường, cải tạo tầm nhìn, góc cua... của một số vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Quảng Trị ở điểm đầu Hành lang kinh tế Đông - Tây về phía Việt Nam, là cầu nối thuận lợi trong liên kết hội nhập, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế qua các cửa khẩu Lao Bảo, La Lay; đồng thời, tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây là con đường ngắn nhất nối hai đại dương (Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương) và cũng là con đường ngắn nhất kết nối 2 thị trường lớn (Trung Quốc và Ấn Độ) chiếm đến gần một nửa dân số thế giới... Do đó, dự báo trong giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030, các chỉ số hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, hàng quá cảnh sẽ tăng cao, đặc biệt phương tiện vận chuyển hàng hóa (được biết hiện nay, phía Lào đang mở rộng nhà máy sản xuất giấy và xây dựng nhà máy nhiệt điện) nên lượng phương tiện lưu thông qua về cửa khẩu mỗi ngày từ 550 - 600 lượt phương tiện (trong đó khoảng 450 - 500 xe container).
“Vì vậy, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng và hoàn thành tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trong giai đoạn 2026 - 2030 là rất cấp thiết triển khai, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng quá cảnh; kết nối các trục dọc quốc gia với cửa khẩu quốc tế và cảng biển khu vực, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư”, UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá.
Phú Yên: Duyệt đồ án quy hoạch 1/2000 dự án Biển Hồ - Đá Bia
Quyết định số 767/QĐ-UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị và du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ - Đá Bia
Ngày 8/6, UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị và du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ - Đá Bia. Dự án Khu đô thị và du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ - Đá Bia được quy hoạch tại thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Cùng với quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch, tỉnh Phú Yên giao Sở Xây dựng tổ chức lập quy hoạch. Đồng thời, chấp thuận đơn vị tài trợ lập quy hoạch là Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam.
Toàn bộ khu vực lập quy hoạch rộng 338,6ha, chia thành 3 khu chức năng chính: Khu đô thị rộng 46,8ha, khu dân cư hiện hữu chỉnh trang rộng 10,9ha và khu du lịch văn hóa sinh thái nghỉ dưỡng rộng 280,9ha. Trong khu vực đô thị sẽ có các công trình an sinh xã hội như trường mầm non, tiểu học, THCS, thể dục thể thao, chợ. Khu vực du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng bao gồm tượng đài vua Lê Thánh Tông, khu thiền định, tuyến đường bằng thuyền và cáp treo từ tượng đài vua Lê Thánh Tông - Đền Trình - Đền Hạ - Đền Thượng - Đá Bia, sân golf 18 lỗ, nhà câu lạc bộ, cầu kính ngắm phong cảnh, bến thuyền, khu resort 5 sao, khu khách sạn condotel, khu nhà nghỉ, biệt thự nghỉ dưỡng, cùng hạ tầng kỹ thuật, giao thông…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ, đồ án quy hoạch được duyệt có quy mô, xứng tầm với những giá trị mà khu vực này đang sở hữu, tạo nên điểm nhấn đặc biệt cho thị xã Đông Hòa và tỉnh Phú Yên.
Tập đoàn Pegatron được chấp thuận đầu tư thêm 101 triệu USD vào Việt Nam
Theo Reuters, cơ quan chức năng của Đài Loan đã phê duyệt kế hoạch đầu tư thêm 101 triệu USD vào Việt Nam của Pegatron Corp - đối tác sản xuất lớn của Apple, Microsoft và Sony.
Foxconn là một trong 3 nhà sản xuất iPhone lớn nhất tại Trung Quốc và Ấn Độ đã đầu tư vào Việt Nam. Trong ảnh: Sản xuất tại nhà máy của Foxconn tại Hải Phòng. |
Để thực hiện các khoản đầu tư ra nước ngoài, các công ty Đài Loan đều phải nhận được phê duyệt từ Bộ kinh tế Đài Loan.
Cơ quan này cho biết khoản đầu tư vào công ty con của Pegatron Corp là Pegatron Việt Nam để sản xuất, kinh doanh máy tính, thiết bị ngoại vi, thiết bị truyền thông và linh kiện điện tử.
Phía Pegatron chưa chia sẻ thông tin nào khác về thương vụ này với truyền thông.
Trong Báo cáo thường niên năm 2020, Tập đoàn Pegatron cũng đề cập về việc tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ để đáp ứng những thay đổi mạnh mẽ của chuỗi cung ứng.
Như Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã đưa tin hồi tháng 9/2020 về khoản đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam của Pegatron có Dự án đầu tiên vào Hải Phòng (với tổng vốn khoảng 19 triệu USD) và dự án thứ hai dự kiến khoảng 481 triệu USD tại Khu công nghiệp Deep C (thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải) để sản xuất thiết bị điện tử (điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử, bảng mạch).
