1- HBC: Nhà đầu tư có thể mua vào cổ phiếu ở mức giá hiện tại
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
HBC chuyển đổi xu hướng từ trạng thái giảm trước đó sang đi ngang kể từ giai đoạn tháng 9. Đến phiên hôm nay, HBC tăng mạnh, vượt thành công kháng cự 15.100 đồng để tạo lập đỉnh liền sau cao hơn. Với kết quả này, xu hướng hiện tại của HBC được nhìn nhận là tăng.
Đường giá trong hôm nay cũng đồng thời vượt trở lại MA trung hạn lần đầu tiên sau hơn 4 tháng, đánh dấu sự xác nhận của MA trung hạn về xu hướng tăng. Relative Strength cũng cho thấy mức độ hoạt động của HBC đang dần mạnh hơn mức chung của thị trường.
Khối lượng giao dịch đang cải thiện rất nhanh trong hơn một tháng gần đây. Thanh khoản hiện đã thường xuyên đứng cao hơn mức bình quân 50 ngày –ngưỡng cần thiết để xác nhận dòng tiền mở rộng. KLGD đột biến ở ngày hôm nay cũng góp phần củng cố độ tin cậy điểm bứt phá của đường giá.
Khuyến nghị: NĐT có thể mua vào HBC ở giá hiện tại 15.200 đồng. Mục tiêu đầu tiên kỳ vọng tại 17.500 đồng (+ 15,1%), mức dừng lỗ tại 14.000 đồng (-7,9%)
2- LHG: Cổ phiếu có nhiều tiềm năng trong dài hạn
(CTCK Rồng Việt - VDSC)
Doanh thu quý III/2013 đạt 32,3 tỷ đồng, giảm hơn 47% so với cùng kỳ năm 2012. Sự sụt giảm doanh thu chủ yếu do doanh thu từ bán đất nền khu dân cư trong quý III giảm mạnh, hơn 30 tỷ đồng so với quý III/2012. Hoạt động kinh doanh ở các mảng cho thuê nhà xưởng, văn phòng và khu lưu trú ổn định so với cùng kỳ, trong khi mảng cho thuê đất công nghiệp tăng trưởng khoảng 20% (yoy).
Trong quý III/2013, LHG cũng thực hiện thoái vốn đầu tư tài chính dài hạn tại CTCP công nghiệp Vĩnh Tường, mang về cho LHG gần 8 tỷ đồng tiền mặt. Tuy nhiên, Công ty phải ghi nhận gần 5 tỷ đồng lỗ từ việc thoái vốn này. Cùng với chi phí lãi vay cao, lỗ từ hoạt động tài chính là 15,8 tỷ đồng, dẫn đến kết quả kinh doanh trong quý 3/2013 của LHG bị lỗ 11 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 161,1 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2012 và chỉ hoàn thành khoảng 44% kế hoạch năm. Do tỷ trọng đóng góp doanh thu của mảng kinh doanh đất nền giảm, trong khi các hoạt động cho thuê đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn tăng trưởng khả quan, biên lợi nhuận trước thuế tăng mạnh từ 27% lên 33%. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2013 theo đó đạt 31,4 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2012. Lợi nhuận sau thuế đạt 14,5 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Dự báo cả năm 2013 chỉ hoàn thành 69% kế hoạch doanh thu năm.
Theo trao đổi với đại diện doanh nghiệp, LHG vừa ký hợp đồng cho thuê khoảng 3,3 héc-ta đất công nghiệp trong tháng 10. Hợp đồng này mang về cho Công ty khoảng 60 tỷ đồng doanh thu, dự kiến ghi nhận trong quý IV/2013.
Đối với mảng kinh doanh đất nền, cuối tháng 9/2013, LHG đã bắt đầu mở bán thêm khoảng 200 nền (được chuyển đổi từ dự án đất nhà chung cư dành cho chuyên gia) và đã tiêu thụ được khoảng 70 nền. Tuy nhiên, do việc thanh toán tiền được chia thành 7 đợt và Công ty chỉ ghi nhận doanh thu khi khách hàng thanh toán khoảng 95% tổng số tiền.
