Thời sự
4 định hướng cho công nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập
Thanh Huyền - 18/11/2015 19:50
Sáng 18/11, Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức Hội thảo “Chiến lược phát triển công nghiệp của Việt Nam khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”.
GS-TS. Kim InHo Stephen, Đại học Hangyang chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghiệp của Hàn Quốc tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, ngành công nghiệp Việt Nam trong thời gian qua có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế, nhưng mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam trở thành thành nước công nghiệp hiện đại đang gặp khó khăn. Trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán và tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới bao gồm cả TPP, công nghiệp Việt Nam được xác định là ngành được chú trọng tập trung phát triển.

Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sau 30 năm đổi mới, chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam đối với ngành công nghiệp và xây dựng đã tăng từ 25,1% (giai đoạn 1987-1991) lên 41,24% (giai đoạn 2010-2013). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lại có tốc độ tăng rất thấp, từ 17,22% lên 18,88%. “Việt Nam tính cả xây dựng vào trong công nghiệp nên tỷ trọng rất lớn, chứ nếu loại xây dựng ra thì công nghiệp không đáng bao nhiêu”, ông Trần Đình Thiên nhận xét.

PGS-TS. Trần Đình Thiên cho rằng, công nghiệp Việt Nam hiện nay có 3 đặc trưng cơ bản, một là đẳng cấp rất thấp, cơ bản gia công lắp ráp, khai thác tài nguyên, thiếu công nghiệp hỗ trợ một cách nghiêm trọng. Đặc trưng thứ 2 là lệ thuộc nước ngoài quá nhiều trong vấn đề nhập khẩu đầu vào, làm méo mó công nghiệp Việt Nam. Thứ 3 là doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và rất phân tán, thiếu các tập đoàn tư nhân mạnh.

Hiện nay, thế giới đang trong giai đoạn chuyển sang sử dụng công nghệ cao, các quốc gia và doanh nghiệp muốn giành được lợi thế đều cần tận dụng vấn đề này. Việt Nam muốn tiến nhanh, hội nhập tốt thì định hướng công nghiệp cao phải là chủ đạo. Samsung kêu gọi Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của họ, nhưng muốn bám vào không dễ tí nào. Tuy nhiên, thế giới và đa số người Việt Nam có niềm tin chung là khả năng trỗi dậy của Việt Nam trong thời gian tới rất lớn, PGS-TS. Trần Đình Thiên nói và đưa ra 4 định hướng lớn cho nền công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới:

(1) Thoát khỏi lệ thuộc nước ngoài về mặt kinh tế. GDP hàng năm của Việt Nam đạt khoảng 200 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 60 tỷ USD, do đó Việt Nm vẫn cần nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng không được lệ thuộc.

(2) Việt Nam phải thoát khỏi cách phát triển là nhân công rẻ, gia công lạm phát, dễ làm khó bỏ. Định hướng công nghệ cao phải học Hàn Quốc triệt để.

(3) Đưa nền kinh tế Việt Nam kết nối được với chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Samsung và LG chọn Việt Nam làm nơi lắp ráp, nhưng nếu vài ba năm nữa không có tiến triển thì họ cũng bỏ đi mất. Hàn Quốc cũng nên giúp VN tạo ra điều đó, nếu chỉ đầu tư mà không tạo năng lực thì tính bền vững của triển vọng bị hạn chế.

(4) Cuối cùng, Việt Nam muốn có lực lượng tốt để đối ứng với các doanh nghiệp FDI thì phải tạo ra lực lượng doanh nghiệp nội địa mạnh. Điểm mấu chốt là làm sao có chương trình quốc gia phát triển doanh nghiệp nội địa phải đạt đến đẳng cấp của hội nhập chứ không phải mở cửa cách đây 30 năm.

Tin liên quan
Tin khác