Khi đi vào hoạt động, Dự án dự kiến tạo việc làm cho 22.500 lao động trực tiếp và đóng góp vào nguồn thu ngân sách khoảng 100 tỷ đồng/năm. Sản phẩm của Dự án sẽ cung cấp cho Microsoft, Sony, Lenovo, Apple.
Và có thể trong giai đoạn 2025-2026, Pegatron tiếp tục đầu tư dự án thứ ba, với quy mô 500 triệu USD.
Foxconn, Winstron và Pegatron là 3 nhà sản xuất iPhone lớn nhất tại Trung Quốc và Ấn Độ.
Còn theo danh sách 200 đối tác cung ứng hàng đầu trong năm 2020 do Apple công bố tuần trước, có 21 nhà cung ứng có nhà máy ở Việt Nam. Con số này đã tăng 150% so với 2 năm trước đó.
Bãi bỏ 58 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Quyết định số 701/QĐ-BKHĐT công bố thủ tục hành chính mới, bãi bỏ trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố 65 thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam bao gồm: 10 thủ tục hành chính cấp Trung ương (thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; thủ tục điều chỉnh Dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; thủ tục gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ;…) và 55 thủ tục hành chính cấp tỉnh (22 thủ tục hành chính do Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện; 23 thủ tục hành chính do Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thực hiện).
Danh mục các thủ tục hành chính bãi bỏ trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam bao gồm 56 thủ tục hành chính được công bố tại Quyết định số 1038/QĐ-BKHĐT ngày 28/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư); Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư); Quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội (đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư)…) và 2 thủ tục hành chính được công bố tại Quyết định số 814/QĐ-BKHĐT ngày 25/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với Dự án sân golf thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (đối với dự án thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư); trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với Dự án sân golf thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư)).
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký 2/6/2021.
Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước đạt 133,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn trung ương quản lý đạt 20,9 nghìn tỷ đồng, tăng 21,4%, còn vốn địa phương quản lý đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/5 gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ.
Trong đó, 613 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8,83 tỷ USD, giảm 49,4% về số dự án nhưng tăng 18,6% về số vốn đăng ký. Có 342 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,86 tỷ USD, tăng 11,7%. Trong khi đó, có 1.422 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 1,31 tỷ USD, giảm 56,3%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Thừa Thiên Huế kêu gọi đầu tư trung tâm thương mại đẳng cấp quốc tế
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, mục tiêu của Tỉnh với Dự án nói trên là kêu gọi được nhà đầu tư là doanh nghiệp mang tầm quốc tế có công ty mẹ sở hữu chuỗi trung tâm thương mại đang hoạt động ở các nước trên thế giới, có công trình tại Việt Nam và cam kết có chuỗi cung ứng, tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam và nhà đầu tư.
Ảnh minh họa |
Về hạng mục đầu tư, dự án sẽ đầu tư, xây dựng, vận hành trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp bao gồm: dịch vụ ăn uống, giải khát, khu vui chơi cho trẻ em (không bao gồm trò chơi điện tử có thưởng) và cho thuê các quầy, kệ bán hàng, không gian bán hàng đã được đầu tư hoàn thiện, xây dựng, lắp đặt, trang trí,… thuê và cho thuê lại mặt bằng, nhà kho, hội trường và các hạng mục khác trong trung tâm thương mại. Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền xuất khẩu, quyền phân phối bán buôn (không lập cơ sở bán buôn) và quyền phân phối bán lẻ (không lập cơ sở bán lẻ) các hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam,...
Về thông số kỹ thuật, dự án có tổng diện tích khu đất thực hiện khoảng 86.216m2 ; mật độ xây dựng ≤ 60%; Tầng cao công trình ≤ 60m (dự kiến khoảng 8 tầng); diện tích sàn xây dựng khoảng 413.837 m2 ; hệ số sử dụng đất tối đa 6,0 lần; Chỉ giới xây dựng: Lùi tối thiểu ≥ 10m so với chỉ giới đường đỏ đối với các tuyến đường. Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng, kiến trúc và các quy định có liên quan.
Về tổng mức đầu tư, dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu 3.916 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến 23 tỷ đồng. Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, UBND ỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu nhà đầu tư thực hiện dự án với tiến độ không quá 36 tháng kể từ ngày được bàn giao đất trên thực địa; khởi công dự án trong thời hạn 12 tháng kể từ bàn giao đất trên thực địa và xây dựng hoàn thiện công trình, đưa dự án vào hoạt động không quá 24 tháng sau khi khởi công.
