Thời sự
42 chất vấn bằng văn bản gửi thành viên Chính phủ
An Nguyên - 19/06/2020 21:54
Tất cả nội dung trả lời chất vấn đều được công khai trên cổng thông tin điện tử của Quốc hội
TIN LIÊN QUAN
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại cuộc họp báo.

Quốc hội khoá XIV vừa bế mạc kỳ họp thứ 9, kỳ họp không có hoạt động chất vấn như thường lệ.

Vậy đã có bao nhiêu đại biểu thực hiện quyền chất vấn bằng văn bản, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn có được công khai hay không là câu hỏi được đặt ra tại cuộc họp báo công bố kết qủa kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, chiều muộn 19/6.

Trà lời câu hỏi này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đã có 42 văn bản chất vấn của đại biểu gửi đến các vị bộ trưởng và người nhận đang chuẩn bị trả lời, tất cả nội dung đều được công khai trên cổng thông tin điện tử của Quốc hội.

Phóng viên Đài Phượng Hoàng (Hồng Kông - Trung Quốc) nhắc lại phát biểu của Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ đối tác quan trọng nhất và muốn biết Quốc hội đã nghiên cứu đề xuất này thế nào.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã yêu cầu đẩy mạnh du lịch nội địa, căn cứ tình hình và khả năng kiểm soát dịch bệnh để mở cửa du lịch nước ngoài.

Việc mở cửa cho khách quốc tế đến Việt Nam cần đánh giá thận trọng, một số nước khác cũng thế,  ông Phúc nói.

Trước phần hỏi đáp, thông tin chung về kết quả kỳ họp, Phó Tổng thư ký Nguyễn Mạnh Hùng  khái quát, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác; giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác.

Trong số luật được thông qua có ba luật quan trọng với cải thiện môi trường đầu tư .

Cụ thể, Luật Đầu tư được sửa đổi nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế trong hoạt động đầu tư kinh doanh… với nhiều quy định mới như: phân định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng; bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; quy định có tính nguyên tắc về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; nguyên tắc, điều kiện áp dụng, chính sách ưu đãi đầu tư; ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt; việc chấp thuận chủ trương đầu tư và các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện...

Luật Doanh nghiệp được sửa đổi nhằm nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư… với nhiều nội dung mới như: sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước; sửa đổi quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% xuống 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên có quyền tiếp cận thông tin về tình hình hoạt động của công ty và triệu tập họp đại hội đồng cổ đông; bổ sung trường hợp ngoại trừ đối với quy định bổ nhiệm thành viên Hội đồng thành viên không quá 2 nhiệm kỳ; quy định đối tượng tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự; bỏ thủ tục báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp, thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh; quy định chi tiết quyền, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán thuộc Hội đồng quản trị; làm rõ đối tượng được mua và chuyển nhượng trái phiếu...

 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý để ổn định và nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của hình thức đầu tư đối với các dự án PPP. Luật gồm 11 chương, 101 điều, quy định về: lĩnh vực đầu tư dự án PPP tập trung vào 5 nhóm quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội, hạ tầng công nghệ thông tin; quy mô dự án PPP; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu được áp dụng đối với các dự án PPP; các nội dungKiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trong đầu tư theo phương thức PPP; hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước; quy định dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng xây dựng-chuyển giao...

Tin liên quan
Tin khác