Do đó, khả năng mảng kinh doanh đất nền trong quý 4 sẽ chỉ ghi nhận một phần doanh thu từ việc bán 25 nền đất khu dân cư cũ. Doanh thu của hai mảng cho thuê nhà xưởng xây sẵn và khu lưu trú cán bộ công nhân viên dự báo duy trì ổn định.
Từ những cơ sở trên, dự báo doanh thu trong quý IV/2013 của LHG đạt khoảng 90 tỷ đồng và doanh thu cả năm 2013 đạt xấp xỉ 253 tỷ đồng, hoàn thành 69% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế theo đó dự báo đạt 51,4 tỷ đồng và EPS tương ứng là 1.972 đồng.
Quỹ đất Khu công nghiệp chưa khai thác rộng lớn, giá trị sổ sách cao hơn thị giá 2,7 lần và lợi nhuận chưa phân phối bằng 1,13 lần vốn chủ sở hữu tạo nên sự hấp dẫn cho LHG.
Hiện tại, ngoài hai khu công nghiệp, KCN Long Hậu hiện hữu (90 ha đất thương phẩm) và KCN Long Hậu mở rộng (87 ha đất thương phẩm) đang được khai thác, LHG còn 2.400 héc-ta đất dự án cho KCN Long Hậu 3. Ngoài ra, giá trị sổ sách của LHG tại thời điểm 31/12/2012 đạt 24.289 đồng/cổ phiếu, cao hơn 2,7 lần so với thị giá ngày 04/12/2012 và Công ty có khoản lợi nhuận chưa phân phối đến cuối quý 3/2013 là 295 tỷ đồng. Chúng tôi đánh giá đây là những yếu tố cơ bản mang lại sự hấp dẫn trong dài hạn cho LHG.
Cổ phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực khu công nghiệp thường ít hấp dẫn NĐT cá nhân hơn so với các cổ phiếu BĐS khác. Do vậy, các cổ phiếu thuộc nhóm này gần như nằm ngoài xu hướng tăng điểm của nhóm cổ phiếu BĐS trong giai đoạn vừa qua.
Ngoài ra, như chúng tôi dự báo ở trên, LHG có khả năng cao không hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2013, EPS năm 2013 dự báo giảm nhẹ so với năm 2012. Những nguyên nhân này có thể khiến LHG khó tăng giá trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, với quỹ đất KCN chưa khai thác rộng lớn, giá trị sổ sách cao và lợi nhuận giữ lại cao hơn vốn chủ sở hữu, chúng tôi đánh giá LHG là cổ phiếu có nhiều tiềm năng trong dài hạn.
3- FPT: Thông tin SCIC thoái vốn chỉ tác động trong ngắn hạn
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
Theo đề án tái cơ cấu đến 2015 của SCIC mới được Thủ tướng phê duyệt, FPT Telecom là một trong 4 công ty sẽ được SCIC tiếp tục nắm giữ dài hạn. Hiện nay SCIC đang nắm giữ 50,2% cổ phần tại FPT Telecom. Tập đoàn FPT nắm giữ 42,51% cổ phần nhưng lại có đa số quyền biểu quyết tại FPT Telecom, do đó Tập đoàn FPT có quyền kiểm soát đối với FPT Telecom và FPT Telecom là công ty con của Tập đoàn FPT.
Thực tế, SCIC nắm giữ cổ phần tại FPT Telecom là bắt nguồn từ quy định trước đây về việc nhà nước phải nắm giữ cổ phần chi phối tại các công ty viễn thông. Kể từ tháng 12/2011, FPT Telecom không còn trong danh sách các công ty viễn thông mà nhà nước nắm cổ phần chi phối. Do đó, khi thực hiện chiến lược “One FPT” vào năm 2012, Tập đoàn FPT đã đề xuất mua lại cổ phần của SCIC tại FPT Telecom.
Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa thực hiện được do chưa thoả thuận được về giá. Việc SCIC sẽ tiếp tục giữ vốn tại FPT Telecom có thể làm một số nhà đầu tư thất vọng. Tuy nhiên, theo chúng tôi, tin này chỉ có tác động trong ngắn hạn đối với giá cổ phiếu.
Trước đó chúng tôi không kỳ vọng vào việc mua lại này và cũng không tính đến yếu tố này vào mô hình dự báo và định giá của chúng tôi. Ngoài ra, đề án tái cơ cấu của SCIC cũng đề cập đến việc thoái vốn tại nhiều công ty đang nắm giữ cổ phần, trong đó có Tập đoàn FPT.
Chúng tôi cho rằng việc thoái vốn này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt đông và kết quả của FPT do SCIC chỉ sở hữu 6,05% tại FPT và cũng không có vai trò đáng kể trong việc quản trị điều hành FPT.
Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng lợi nhuận 8% năm 2013 và 14% năm 2014. Cổ phiếu FPT đang giao dich với PE dự phóng 7x so với PE trung bình ngành 15x.
4- NTP: Ban lãnh đạo của công ty sẽ có những thay đổi
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
SCIC có kế hoạch thoái vốn tại 376 doanh nghiệp trong đó có hai công ty dẫn đầu lĩnh vực nhựa xây dựng là nhựa Bình Minh (BMP) và nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) trong vòng 2 năm tới.
Hiện SCIC đang nắm giữ 37% cổ phần của NTP, cao hơn so với cổ phần nắm giữ của SCIC trong BMP (29,5%) . Trong trường hợp, phần vốn của SCIC chuyển sang một cổ đông lớ n khác, chúng tôi không loại trừ khả năng ban lãnh đạo của công ty sẽ có những thay đổi. Do vậy, đường lối chiến lược sau này của các công ty phụ thuộc vào việc sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông lớn.
Xét riêng NTP, chúng tôi cho rằng kế hoạch thoái vốn của NTP ít gặp trở ngại trong việc tìm đối tác để mua lại số cổ phần trên do hoạt động kinh doanh của NTP tăng trưởng ổn định với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kỳ vọng khoảng 11% trong vòng 3 năm tới. Ngoài ra, NTP cũng giữ mức cổ tức tiền mặt ổn định trong nhữ ng năm qua với lợi suất khoảng 6%.
Mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt Nawaplastic rất quan tâm đến NTP (Nawalplastic hiện đang nắm giữ lên tới 23,8 % cổ phần của NTP), nhưng nhà đầu tư ngoại khó có thể mua được số cổ phần này do cổ phiếu này chỉ còn khoảng 2% room cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp NTP được xem xét nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có cơ hội tăng tỷ lệ sở hữu của NTP.
NTP đã công bố chia 1.500 đồ ng/cổ phiếu cổ tức tiền mặt trong tháng 12, tương đương lợi suất cổ tức 2,5%. Ngày giao dịch không hưởng quyền vào ngày 9/12/2013 và ngày thực hiện là ngày 26/12/2013. Với tổng cổ tức tiền mặt năm 2013 là 3.500 đồng (2.000 đồng cổ tức cho năm 2012 đã chi trả vào tháng 6/2013 và 1.500 đồng cổ tức sẽ chi trả trong tháng 12/2013), lợi suất cổ tức của NTP vào khoảng 6%/năm, cao hơn lợi suất cổ tức của BMP (4%).
Doanh thu 9 tháng năm 2013 đã tăng 7% cùng kỳ lên 1.831 tỷ đồng nhờ sản lượng bán hàng tăng. Lợi nhuận gộp biên cải thiện từ 32% trong 9 tháng năm 2012 lên 36% trong 9 tháng năm 2013 nhờ giá hạt PVC giả m 6% cùng kỳ so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính ròng đã giảm 4 7 % cùng kỳ xuống còn 16 tỷ đồng do chi phí lãi vay giảm.
Tuy nhiên, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng mạnh từ 15,6 % trong 9 tháng năm 2012 lên 20,4 % trong 9 tháng năm 2013. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 9,6 % cùng kỳ lên 216 tỷ đồng.
Thanh Thuý (ĐTCK)