Dự án sẽ dược thực hiện tại Khu đất có ký hiệu TM-DV7, thuộc Khu A – Khu Đô thị mới An Vân Dương, thuộc phường An Đông, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích khu đất khoảng 86.216m2 . Mục đích sử dụng đất: Đầu tư, xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ. Phương án đền bù giải phóng mặt bằng: Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện dự án theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai. Hình thức cho thuê đất: Trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trong vòng 30 ngày kể từ ngày công bố danh mục dự án trên Hệ thống thống mạng đấu thầu Quốc gia, trong đó, hạn nộp hồ sơ hoàn thành kết thúc lúc trước lúc 15h ngày 28/6/2021. Nhà đầu tư quan tâm, có nhu cầu đăng ký thực hiện dự án phải thực hiện các thủ tục để được cấp chứng thư số và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Hết thời hạn nhận hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế sẽ mời các cơ quan có liên quan, các nhà đầu tư nộp hồ sơ quan tâm tham dự lễ mở hồ sơ làm cơ sở đánh giá hồ sơ theo quyết định của UBND tỉnh về việc Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tại Khu A - Đô thị mới An Vân Dương và quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư dự án.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể liên hệ trực tiếp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế tại địa chỉ số 07 đường Tôn Đức Thắng, phường Phú Hội, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế để biết thêm chi tiết về thủ tục.
Đắk Lắk đề xuất bổ sung 1.500 MW điện gió vào Quy hoạch điện VIII
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa đề xuất Chính phủ, Bộ Công thương bổ sung thêm công suất điện gió của tỉnh vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Đắk Lắk có nhiều tiềm năng về điện gió. |
Theo đánh giá của Viện Năng lượng (Bộ Công thương), tiềm năng kỹ thuật điện gió trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt quy mô công suất 26.921 MW. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Nghị quyết về việc phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu phấn đấu đưa Đắk Lắk trở thành Trung tâm năng lượng của vùng Tây Nguyên. Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2025, đưa vào vận hành phát điện thương mại 2.000 - 3.000 MW điện gió, giai đoạn 2026 - 2030, công suất điện gió đạt 3.000 - 4.000 MW.
Tuy nhiên, Bộ Công thương đề xuất đưa vào quy hoạch nguồn điện gió phát triển tăng thêm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 công suất 490 MW, giai đoạn 2026 - 2030 công suất 448MW. Như thế, cả giai đoạn 2021 - 2030, tổng công suất đề xuất vào quy hoạch là 938 MW, chưa đạt 4% so với tiềm năng điện gió của tỉnh. Ngoài ra, hạ tầng truyền tải điện trên bàn Đắk Lắk rất tốt, với nhiều đường dây, trạm biến áp 500 kV đã và đang đầu tư xây dựng.
Vì vậy, để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, bổ sung thêm nguồn công suất điện gió của tỉnh vào Quy hoạch điện VIII. Cụ thể, từ 490 MW lên 1.500 MW cho giai đoạn 2021 - 2025 và từ 448 MW lên 1.500MW cho giai đoạn 2026 - 2030.
Được biết, trong quý I/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 10 Dự án với tổng vốn đạt 10.185,96 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án FDI thuộc lĩnh vực điện gió, có tổng vốn đăng ký đạt 10.088 tỷ đồng. Trong số đó, Công ty TNHH Đầu tư VNM (Singapore) có 2 nhà máy điện gió tổng công suất 70 MW, vốn đầu tư hơn 2.210 tỷ đồng, gồm: nhà máy Alpha VNM tại các xã Ea Sol, Dliê Yang và Ea Hiao (huyện Ea H’leo), diện tích gần 6,5 ha, công suất 20 MW, tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng; nhà máy Beta tại các phường Đạt Hiếu, An Bình, Đoàn Kết, Thống Nhất, Bình Tân và xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ), xã Ea Ngai (huyện Krông Búk) và xã Ea Tul (huyện Cư M’gar), diện tích 10,9 ha, công suất 50 MW, tổng mức đầu tư 1.560 tỷ đồng.
Đầu tư 370 tỷ đồng phát triển khu du lịch lớn nhất tỉnh Hậu Giang
UBND tỉnh Hậu Giang vừa có Quyết định phê duyệt Đề án du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.
Theo đó, không gian nghiên cứu quy hoạch nằm trên toàn bộ không gian của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (bao gồm cả không gian vùng đệm), với diện tích khoảng 8.836,07 ha (trong đó, tập trung nghiên cứu trên không gian vùng lõi với diện tích khoảng 2.800 ha) thuộc địa bàn của huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương |
Về tính chất, đây là khu du lịch trọng tâm lớn nhất của tỉnh Hậu Giang gắn với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái; nghiên cứu, tham quan, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên vùng đất ngập nước, dã ngoại vào cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ hè. Định hướng phát triển là khu du lịch quốc gia trong giai đoạn đến năm 2030.
Theo Đề án, định hướng các tuyến du lịch nội khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng gồm:
Tuyến 1: Trung tâm Điều hành đón tiếp - Hệ sinh thái đất ngập nước - Điểm du lịch sinh thái Lung Sen - Lung Lớn - Mô hình canh tác nông nghiệp.
