Thời sự
5 “hòn đá tảng” chặn đường phát triển của TP.HCM
Hồng Phúc - 13/05/2021 11:40
Đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, nhưng tỷ lệ tổng chi ngân sách trên tổng thu lại thấp nhất là một trong 5 "hòn đá tảng" chặn đường phát triển của TP.HCM.

TP.HCM là địa phương có tỷ lệ đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước (khoảng 27%), nhưng tỷ lệ tổng chi ngân sách trên tổng thu ngân sách trên địa bàn thấp nhất cả nước. 

"Từ năm 2017, tỷ lệ phân chia nguồn thu cho ngân sách Thành phố giảm từ 23% xuống còn 18%. Trong khi đó, nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn cho ngân sách Thành phố", ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.

Nghịch lý này được lãnh đạo TP.HCM cho là một trong 5 khó khăn, thách thức tác động lớn đến sự phát triển nhanh, bền vững của Thành phố. 

Landmark 81 là một trong những biểu tượng mới của TP.HCM (Ảnh: Lê Toàn).

Trong năm 2020, Thành phố đã xây dựng Đề án “Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022-2025”, tổ chức trên 30 cuộc họp và xây dựng hơn 12 kịch bản tỷ lệ điều tiết theo phương pháp nghiên cứu khoa học. 

Kết quả dựa trên chuỗi số liệu từ các kịch bản cho thấy phương án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết là 23% cho giai đoạn 2022-2025 như giai đoạn 2011-2016 đã cho kết quả tối ưu, đảm bảo đáp ứng được tất cả các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí số thu ngân sách chuyển nộp về ngân sách Trung ướng tăng so với trường hợp Trung ương vẫn giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 18% cho ngân sách Thành phố. 

Trước đó, căn cứ tình hình thực tế về diễn biến tình hình đại dịch đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp làm tác động tiêu cực đến số thu ngân sách trên địa bàn, Thành phố đã cập nhật lại số dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2020 (đạt hơn 91,% dự toán) để làm cơ sở đánh giá tác động đến khả năng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2030

Ngày 20/08/2020, Thành uỷ TP.HCM đã có tờ trình số 189 kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố giai đoạn 2022-2025 là 23%.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ được tổ chức sáng nay, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính ủng hộ chủ trương và quan tâm, chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Thành phố cùng các cơ quan liên quan hoàn chỉnh Đề án Điều chỉnh tỷ lệ lệ điều chỉnh ngân sách cho Thành phố. 

Công nhân làm việc trong một nhà máy may tại TP.HCM (Ảnh: Lê Toàn).

Cùng với đó, hoàn thiện tờ trình của Chính phủ trình cấp có thẩm quyền, thông qua Đề án trong năm nay nhằm tăng thu ngân sách chuyển cho Trung ương và tạo tiền đề để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.

Ngoài chướng ngại về tỷ lệ điều tiết ngân sách, TP.HCM đang vấp phải sự quá tải về hạ tầng kinh tế xã hội ngày càng gia tăng. TP.HCM chỉ xây mới và cải tạo được 2.757 km/6.000 km hệ thống cống thoát nước (chỉ đạt hơn 45% quy hoạch); Thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng nước biển dâng, bình quân từ 0.5-1 cm/năm và hiện tượng sụt lún bình quân 1cm/năm,…

Ngoài ra, Thành phố có hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước, chiếm hơn 22% GDP cả nước song việc thu hút đầu tư nước ngoài chưa vượt trội. 

Cụ thể, số vốn bình quân đầu tư trên mỗi dự án chưa đạt 1 triệu USD; quy mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 98% với số vốn đăng ký chỉ chiếm hơn 27% tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp trên địa bàn.

TP.HCM cũng là địa phương có năng suất lao động và thu nhập đầu người cao nhất cả nước, gấp 2.7 lần so với mức bình quân. 

Thế nhưng, tỷ suất sinh lại thấp nhất cả nước (khoảng 1.3 trẻ/phụ nữ trong khi tỷ lệ bình quân trên cả nước là 2.1 trẻ/phụ nữ). 

Ông Nguyễn Thành Phong nhận định, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của Thành phố trong tương lai.

Và thách thức với TP.HCM còn đến từ tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp dù đã có vắc-xin điều trị. 

Trên thế giới, số ca nhiễm và tử vong do đại dịch gây ra chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Trong khi đó, là Thành phố có độ mở lớn, hội nhập kinh tế quốc tế rộng sẽ luôn là một trong những địa phương chịu sự tác động mạnh nhất của đại dịch. 

Tin liên quan
Tin khác