Bà Sheryl Connelly, Giám đốc Toàn cầu về Xu hướng và Tương lai của Ford Motor |
Cách đây không lâu, có một lý thuyết bất thành văn rằng kích thước đồ vật càng lớn đồng nghĩa chất lượng càng cao. Suy nghĩ này được gán cho mọi thứ, từ tivi đến quần áo, từ nhà cửa đến xe hơi.
Ngày nay, thế giới đang đi theo xu hướng hoàn toàn ngược lại: Mọi người muốn tất cả mọi thứ nhỏ gọn hơn, đơn giản hơn và hiệu quả hơn. Giờ đây, nhỏ hơn là “phi thường” hơn. Sự phát triển này không chỉ đúng cho riêng ngành công nghiệp nào mà trên thực tế có thể được nhìn thấy trong hầu hết mọi mặt của cuộc sống chúng ta. Nhưng nguyên nhân nào nằm sau sự chuyển dịch về tiêu chuẩn này ?
Xu hướng thu nhỏ trong công nghệ
Sự phát triển của công nghệ luôn là một quá trình thú vị. Trong 50 năm, con người đã chứng kiến những chiếc máy vi tính có kích cỡ của một ngôi nhà giờ đây chỉ nhỏ bằng một bàn tay. Bước tiến công nghệ khiến chúng ta hiểu rằng những sản phẩm được tinh giản và thu gọn lại là những sản phẩm mang tính cách mạng nhất. Đơn giản như 20 năm trước, chúng ta vẫn phải mang những chiếc loa trên vai để có thể nghe nhạc trong hai tiếng đồng hồ khi ra ngoài. Ngày nay, chúng ta có thể tận hưởng 20.000 giờ nghe nhạc với những thiết bị nằm gọn trong túi áo với trọng lượng gần như không đáng kể.
Ford đã áp dụng xu hướng này cho một trong những bộ phận quan trọng nhất của ô tô: Động cơ. Động cơ EcoBoost 1.0L của Ford là một trong những động cơ nhỏ nhất trên thị trường hiện nay với sức mạnh không hề thua kém động cơ của một siêu xe. Thực chất, EcoBoost 1.0L là sự kết hợp ba quy trình công nghệ đỉnh cao để hoạt động tốt hơn mà vẫn giảm tới 20% lượng nhiên liệu tiêu thụ. Nhờ đó, khách hàng của Ford có thể dễ dàng chuyển sang sử dụng động cơ hiệu quả và nhỏ gọn hơn.
Sự tiện dụng vượt bậc
Mặc dù các thiết bị công nghệ được thu nhỏ lại, người dùng vẫn có nhu cầu về sự đa năng hơn bao giờ hết; và những thiết bị chỉ có một tính năng đang dần lỗi thời. Ngày nay,chiếc điện thoại chúng ta mang theo còn kiêm cả vai trò của máy ảnh kỹ thuật số, máy nghe nhạc MP3, máy thu âm, công cụ lên kế hoạch, máy chơi game hay lướt web.
Các công ty như Jawbone và Apple đã nâng cấp chiếc đồng hồ thông thường thành một thiết bị điều khiển – không chỉ cho biết thời gian, mà còn giúp theo dõi các hoạt động, thói quen ngủ, nhịp đập tim và chế độ ăn kiêng của người đeo. Những phát minh như vậy xuất phát từ nhu cầu linh động ngày càng lớn của con người.
Người tiêu dùng giờ đây không muốn phải mang theo nhiều vật dụng lỉnh kỉnh bên mình, và sự tự do hơn khi nắm giữ ít thứ hơn trong tay.
Thay đổi cuộc sống
Nguyên tắc vàng của bất động sản luôn là địa điểm, địa điểm và địa điểm. Tuy nhiên sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hoá và cơ hội nghề nghiệp mở rộng khiến các trung tâm thành phố ngày càng đông đúc. Để đương đầu với sự thu hẹp diện tích, dân cư thành phố đang tìm kiếm những cách sống mới để có thể tận hưởng đầy đủ tiện nghi trong không gian nhỏ.
