Giữ nhân tài không chỉ bằng giá trị hữu hình
So với các năm trước, Lương thưởng không cạnh tranh là lý do thứ hai khiến nhân viên nghỉ việc sau cơ hội nghề nghiệp và phát triển, thì năm 2018, cả hai lý do đều có mức độ quan trọng như nhau.
Điều này chứng tỏ người lao động hiện nay đều có mong muốn được phát triển nghề nghiệp đi kèm với sự tưởng thưởng xứng đáng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng giám đốc Talentnet (phụ trách Dịch vụ Khảo sát lương Mercer và Tư vấn Nhân sự) đánh giá, ngày nay, đại đa số nhân viên của các doanh nghiệp đều thuộc thế hệ trẻ với nhiều khác biệt về hành vi cũng như mong đợi so với những thế hệ trước.
Do đó các doanh nghiệp cũng cần thay đổi mô hình dựa trên các số liệu và dữ liệu chuẩn, cụ thể và cần thiết nhất là công tác giữ chân nhân tài vốn được quyết định bởi nhiều yếu tố - cả hữu hình lẫn vô hình.
“Ngoài sự tiến bộ trong nghề nghiệp, nhân viên cần cảm nhận rõ được sự nỗ lực cũng như sự công nhận từ sự nỗ lực ấy một cách công bằng, xứng đáng. Xét ở góc nhìn này, sẽ thấy một chế độ đãi ngộ phù hợp và chương trình đào tạo phát triển linh hoạt là tối quan trọng”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương chia sẻ.
Theo đánh giá của Talentnet và Mercer, nhìn chung, 2019 được dự đoán là một năm tích cực với sự thích nghi nhanh chóng của các doanh nghiệp trong thời đại số hóa như hiện nay.
Các Doanh nghiệp dần đã đầu tư dài hạn và bài bản hơn vào chiến lược quản tri nguồn nhân lực. Các chiến lược và chiến thuật được các doanh nghiêp sử dụng một cách linh hoạt để đạt được hiệu quả tối đa.
Dù vậy, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, các doanh nghiệp cần cân nhắc các mục tiêu kinh doanh khi thực hiện các chiến thuật này.
Để đưa ra được quyết định kịp thời và chính xác cho nhân viên, các lãnh đạo doanh nghiệp cần nắm bắt được toàn cảnh thị trường thông qua các dữ liệu đáng tin cậy, giảm tránh việc ra quyết định một cách cảm tính, xác định mục tiêu dài hạn của tổ chức, và chia nhỏ các chiến lược để đầu tư đúng người, đúng chỗ.
3 ngành tăng lương cao nhất
Theo Khảo sát, mức tăng lương của năm 2019 được dự đoán tăng nhẹ ở tất các các ngành nghề. Trong đó, ba ngành Công nghệ cao, Dược phẩm, và Hóa chất được dự đoán sẽ vẫn là ba ngành tăng lương cao nhất, bình quân 9%.
Đối với ngành Tài chính – Ngân hàng, dự kiến tỷ lệ tăng lương sẽ là 8.6%, cao hơn 0.8% so với năm 2018. Bên cạnh đó, tỷ lệ thưởng của các công ty trong nhóm ngành này của năm 2018 cũng thuộc tốp hàng đầu (25.4%) so với thị trường, chứng tỏ hiệu quả kinh doanh tốt cũng như việc tích cực khai phá tiềm năng của thị trường Việt Nam từ nhóm ngành ngân hàng cả trong và ngoài nước.
Xét về các cấp bậc, mức tăng lương của năm 2019 được dự kiến sẽ tăng nhẹ so với năm 2018 ở cấp lãnh đạo, điều hành và quản lý, trong khi tỷ lệ tăng gần như không đổi ở các cấp nhân viên và lao động phổ thông.
Sự phân bổ này cũng tương tự với tỷ lệ thưởng trong năm 2018, khi mức thưởng cho các vị trí lãnh đạo, Ban điều hành hay cấp quản lý duy trì ở mức cao nhất so với các cấp bậc khác (tương ứng 21.3%, 19%, 17.1% của năm 2018).