Thời sự
5 dấu ấn của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII
Quang Hà - 28/11/2014 08:26
Theo chương trình nghị sự, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII sẽ bế mạc chiều nay, kết thúc 44 ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm. Kính mời độc giả Báo Đầu tư điện tử - nhìn lại những dấu ấn quan trọng tại kỳ họp này
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII
Vận hành tòa nhà quyền lực nhất cả nước
Quốc hội không được làm việc “con cà, con kê”
   
  Ngày đầu tiên, Quốc hội họp ở Hội trường Ba Đình mới. Ảnh: Đức Thanh  

1. Trở về “mái nhà xưa”

Sau 5 năm với chẵn 10 kỳ họp “nhờ” tại Hội trường Bộ Quốc phòng để dành mặt bằng xây dựng Nhà Quốc hội mới, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII đánh dấu sự trở lại của Hội trường Ba Đình - nay đã được xây dựng lại, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 12/1/2009. Khối lượng thi công phần kết cấu công trình và hoàn thiện Hạng mục công trình Nhà Quốc hội khoảng hơn 92.000m3 bêtông và 16.000 tấn thép; khoảng 676 tấn thép kết cấu mái; khối lượng ốp, lát đá khoảng 43.000m2.

Riêng vách kính mặt đứng của toà nhà cũng khoảng 12.000m2, kính nội thất khoảng 5.000m2, trần và vách thạch cao khoảng 49.000m2. Công trình cũng ngốn khoảng 24.000m2 tường gỗ; 22.000m2 thảm; 1.220 bộ cửa (cửa gỗ, cửa thép và khung nhôm kính).

Phòng họp Quốc hội có 575 ghế có bàn của đại biểu phòng họp Quốc hội và 339 ghế khách mời; 1.200m2 vách gỗ tường; khoảng 4.100m2 trần kim loại. Tính toàn bộ các phòng làm việc và phòng họp thì có khoảng 8.000 bộ bàn, ghế, đồ đạc nội thất đã được lắp đặt.

Xem hình ảnh chi tiết về Hội trường Ba Đình mới tại đây.

2. Kỳ họp có số lượng dự án luật được thông qua kỷ lục

   
  Kỳ họp Quốc hội này kéo dài đến 44 ngày làm việc với số lượng dự án luật được thông qua kỷ lục.  

Có tổng cộng 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Ngoài ra, Quốc hội cũng cho ý kiến đối với 12 dự án luật khác. Đây là kỳ họp có số lượng dự án luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại một kỳ họp nhiều nhất từ trước đến nay.

Xem chi tiết lịch trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII tại đây.

Xem chi tiết danh sách các dự án luật và nghị quyết được Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII tại đây.

3. Thực hiện trở lại việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh lãnh đạo chủ chốt.

Sau 2 kỳ họp gián đoạn việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt (lần đầu Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm vào tháng 6/2013, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII), Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII thực hiện trở lại việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt theo Nghị quyết số 35 của Quốc hội.

   
  Quốc hội thực hiện trở lại việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt.  

Số chức danh lãnh đạo được lấy phiếu tín nhiệm lần này là 50 chức danh (thêm 3 chức danh so với lần lấy phiếu tín nhiệm trước là: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Kiểm toán Nhà nước và Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội).

Xem chi tiết kết quả lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh lãnh đạo chủ chốt tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII tại đây.

4. Thủ tướng Chính phủ công bố thực trạng, giải pháp cho vấn đề nợ công quốc gia

Theo đó, nợ công quốc gia thực sự tăng mạnh từ năm 2009, khi Việt Nam tích cực đi vay để kích cầu. Những năm sau đó, kinh tế khó khăn, nguồn thu bị cắt giảm để hỗ trợ doanh nghiệp trong khi các khoản chi cho an sinh, các chương trình mục tiêu quốc gia… không thể cắt giảm khiến cho cơ quan quản lý phải thắt chặt túi tiền dành cho đầu tư. Tỷ trọng chi cho lĩnh vực này giảm từ 21,6% năm 2010 xuống mức 16-17% tổng chi hiện nay.

Để bù đắp, Chính phủ phải phát hành 170.000 tỷ đồng trái phiếu trong 3 năm 2014-2016, bên cạnh con số 225.000 tỷ đã được Quốc hội phê duyệt trước đó cho giai đoạn 2011-2015.Chính điều này đã đẩy nợ công tăng cả về tỷ lệ lẫn số tuyệt đối, từ mức 50% năm 2011 lên 64% GDP năm 2015 (tốc độ tăng nợ khoảng 18-25% một năm).

Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục phải vay nước ngoài (chủ yếu là ODA, vay ưu đãi…) 5-6 tỷ USD một năm, trong đó, cho doanh nghiệp vay lại khoảng 1,5-2 tỷ USD/năm. Các khoản bảo lãnh cho doanh nghiệp đặc thù (dầu khí, điện, hàng không…) vay để làm các dự án trọng điểm cũng khoảng 3-4 tỷ USD/năm, bảo lãnh cho các định chế tài chính đặc thù phát hành trái phiếu 60.000-70.000 tỷ/năm cùng với khoản nợ của chính quyền địa phương tác động mạnh tới nợ công.

Xem chi tiết báo cáo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề nợ công quốc gia tại đây.

5. Xem xét chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành

   
  Phối cảnh Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.  

Sau nhiều năm nghiên cứu, chuẩn bị, ngày 29/10, tại Hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã có báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nhiều đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về “siêu dự án” và đề nghị Quốc hội sớm thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Xem chi tiết tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành tại đây.

Tin liên quan
Tin khác