Một trong những giải pháp cho nhu cầu này là căn hộ siêu nhỏ, không gian sống khiêm tốn hơn chứa từ một đến sáu phòng. Được gọi là “căn hộ của tương lai” – những không gian hẹp này đang ngày càng phổ biến ở các thành phố lớn như New York, Bangkok, Tokyo và Thượng Hải.
Tái định nghĩa khái niệm “Cao cấp”
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu thực chất cũng cho người tiêu dùng cơ hội để xem xét lại thói quen chi tiêu của mình. Xu hướng phô bày việc chi tiêu và thói khoa trương sự giàu có đã dần phai nhòa, cùng với đó là sự nổi lên của thị trường hàng xa xỉ kiểu mới. Giờ đây sự cao cấp được thể hiện tinh tế hơn rất nhiều khi đa số các xa xỉ phẩm đều gọn ghẽ, tinh giản và cỡ nhỏ.
Thị hiếu toàn cầu này khiến người tiêu dùng không còn lựa chọn những hàng hóa có thiết kế quá bóng bẩy mà chuyển sang những sản phẩm trau chuốt, tao nhã đúng mực hơn.
Chỉ lấy thứ bạn cần
Với tâm lý chung “càng nhiều càng ít” trong xã hội hiện nay, người tiêu dùng giờ đây không còn thích sự thừa thãi mà đang dần chuyển sang tiêu dùng vừa đủ theo nhu cầu. Có thể lấy bát đĩa là một ví dụ tiêu biểu. Vào những năm 30,40 của thế kỷ trước, niềm tự hào của một gia đình chính là một căn bếp hoành tráng. Lúc đó tư tưởng tiết kiệm cũng bị ảnh hưởng do sự hấp dẫn khó chối từ của đồ ăn sẵn hay những ưu đãi giảm giá khi mua số lượng lớn. Thế nhưng hiện nay, người tiêu dùng đã cẩn trọng hơn trong việc tiêu thụ đồ ăn trước xu hướng lên ngôi của thực phẩm “không rác thải”. Người tiêu dùng ngày càng có ý thức hơn và đã tìm cách tái sử dụng đồ ăn thừa. Kể cả các nhà bán lẻ cũng đang đi theo xu hướng này. Nhờ những tổ chức như endfoodwaste.org, các siêu thị trên toàn thế giới đã bắt đầu quảng bá và bán rau củ có bề ngoài không quá tươi ngon chứ không loại bỏ hết như trước đây.
Có thể nói mua sắm một cách thực dụng và thông thái đang là xu hướng tiêu dùng ngày nay. Cung cấp cho người tiêu dùng những thứ họ thực sự cần là điều quan trọng nhất vì ngày nay khách hàng hiểu rõ nhu cầu của mình hơn bao giờ hết. Tạo ra những sản phẩm đơn giản mà bất cứ ai cũng muốn sử dụng mà vẫn kết nối người tiêu dùng với những thứ họ yêu quý chính là kim chỉ nam của các nhà lãnh đạo. Ý tưởng thì đơn giản, nhưng thực hành thì lại không dễ. Nhu cầu mới về sự đơn giản đã trở thành mấu chốt cho rất nhiều kế hoạch kinh doanh, chỉ có điều hầu hết các kế hoạch đó chưa thực sự lâu dài. Nhưng vẫn có một thiểu số đã làm được và tạo nên những bước tiến vượt bậc, cho phép chúng ta học hỏi, sống trọn vẹn hơn với ít hơn.
Năm 2013, tạp chí Fast Company đã vinh danh bà trong hạng mục giải thưởng Doanh Nhân Sáng Tạo Nhất lần thứ 24.
(*) Tiêu đề bài viết do Toà soạn đặt