Cụ thể, trên địa bàn thành phố có 626 km đê sông và 41 tuyến đê bao, đê bối và 132,84 km đê chuyên dùng chưa được phân cấp, cùng các tuyến đê nội đồng chống úng ngập. Do biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của thủy điện Hòa Bình, những năm gần đây, nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhiều hộ dân sinh sống ven sông.
Tình trạng ngập úng tại huyện chương Mỹ, Hà Nội vào mùa mưa năm 2018 |
Tính đến tháng 7/2019, trên địa bàn Thành phố có 68 xã, phường với tổng số 43.413 hộ gia đình có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Trong đó, số hộ cần di chuyển trong năm 2019 là 843 hộ; số hộ cần ổn định tại chỗ 25.062 hộ; số hộ cần phải đi dời do ô nhiễm môi trường 351 hộ; số hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhưng chưa phải di dời, ổn định tại chỗ 17.157 hộ.
Trong 18 huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố, có 5 huyện (Thanh Oai, Phú Xuyên, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm) chưa xuất hiện các điểm sạt lở, sụt lún mới; có 8 huyện, thị xã (Ứng Hòa, Mỹ Đức, Đông Anh, Sơn Tây, Sóc Sơn, Thường Tín, Đan Phượng, Chương Mỹ) tăng số hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Riêng huyện Đan Phượng và thị xã Sơn Tây tăng số hộ bị ô nhiễm môi trường cần phải di dời. Có 5 huyện (Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Mê Linh, Quốc Oai) có số hộ nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai giảm so với năm 2018.
Trong năm 2019, trên địa bàn Thành phố xuất hiện sự cố sụt, lún tại thôn Hòa Lạc, xã An Tiến (huyện Mỹ Đức). Về việc này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo UBND thành phố.
Do chưa có quy hoạch bố trí dân cư giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, nên các huyện trên địa bàn TP. Hà Nội bố trí ổn định dân cư theo đặc thù của từng huyện. Năm 2018, đã xây kè ổn định tại chỗ được 902 hộ (Huyện Phú Xuyên 606 hộ; huyện Mê Linh 16 hộ; huyện Thường Tín 280 hộ). UBND các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Thường Tín, Gia Lâm đề xuất danh mục các dự án xử lý cấp bách chống sạt lở, xử lý sạt lở bờ sông, chống sạt lở bờ kè... để bố trí ổn định dân cư tại chỗ năm 2019.