Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản vừa công bố 4 nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu thủy sản sụt giảm trong mấy tháng đầu năm.
| ||
Nhiều DN phá sản, ngừng hoạt động khiến xuất khẩu thủy sản suy giảm |
Thứ nhất, nguồn cung nguyên liệu không ổn định. Theo đó, dù đã tìm ra nguyên nhân của Hội chứng tôm chết sớm là do vi khuẩn Vibrio, nhưng trong quý I năm nay diện tích nuôi tôm ở 7 tỉnh trọng điểm ĐBSCL Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang đã bị giảm và thiệt hại đáng kể, đặc biệt là tôm sú, dẫn đến nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt.
Đối với các sản phẩm khai thác, dù sản lượng thực tế tăng nhưng thiếu sản phẩm đủ tiêu chuẩn cho XK do bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chưa tốt, nhất là với mặt hàng cá ngừ. Các mặt hàng khác như mực, bạch tuộc và cá biển khác đều bị sụt giảm sản lượng vì chi phí khai thác cao.
Thứ hai, do nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường chính sụt giảm bởi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm 6,3%, sang EU giảm gần 9% và sang Nhật Bản giảm 7,6%.
Thứ ba, các rào cản kỹ thuật và thuế quan tại các thị trường nhập khẩu, bao gồm: Quy định của Nhật Bản và Hàn Quốc kiểm tra Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu của Việt Nam với mức giới hạn quá thấp 0,01ppm khiến cho cánh cửa vào những thị trường chủ lực này bị thu hẹp. Bên cạnh đó, mặt hàng cá tra và tôm còn bị áp lực bởi kết quả xem xét hành chính POR8 thuế chống bán phá giá và mặt hàng tôm đứng trước nguy cơ bị áp thuế chống trợ cấp.
Thứ tư, nhiều DN ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do đơn đặt hàng thấp, thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng và thiếu chính sách hỗ trợ từ nhà nước.
Hà Tâm