Tuyến 2: Trung tâm Điều hành đón tiếp - Hệ sinh thái rừng tràm - Điểm nuôi động vật bán hoang dã - Điểm giáo dục môi trường - Điểm du lịch sinh thái Lung Sen - Lung Lớn.
Tuyến 3: Trung tâm Điều hành đón tiếp - Hệ sinh thái rừng tràm - Điểm câu cá - Khu vui chơi giải trí - Khu lâm viên - Mô hình canh tác nông nghiệp.
Tuyến 4: Khu nghỉ dưỡng sinh thái.
Nhằm triển khai thực hiện Đề án, tỉnh Hậu Giang ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng bao gồm cơ sở hạ tầng phục vụ nghỉ ngơi, ăn uống, điểm dừng chân, đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái kết hợp vui chơi giải trí trong Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng để tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch sinh thái.
Khuyến khích thực hiện xã hội hóa đầu tư, như: dịch vụ đưa đón khách tham quan, du lịch sinh thái cộng đồng phục vụ phát triển du lịch.
Tổng mức đầu tư thực hiện Đề án khoảng 370 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn I khoảng 353 tỷ đồng; giai đoạn II khoảng 17 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, hộ gia đình và nguồn thu từ việc cho doanh nghiệp thuê dịch vụ môi trường rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch sinh thái.
Đề án được thực hiện theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1: 2021 - 2025; giai đoạn 2: 2026 - 2030. Trong đó, giai đoạn 1: Tiến hành triển khai các nội dung theo Đề án được phê duyệt. Triển khai thực hiện các Dự án ưu tiên: Trung tâm điều hành đón tiếp, khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu vui chơi giải trí, khu lâm viên, hệ thống chòi nghỉ, trạm quan sát, điểm câu cá. Giai đoạn 2: Tiếp tục triển khai các nội dung còn lại của Đề án.
Quảng Ngãi: Thống nhất cho cấp chủ trương đầu tư dự án thép Hòa Phát - Dung Quất
Tỉnh Quảng Ngãi thống nhất cho BQL KKT Dung Quất và các KCN tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, qua 5 tháng tích cực tham gia vào quá trình tham mưu, góp ý về việc đầu tư, mở rộng Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, đến nay các thủ tục và ý kiến cơ bản đã hoàn tất.
Khu gang thép Hoà Phát - Dung Quất giai đoạn 1 đang vận hành, sản xuất |
“Với khối lượng công việc rất lớn nhưng vậy nhưng BQL KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, các sở ngành, địa phương đã hoàn thiện trong thời gian ngắn. Các công việc còn lại, tỉnh yêu cầu các sở ngành, địa phương liên quan hoàn thành trước ngày 10/6” - ông Minh cho biết thêm.
Căn cứ trên những ý kiến, những thỏa thuận giữa Ban Quản lý và doanh nghiệp đã đạt được, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất cho BQL KKT Dung Quất và các KCN tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.
Ông Đặng Văn Minh cũng giao BQL KKT Dung Quất tổng hợp tất cả các ý kiến góp ý cũng như khuyến cáo của các sở ngành, địa phương gởi Công ty CP Hòa Phát Dung Quất để chủ động triển khai thực hiện các công việc tiếp theo ngay sau khi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ tương đầu tư.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, phát triển công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025 theo tinh thần Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, việc cho chủ trương và trình cấp có thẩm quyền cho phép Hòa Phát mở rộng đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất 5,6 triệu tấn/năm là bước đi đúng hướng.
Đây là một trong những dự án lớn không chỉ ở khu vực miền Trung mà trên cả nước, với tổng vốn đầu tư vào dự án là 85.000 tỷ đồng. Nếu Hòa Phát thực hiện đúng tiến độ và đưa vào hoạt động, thì giai đoạn 2026-2030, Quảng Ngãi sẽ có nguồn thu thuế rất lớn từ nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất.
Đối với Công ty CP gang thép Hòa Phát Dung Quất, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu đảm bảo tuyệt đối về an toàn môi trường khi dự án đi vào hoạt động; tất cả các cam kết của Hòa Phát liên quan đến vấn đề phát sinh tại địa bàn dự án phải được thực hiện nghiêm túc; nghiên cứu hỗ trợ cho người dân trong vùng dự án về giải quyết việc làm và an sinh xã hội, đảm bảo cho người dân nơi đây có cuộc sống tốt hơn trước khi có dự án.
Chính phủ sẽ vay hơn 1,7 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2023
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2021-2023 và Kế hoạch vay trả nợ công năm 2021.
Về vay, trả nợ của Chính phủ: Tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2021-2023 là khoảng 1.738,4 nghìn tỷ đồng, trong đó vay cho ngân sách Trung ương khoảng 1.604,0 nghìn tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 134,4 nghìn tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ tài chính chủ động kỳ hạn phát hành, gắn công tác phát hành với tái cơ cấu danh mục nợ và phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động bố trí nguồn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ.
Về bảo lãnh Chính phủ, đối với 2 ngân hàng chính sách, khống chế mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm.
