Tạm dừng thu phí tại 2 trạm BOT do Đức Long – Gia Lai quản lý
Cuối giờ chiều 8/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có công văn rút chỉ đạo tạm dừng thu phí tại Trạm Km1610+800 và Trạm Km1667+470, Quốc lộ 14.
Hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm BOT do Đức Long - Gia Lai vẫn sẽ diễn ra bình thường. |
Trong công văn số 4395/TCĐBVN – KHCN gửi Cục Quản lý đường bộ III; Công ty cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, ngày 8/7/2019, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án Dự án mở rộng Quốc lộ 14 đoạn Tp. Pleiku đến cầu 110 đã đàm phán và ký kết Phụ lục hợp đồng về việc triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng với Bộ GTVT.
Do đó, việc tạm dừng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí Km1610 + 800 và trạm thu phí Km1667+470, Quốc lộ 14 theo văn bản số 4366/TCĐBVN – KHCN ngày 5/7/2019 sẽ không thực hiện.
Trong công văn số 4366, với lý do nhà đầu tư chưa chịu ký phụ lục hợp đồng BOT để triển khai thu phí tự động không dừng trước ngày 7/5, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ III phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương, doanh nghiệp dự án tạm dừng thu phí tại trạm thu phí Km1610 + 800 và trạm thu phí Km1667+470, Quốc lộ 14 cho đến khi nhà đầu tư ký phụ lục Hợp đồng.
Hà Nội đổi phương thức đầu tư tuyến metro số 3
Hà Nội đã mở “lối thoát” cho việc đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai (Metro số 3) bằng phương án sử dụng vốn ODA.
Hà Nội đã mở “lối thoát” cho việc đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai (Metro số 3) bằng phương án sử dụng vốn ODA. |
Ngày 8/7, Kỳ họp thứ 9, HĐND TP. Hà Nội khóa XV chính thức diễn ra để xem xét tình hình nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm và giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2019. Tại kỳ họp này, UBND TP. Hà Nội trình HĐND về việc đưa Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương (vốn vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài).
Theo Tờ trình số 90/TTr-UBND ngày 19/6/2019, Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1,75 tỷ USD (tương đương hơn 40.576 tỷ đồng), trong đó, vay ODA dự kiến hơn 1,48 tỷ USD (khoảng 32.296 tỷ đồng), vốn đối ứng của ngân sách Thành phố là 271 triệu USD (khoảng 6.280 tỷ đồng). Chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến là 86,1 triệu USD (1.993 tỷ đồng).
Trong Tờ trình, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu, đây là dự án quan trọng quốc gia và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội, Chính phủ là cơ quan thẩm định và trình để Quốc hội phê duyệt dự án này. Song, do UBND TP. Hà Nội là chủ đầu tư, nên HĐND vẫn phải quyết định danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương, theo Luật Quản lý nợ công.
Báo cáo của UBND trình HĐND TP. Hà Nội cũng lý giải, đây vẫn là khoản vay ưu đãi với thời gian ân hạn dài, lãi suất 1 - 4%/năm, thấp hơn nhiều so với huy động từ trái phiếu chính quyền địa phương (khoảng 7 - 8%/năm). Vì vậy, dự kiến, dự án này sẽ vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và một số nhà tài trợ khác, cùng với vốn đối ứng của chính quyền Thành phố.
Giải trình về khả năng cân đối vốn cho dự án này, lãnh đạo Hà Nội cho biết, ADB đã cam kết tài trợ 450 triệu USD trong chương trình tài trợ cho Việt Nam giai đoạn 2020 - 2022 và khẳng định sẽ đưa dự án vào danh mục vay vốn của ADB, nếu Hà Nội lựa chọn đầu tư dự án bằng vốn ODA.
Về nguồn vốn đối ứng 6.280 tỷ đồng, Hà Nội dự kiến thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 353.000 - 358.000 tỷ đồng/năm, đảm bảo bố trí đối ứng thực hiên Dự án từ năm 2021 đến 2025.
Hà Nội dự kiến bắt đầu lộ trình trả nợ vay triển khai dự án từ năm 2026 (sau khi hoàn thành xây dựng và hết thời gian ân hạn từ 5 - 10 năm), việc trả nợ thực hiện theo chu kỳ bán niên (6 tháng một lần) trong vòng từ 20 - 30 năm, tùy điều kiện vay của từng nhà tài trợ.
Chính phủ thúc hoàn thiện Nghị định về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT).
