Doanh nghiệp
5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, đóng góp gần 100 tỷ USD sau 8 tháng
Thế Hải - 03/09/2019 11:54
Điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; hàng dệt may; giày dép và máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng là 5 mặt hàng nằm trong TOP xuất khẩu trên 10 tỷ USD sau 8 tháng, với tổng giá trị xuất khẩu xấp xỉ 100 tỷ USD.
Tính đến 31/8/2019, cả nước có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bộ Công thương cho biết, tính đến 31/8/2019, cả nước có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Lần lượt các mặt hàng trên 10 tỷ USD gồm: Điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 33 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 21,9 tỷ USD, tăng 14,3%; hàng dệt may đạt 21,7 tỷ USD, tăng 9,8%; giày dép đạt 12 tỷ USD, tăng 13,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 11,3 tỷ USD, tăng 7%.

Một số mặt hàng xuất khẩu trong tháng 8/2019 có kim ngạch tăng so với tháng trước, gồm: Than đá tăng 103,6%; điện thoại và linh kiện tăng 37,8% (chủ yếu do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Glaxy Note 10); điện tử, máy tính và linh kiện tăng 8,6%; đá quý, kim loại quý tăng 3,9%.

Một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng cao: Đá quý, kim loại quý tăng 714,6%; giày dép tăng 14,3%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 12,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 10,1%; điện thoại và linh kiện tăng 7%.

Cộng gộp kim ngạch xuất khẩu của 5 mặt hàng trên 10 tỷ USD sau 8 tháng đã chạm ngưỡng 99,9 tỷ USD.

Từ đầu năm 2019, mặc dù có thâm hụt thương mại trong một vài tháng, nhưng tính chung 8 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn giữ được xuất siêu. Mức thặng dư cán cân thương mại 8 tháng đầu năm là 3,4 tỷ USD.

Với kết quả xuất siêu 3,4 tỷ USD sau 8 tháng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) khẳng định, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2019 đang diễn ra sát với dự báo của Bộ Công thương khi xây dựng kế hoạch xuất khẩu là 6-8% tăng trưởng so với năm trước.

Trong đó, sự tăng trưởng xuất khẩu của các nhóm hàng trên 10 tỷ USD rất có ý nghĩa với việc hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm 2019.

Trước kỳ nghỉ lễ 2/9, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam tại trụ sở Bộ Công thương.

Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam là một trong những công ty FDI lớn nhất tại Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 20,4% trong cơ cấu xuất khẩu năm 2018, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 50 tỷ USD.

Trong năm 2018, doanh thu của Samsung đạt khoảng 216,57 tỷ USD và lợi nhuận đạt 52,44 tỷ USD.

Ông Choi Joo Ho cho biết, từ năm 2015 - 2019, Samsung đã triển khai chương trình tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam do các chuyên gia Samsung Hàn Quốc thực hiện.

“Hầu hết các doanh nghiệp được tiến hành tư vấn cải tiến đều đạt được kết quả cải tiến đáng kể, trên 90% các đề án cải tiến được triển khai có hiệu quả ngay trong thời gian thực hiện hoạt động cải tiến. Kết quả cải tiến giúp doanh nghiệp nâng cao được năng suất từ 10-30%, giảm lãng phí công đoạn, nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Choi Joo Ho cho biết.

Sản lượng sản xuất của Samsung trung bình khoảng 160 triệu thiết bị trong một năm, góp phần giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thiết bị điện – điện tử của thế giới.

Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN. Theo số liệu thống kê, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 29,32 tỷ USD tăng 12,9% so với năm 2017; nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 49,07 tỷ USD tăng 8,4% so với năm 2017, trong đó chủ yếu là xuất khẩu điện thoại của Samsung.

Tin liên quan
Tin khác