Hạn chế cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp vay trong nước cũng như vay nước ngoài; hạn mức bảo lãnh vay trong nước, nước ngoài hằng năm bảo đảm tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh Chính phủ không vượt quá tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội của năm trước.
Về vay, trả nợ của chính quyền địa phương: Khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, theo đó bội chi ngân sách địa phương khoảng 0,2% GDP hằng năm. Nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương khoảng 18,4 nghìn tỷ đồng.
Về hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả: Kiểm soát tốc tăng dư nợ ngắn hạn tối đa 18-20%/năm; hạn mức vay ròng trung, dài hạn hàng năm tối đa khoảng 6.350-7.000 triệu USD, bảo đảm chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép.
Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2021
Cụ thể, vay của Chính phủ 624.221 tỷ đồng gồm: Vay trong nước 527.357 tỷ đồng và vay nước ngoài 96.864 tỷ đồng. Trong đó, vay cho cân đối ngân sách trung ương 579.772 tỷ đồng (vay để bù đắp bội chi 318.870 tỷ đồng, vay để trả nợ gốc 260.902 tỷ đồng) và vay về cho vay lại 44.449 tỷ đồng.
Trả nợ của Chính phủ 394.506 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ 366.224 tỷ đồng, trả nợ của các Dự án cho vay lại 28.282 tỷ đồng.
Về vay được Chính phủ bảo lãnh: Mức bảo lãnh phát hành trái phiếu đối với 2 ngân hàng chính sách sẽ được xác định trên cơ sở Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ đề nghị phát hành của 2 ngân hàng chính sách theo quy định tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. Rút vốn vay trong nước và nước ngoài của các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trong năm.
Kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương năm 2021: Vay từ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vay khác với số tiền khoảng 28.797 tỷ đồng. Trả nợ của chính quyền địa phương 6.662 tỷ đồng (gồm chi trả gốc 3.997 tỷ đồng và chi trả lãi 2.665 tỷ đồng).
Vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh: Hạn mức vay thương mại nước ngoài trung, dài hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tối đa 6.350 triệu USD; tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 18%-20% so với dư nợ tại thời điểm 31/12/2020.
Khánh Hòa xin gia hạn Dự án Môi trường bền vững - Tiểu dự án Nha Trang
Nguy cơ vỡ cam kết, Khánh Hoà có công văn khẩn gửi Ngân hàng Thế giới (WB) xin gia hạn thực hiện dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang.
Theo cam kết với WB, Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang phải kết thúc trước ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vì một số lý do chủ quan và khách quan nên tiến độ thực hiện chưa đáp ứng theo kế hoạch; khả năng dự án không thể hoàn thành trước thời gian đã cam kết.
UBND tỉnh Khánh Hoà cho rằng, nguyên nhân đầu tiên dẫn tới sự chậm trễ là từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã có các biện pháp hạn chế tập trung đông người, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai dự án. Việc tổ chức đoàn đi kiểm kê khối lượng đền bù ngoài hiện trường, tổ chức họp hội đồng bồi thường, vận động người dân cũng không thể triển khai.
Bên cạnh đó, đại diện Ban Quản lý các dự án tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong năm 2020, tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, TP. Nha Trang bị ảnh hưởng bởi 3 cơn bão lớn (số 9, số 10, số 12) khiến quá trình triển khai thi công, thực hiện dự án vệ sinh môi trường gặp nhiều khó khăn.
Với tình hình thực tế hiện nay, dự kiến đến ngày 31/12/2022, các hạng mục: Kè và đường dọc sông Cái, Nhà máy xử lý nước thải phía bắc, tuyến cống hộp dọc đường sắt, đường Chử Đồng sẽ bị chậm tiến độ. Từ đó, một số mục tiêu ban đầu của dự án sẽ không đạt được như mong muốn, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, địa phương kiến nghị WB xem xét chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang thêm 12 tháng để hoàn thành toàn bộ các hạng mục công việc, kể cả các hạng mục bổ sung đầu tư từ nguồn vốn dư (đến ngày 31/12/2023).
Đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành tuyến Vành đai 3, 4 TP.HCM
Phó Thủ tướng yêu cầu lập phương án phân chia các dự án thành phần, theo hướng triển khai tối đa theo phương thức PPP.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng điều phối tổ chức triển khai thực hiện các Dự án trên toàn tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM; phấn đấu hoàn thành 2 tuyến trên trong giai đoạn 2021-2025.
Đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM là các tuyến vành đai cao tốc đô thị, kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; liên kết, phát huy hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc và quốc lộ hướng tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô TPHCM và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Mặc dù có vai trò rất quan trọng, nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện rất chậm, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, đặc biệt là TPHCM.