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Thông báo nêu rõ, Thường trực Chính phủ đã họp, cho ý kiến về nội dung dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT. Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các cơ quan liên quan và đã tiếp thu, giải trình. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn có ý kiến khác nhau về hình thức thanh toán cho nhà đầu tư.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp để hoàn thiện dự thảo, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Nghị định. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương có ý kiến bằng văn bản gửi cơ quan soạn thảo Nghị định là Bộ Tài chính trước ngày 10/7/2019 để tổng hợp, đảm bảo nội dung Nghị định phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung thêm hình thức thanh toán cho Nhà đầu tư Dự án BT đã được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 14/6/2019: "Xác định rõ phạm vi áp dụng dự án BT và nghiên cứu phương án đấu giá quyền sử dụng đất để thanh toán trực tiếp cho các công trình hạ tầng đầu tư theo hình thức BT" như ý kiến của Kiểm toán Nhà nước.
Đồng thời bổ sung thêm quy trình thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về Ngân sách nhà nước; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện hướng dẫn nội dung này.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các pháp luật liên quan, hướng dẫn nội dung liên quan đến trách nhiệm của Bộ về lựa chọn nhà đầu tư khi Nghị định này được thông qua; nghiên cứu quy định hình thức đấu thầu đồng thời Dự án BT kết hợp với xác định giá trị tài sản công (bao gồm quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư.
422 dự án đầu tư công gây thất thoát, lãng phí
Báo cáo Chính phủ về công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vẫn còn rất nhiều dự án sử dụng vốn nhà nước có vi phạm, gây thất thoát, lãng phí.
Cụ thể, qua kiểm tra, trong năm đã phát hiện 25 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 54 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 422 dự án có thất thoát, lãng phí; 450 dự án phải ngừng thực hiện.
Không chỉ tổng hợp số lượng dự án có vi phạm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn “điểm mặt, chỉ tên” các địa phương có nhiều dự án gây thất thoát, lãng phí.
Nhiều nhất là tỉnh Bắc Giang - có 196 dự án, tiếp đó là Phú Thọ - có 111 dự án, Quảng Ngãi - có 58 dự án.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì các dự án có thất thoát lãng phí chủ yếu là các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán.
Thêm một dự án Nhà máy điện mặt trời trên 1.000 tỷ đồng tại Khánh Hòa
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án Nhà máy điện mặt trời Cam Lâm Việt Nam tại xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa.
Theo đó, Dự án Nhà máy điện mặt trời này với công suất 50MWp, tổng vốn đầu tư 1.150 tỷ đồng do nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Cam Lâm Solar (Bãi Dài, phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) thực hiện tại diện tích khu đất thực hiện dự án khoảng 75ha tại xã Cam An Bắc.
Trước khi triển khai xây dựng, nhà đầu tư phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án theo quy định; thực hiện các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông, phòng cháy chữa cháy liên quan đến dự án theo đúng quy định hiện hành; cam kết hỗ trợ, sử dụng lao động tại địa phương, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi dự án, đặc biệt là lao động phổ thông trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy…
Quảng Ninh đầu tư hơn 9.781 tỷ đồng làm hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục
Tại kỳ họp thứ 12 – kỳ họp bất thường của HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020 cho dự án Hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục.
Theo đó, dự án Hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục có tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 9.781 tỷ đồng sẽ được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, kế hoạch vốn giai đoạn 2018-2020 là 3.015 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 là hơn 6.766 tỷ đồng.
Hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục sẽ là công trình mang tính chiến lược của tỉnh Quảng Ninh. |
Trong khi đó, với kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND và Nghị quyết số 151/2018/NQ-HĐND, vốn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020 bố trí cho dự án mới là 1.015 tỷ đồng.
Để đảm bảo bố trí vốn, theo ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo số 2885/BC-BKHĐT ngày 06/5/2019 và tờ trình của UBND tỉnh, tại kỳ họp thứ 12 vừa qua, HĐND tỉnh đã đồng ý nguồn vốn bổ sung 2.000 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, thuê đất, để bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020 cho dự án Hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục.
Trước đó, tháng 2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục. Hầm sẽ có tổng chiều dài 2.750 mét, điểm đầu tại khu vực nút giao Vườn Đào, phường Bãi Cháy, điểm cuối kết nối vào đường ven biển khu đô thị Vinhomes Bến Đoan, phường Hòn Gai.
Hầm có 6 làn xe cơ giới, là hầm vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực chịu được động đất cấp 7, trang bị các hệ thống hiện đại. Công trình sẽ giúp kết nối hai khu vực phía Đông và phía Tây của thành phố Hạ Long, các khu vực Cẩm Phả, Vân Đồn, tuyến Hà Nội - Hải Phòng, đồng thời giảm tải mật độ lưu thông qua cầu Bãi Cháy, đặc biệt an toàn hơn khi có mưa bão.
Dự kiến, công trình sẽ được khởi công trong năm nay và hoàn thành năm 2025.