Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN TP. Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho biết, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ kéo dài hơn 20 ngày vừa qua, kể từ ngày 20/7, tại một số địa phương trên địa bàn Hà Nội đã bị ngập lụt và thiệt hại khá nặng. Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất là “rốn lũ” Chương Mỹ.
"Rốn lũ" Chương Mỹ trong những ngày lũ lụt vừa qua (Ảnh minh họa: Internet) |
Ghi nhận tại các địa phương cho thấy, tại huyện Chương Mỹ, có 1.202,6ha trồng lúa bị ngập trắng, 271,3ha hoa màu bị dập nát toàn bộ, 10.205ha cây lâu năm bị úng ngập, 603,5ha thủy sản bị ngập…; Tại huyện Quốc Oai có 1.665ha trồng lúa bị ngập trắng, 72ha hoa màu bị dập nát toàn bộ, 160ha thủy sản bị ngập…; Tại huyện Thạch Thất có 636,68ha trồng lúa ngập trắng, 18,5ha thủy sản bị ngập...
Tổng hợp số liệu thiệt hại tại 10 huyện ngoại thành Hà Nội cho thấy, có 4.425,48ha trồng lúa bị ngập trắng, 519,3ha hoa màu bị dập nát toàn bộ, 883,4ha nuôi trồng thủy sản bị ngập… gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 4.655 hộ gia đình với 22.359 nhân khẩu. Cùng với đó, hệ thống kênh mương bị hư hỏng 11.860m; chiều dài đê, hồ đập bị sạt lở 12.110m; có 33 cầu, cống bị hư hỏng…
Về công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, ông Đỗ Đức Thịnh thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp đã được bơm tiêu thoát, diện tích lúa ngập trắng có 40% phải cấy lại, diện tích hoa màu bị dập nát một phần đang được bà con chăm sóc phục hồi. Công tác cứu trợ đảm bảo đời sống nhân dân sau lũ và công tác đảm bảo an toàn đề điều, công trình thủy lợi đã được Thành phố và các cơ quan chức năng vào cuộc nghiêm túc.
Ông Thịnh cho biết thêm, hiện nay, mực nước trên các sông nội địa (sông Tích, sông Bùi) đang ở mức cao, do vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân khi tình huống xấu có thể xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các huyện trong khu vực sông nói trên cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của mực nước trên các sông, kịp thời xử lý khắc phục các sự cố đê điều và chủ động di dời dân khỏi các khu vực nguy hiểm.
Ban Chỉ huy PCTT & TKCN TP. Hà Nội cũng đề xuất: “Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội nghiên cứu và có lế hoạch đầu tư nâng cấp để đảm bảo an toàn đê Tả Bùi trong việc phòng chống lũ nội tại, cũng như khả năng chịu lũ rừng ngang và lũ từ tỉnh Hòa Bình đổ về. Đồng thời, gia cố an toàn đê Hữu Bùi tại một số tuyến đê bao, đê bối để bảo vệ cơ sở hạ tầng và các khu dân cư”.