Theo Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3 và Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 TPHCM, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng dự án thành phần, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất. Đến nay, tuyến Vành đai 3 mới chỉ hoàn thành 16,3 km/89 km; tuyến Vành đai 4 hoàn thành 11 km/197,6 km. Việc chậm triển khai đã dẫn đến chi phí giải phóng mặt bằng tăng nhiều lần, làm tăng chi phí đầu tư, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và khu vực...
Để sớm hoàn thành 2 tuyến đường này đáp ứng tiến độ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập phương án phân chia các dự án thành phần, theo hướng triển khai tối đa theo phương thức PPP; hướng dẫn và đôn đốc các địa phương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án; các địa phương có trách nhiệm bố trí vốn giải phóng mặt bằng; phần vốn tham gia của nhà nước trong các dự án PPP sử dụng kết hợp ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có liên quan lưu ý rà soát điều chỉnh quy hoạch, tích hợp quy hoạch, hướng tuyến cho phù hợp để giảm chi phí giải phóng mặt bằng, hạn chế tối đa sử dụng đất rừng (nếu có). Đồng thời, đầu tư hệ thống đường song hành, đường gom để khai thác giá trị đất đai, phát triển khu đô thị, cơ sở hạ tầng, du lịch, dịch vụ, các cụm công nghiệp..., thực hiện đấu giá quỹ đất để tạo vốn đầu tư hạ tầng giao thông. Phương án thu phí đường cao tốc cần thực hiện theo hình thức không dừng để giảm chi phí đầu tư trạm thu phí, tăng hiệu quả khai thác.
Các địa phương rà soát quỹ đất trong phạm vi giải phóng mặt bằng (bao gồm cả quỹ đất hai bên đường), cương quyết thu hồi các dự án không triển khai theo tiến độ cam kết để thực hiện các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Đồng thời, triển khai ngay phương án tái định cư, bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi đất, chú ý tái định cư tại chỗ; di dời hạ tầng kỹ thuật để kịp tiến độ giải phóng mặt bằng.
Bộ tài chính nghiên cứu cơ chế cho các địa phương vay vốn từ Quỹ bảo hiểm xã hội, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn vốn khác để thực hiện giải phóng mặt bằng.
Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng điều phối tổ chức triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến Vành đai 3 và Vành đai 4.
Bộ Giao thông vận tải xây dựng báo cáo tổng thể kế hoạch triển khai thực hiện, lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2021. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 (trong đó tuyến Vành đai 3 và Vành đai 4 TPHCM), trình các cấp có thẩm quyền quyết định một số cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng chung. Phấn đấu tuyến Vành đai 4 hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
Trong cuộc họp tại TPHCM vào sáng 14/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, với tuyến đường Vành đai 2, TPHCM phải hoàn thành trong năm 2022, tuyến đường Vành đai 3 phải xong trước 2025.
Đẩy nhanh tiến độ Dự án đường Hùng Vương kết nối KKT Đông Nam Quảng Trị
Đường Hùng Vương kết nối Hành lang kinh tế Đông Tây và Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị có tổng chiều dài tuyến 4,1 km, bao gồm 2 tuyến: đường Hùng Vương và tuyến nhánh Bảo Đại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến vừa đề nghị các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương liên quan tập trung ưu tiên triển khai Dự án đường Hùng Vương kết nối Hành lang kinh tế Đông Tây và Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Theo đó, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, các ngành phải tập trung hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn tất thủ tục chuyển đổi rừng; UBND huyện Triệu Phong phê duyệt giá đất cụ thể, khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 6/2021, đồng thời, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu phần vốn còn dư trong quá trình đấu thầu của dự án, để trước mắt kéo dài tuyến đường thị trấn Ái Tử đến La Vang đưa vào quy hoạch để triển khai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cũng giao sở Giao thông Vận tải, sở Xây dựng và Thị xã Quảng Trị nghiên cứu nút giao phía Bắc cầu đường sắt để đảm bảo an toàn giao thông…
Dự án đường Hùng Vương kết nối Hành lang kinh tế Đông Tây và Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị thuộc dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Quảng Trị. Dự án có tổng chiều dài tuyến 4,1 km bao gồm 2 tuyến. Tuyến chính là đường Hùng Vương và tuyến nhánh là đường Bảo Đại.
Trong đó, tuyến đường Hùng Vương dài 2,1 km có điểm đầu tại km0+00 giao nhau với đường Bảo Đại đến điểm giao với đường ĐT.579 tại km2+132; công trình được thiết kế nền đường 32m, có dải phân cách 2m, quy mô đường phố chính đô thị - thứ yếu theo tiêu chuẩn TCXDVN 104-2007.
Tuyến đường Bảo Đại dài 2 km có điểm đầu tại km0+520 đường Bảo Đại (cạnh trường Tiểu học xã Triệu Ái), điểm cuối giao đường Hùng Vương tại km0+00; công trình được thiết kế nền 9m, mặt 7m, lề mỗi bên 1m, quy mô đường cấp IV đồng bằng theo tiêu chuẩn TCVN 4050-2005.
Tổng kinh phí đầu tư dự án gần 65 tỷ đồng từ nguồn vốn ADB; thời gian thi công là 22 tháng (kể từ khi ADB ban hành lệnh khởi công). Công trình sẽ tiến hành khởi công sau khi UBND huyện Triệu Phong phê duyệt phương án và kinh phí bồi thường cho đoạn tuyến.
Theo báo cáo của UBND huyện Triệu Phong, đến thời điểm này, huyện Triệu Phong đã triển khai công tác đo đạc, lập hồ sơ thu hồi 332 thửa, diện tích thu hồi 137.864 m2. Trong đó hoàn thiện hồ sơ 328 thửa (diện tích 135.559 m2), còn lại 0 thửa chưa ký quy chủ sử dụng đất.
Về công tác thu hồi đất, UBND huyện Triệu Phong đã ban hành 2 đợt thông báo thu hồi đất cho 290 thửa đất, còn lại 42 thửa đất đang kiểm tra, rà soát để tham mưu UBND huyện ban hành thông báo thu hồi đất đợt 3, dự kiến trước ngày 10/6.
Hiện nay, UBND huyện Triệu Phong cũng đã kiểm kê tài sản được 191/297 thửa, trong đó đã kiểm kê 17/19 nhà ở phải di dời; các trường hợp còn lại đang tiếp tục kiểm kê, dự kiến hoàn thành trong tháng 6 này. Huyện cũng đã xử lý toàn bộ số liệu kiểm kê, lập phương án áp giá bồi thường, hỗ trợ cơ bản về đất lúa, đất màu và đất ở, đất vườn, vật kiến trúc và một số loại cây cối hoa màu.
Riêng đối với đất rừng sản xuất và tài sản liên quan đến rừng trồng do chưa ban hành Quyết định phê duyệt phương án trồng rừng thay thế nên chưa có cơ sở áp giá bồi thường, hỗ trợ để niêm yết công khai cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (Chủ đầu tư dự án đang chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp thẩm quyền thẩm định và phê duyệt).
Trước đó, ngày 31/5, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có Quyết định số 1359/QĐ-UBND về việc ban hành giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện công trình này.
Cần Thơ sẽ có Khu công nghệ thông tin tập trung rộng hơn 20 ha
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ.
Theo Quyết định, Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ có diện tích 200.219 m2, thuộc địa bàn phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ; do Quỹ đầu tư phát triển thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư.
Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều 4 Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 8/11/2013 của Chính phủ quy định về khu công nghệ thông tin tập trung.
Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ được áp dụng các chính sách ưu đãi quy định tại Nghị định số 154/2013/NĐ-CP và các chính sách ưu đãi khác áp dụng đối với khu công nghệ thông tin tập trung theo quy định của pháp luật.
Ngân sách Nhà nước (của Trung ương và địa phương) hỗ trợ đầu tư, xây dựng hạ tầng Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ quyết định thành lập tổ chức quản lý và ban hành quy chế hoạt động Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ theo quy định của Nghị định số 154/2013/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật, bảo đảm nguyên tắc tinh gọn tổ chức bộ máy, không tăng đầu mối quản lý và phát sinh biên chế.
UBND thành phố Cần Thơ phối hợp với các bộ, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Quyết định, bảo đảm việc đầu tư xây dựng và quản lý vận hành Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ hiệu quả và đúng quy định.
Vì mục tiêu 5.000 km đường cao tốc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với mục tiêu "đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc".
Quyết tâm sớm cụ thể hóa mục tiêu “đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông” được thể hiện rõ tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về Đề án Thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tổ chức vào đầu tuần này.
Tiến độ xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam trong 10 năm gần đây có bước tiến lớn khi hoàn thành được 1.074 km, gấp 10 lần so với 10 năm trước đó. |
Đây là cuộc họp do đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, với sự tham dự của bộ trưởng các bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, tài chính, cùng Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy, Chủ tịch UBND hơn 40 tỉnh, thành phố.
Trước đó, Bộ GTVT - cơ quan được giao chuẩn bị Đề án và Văn phòng Chính phủ đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung để qua cuộc họp kéo dài 1 ngày này sẽ truyền tải được thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời ghi nhận những ý kiến đóng góp, những kinh nghiệm hay, qua đó hoàn thiện sâu sắc hơn Đề án.
Cần phải nói thêm rằng, từ tháng 4/2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với mũi đột phá hạ tầng này khi có tới 3 lần làm việc với Bộ GTVT để bàn về Đề án Thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Một trong những quan điểm xuyên suốt của người đứng đầu Chính phủ khi chỉ đạo Bộ GTVT xây dựng Đề án là việc hoàn thành 5.000 km đường cao tốc sau 10 năm tới phải là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm và vinh dự của chúng ta trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Chính vì vậy, cần quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ được giao với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, của người dân, của ngân hàng và cả hệ thống chính trị.
Trên thực tế, đường bộ cao tốc là công trình cấp kỹ thuật cao nhất trong hệ thống đường bộ hiện nay. Thực tế quá trình đầu tư, xây dựng và phát triển hệ thống đường bộ cao tốc của nước ta giai đoạn 2001 - 2020; kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới đã chỉ ra rằng, đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc là tất yếu khách quan, tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các vùng và cả nước; nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, đảm bảo quốc phòng an ninh và góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Có thể nhận định rằng, tiến độ xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam trong 10 năm gần đây có bước tiến lớn khi hoàn thành được 1.074 km, gấp 10 lần so với 10 năm trước đó.
Mặc dù vậy, để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cả nước sẽ phải hoàn thành thêm khoảng 4.000 km đường cao tốc, gấp gần 4 lần giai đoạn trước. Đây là thách thức lớn trong tổ chức thực hiện.
Từ kinh nghiệm của 20 năm trước, nhất là 10 năm trở lại đây, để triển khai thành công Đề án Thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, bên cạnh quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, cần có thêm giải pháp đột phá trong phân cấp, phân quyền; thủ tục đầu tư; giải phóng mặt bằng; huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, hợp tác công - tư theo hình thức hợp đồng BOT tham gia đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc.
Điều này càng đòi hỏi các đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Đề án Thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 phải quán triệt nguyên tắc: “Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn”.
Cùng với việc tiếp thu ý kiến góp ý xác đáng của các bộ, ngành, địa phương tại cuộc họp, đơn vị xây dựng Đề án cũng cần tiếp tục tính toán, xác định rõ thứ tự ưu tiên để lựa chọn, triển khai trước những Dự án cấp bách, đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào thời điểm thích hợp; đề xuất giải pháp huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện…
Đây chính là những cơ sở để có được Đề án Thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 với tính khả thi cao, thực sự là kim chỉ nam cho hành trình xây dựng 4.000 đường cao tốc trong 5 - 10 năm tới. Đây cũng là một trong những tiền đề đưa đất nước sở hữu 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề cập.
GDP 6 tháng dự báo tăng 5,8%, quy mô đạt gần 4 triệu tỷ đồng
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đạt gần 4 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 5,8%.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế Việt Nam hiện vẫn đang theo xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, quy mô tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%. |
Dựa trên các số liệu đã đạt được trong 5 tháng qua và dự báo tình hình của tháng 6/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, quy mô tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%.
Tốc độ tăng trưởng này là thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I năm 2021 (tăng 5,92%).
Các chỉ tiêu kinh tế khác được dự báo rằng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước ước đạt 43% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt 34,85%).
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm nay, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định nhưng tiêu thụ nông sản gặp khó khăn.
Dự báo, mức tăng trưởng của khu vực này trong nửa đầu năm đạt khoảng 3%, thấp hơn 0,34 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản của Nghị quyết số 01/NQ-CP (3,34%) và thấp hơn 0,46 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản cập nhật (3,46%).
Trong khi đó, tuy sản xuất công nghiệp - xây dựng phục hồi nhưng do dịch Covid-19, một số khu công nghiệp bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nhất là sản xuất các sản phẩm điện tử, nên dự báo tăng trưởng khu vực này đạt khoảng 7,85%.
Mức tăng trưởng này của khu vực công nghiệp - xây dựng như vậy là thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản của Nghị quyết số 01/NQ-CP (8,56%) và thấp hơn 0,06 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản cập nhật (7,91%).
Cụ thể hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, sản lượng sản phẩm các ngành dệt may, da giày, ô tô có mức tăng tốt, tuy nhiên sản lượng các sản phẩm điện tử dự báo chỉ đạt mức tăng thấp hoặc giảm.
Còn khu vực dịch vụ, dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 5%, thấp hơn 0,33 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản của Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,33%) và thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản cập nhật (5,2%).
Cũng theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiêu dùng tiếp tục xu hướng phục hồi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội dự báo tăng khoảng 7,1%, nhưng nhiều hoạt động dịch vụ như du lịch, vận tải,… tiếp tục gặp khó khăn, giảm sâu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hoạt động của doanh nghiệp cũng được dự báo còn khó khăn. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự báo tiếp tục xu hướng tăng thấp (khoảng 1,6%) nhưng số vốn đăng ký mới dự báo xu hướng tăng cao (khoảng 34,8%). Bên cạnh đó, xu hướng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức khá cao.
Những dự báo này cho thấy, tình hình kinh tế của Việt Nam vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là sau khi có tới hai đợt Covid-19 bùng phát trở lại, vào cuối tháng 1 và cuối tháng 4/2021.
Với tốc độ tăng trưởng GDP quý I và dự báo 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra, thì áp lực rất lớn đang đặt vào các tháng cuối năm. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của toàn nền kinh tế thì mới có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra là 6,5%.