Đầu tư Phát triển bền vững
5 nguyên tắc “vàng” nông dân cần nhớ khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Linh Nguyễn - 11/11/2024 18:22
Để nông sản Việt Nam tiếp tục khẳng định được vị thế ở nhiều thị trường, việc quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian tới cần có những thay đổi nhất định.

Đây là nhận định của ông Nguyễn Hữu Quảng, đại diện CropLife Việt Nam tại Tọa đàm "Quy trình nghiên cứu, phát triển và quản lý thuốc bảo vệ thực vật" do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức.

Ông Quảng cho biết, hiện trên thị trường có hơn 800 tên thương phẩm khác nhau của thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, việc nghiên cứu và sản xuất để đưa ra một sản phẩm mới là một thách thức lớn.

“Thuốc bảo vệ thực vật hiện nay là một trong những sản phẩm chịu sự đánh giá an toàn nghiêm ngặt nhất trên thế giới, đòi hỏi quy trình tổng hợp phức tạp và trải qua nhiều bước thẩm định gắt gao. Quá trình này không chỉ kéo dài mà còn rất tốn kém”, ông Quảng nhìn nhận.

Ông Nguyễn Hữu Quảng, đại diện CropLife Việt Nam.

Ông Quảng chia sẻ rằng, có 5 nguyên tắc vàng vô cùng quan trọng mà mỗi nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Việc thực hiện đúng những nguyên tắc này giúp tăng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh,  bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người, môi trường và chất lượng nông sản.

Thứ nhất, là hiểu về hướng dẫn an toàn được ghi trên nhãn. Khi mua chúng ta phải kiểm tra lọ thuốc được đóng gói như thế nào, hướng dẫn có đầy đủ hay không, rồi khi vận chuyển thuốc thì phải vận chuyển bằng cách nào… bà con tuân thủ càng nghiêm khắc càng tốt.

Thứ hai, tuân thủ nghiêm tỷ lệ đong đếm và hướng dẫn xem thuốc đó thuộc nhóm độc thứ mấy, thời gian cách ly bao lâu. Phải đọc kỹ, nếu không hiểu phải hỏi chuyên gia ngay để được giải đáp. Ví dụ nếu có hình con cá gạch chéo tuyệt đối không nên phun thuốc ở những nơi có các loài cá sinh sống.

Thứ ba, phải sử dụng đồ bảo hộ, bảo vệ an toàn cho chính người phun. Đeo kính như thế nào, mặc quần áo ra sao…

Thứ tư, sau khi phun, bình thuốc còn chứa nhiều thuốc bảo vệ thực vật thì cách xử lý như thế nào, xúc rửa bình ra sao… phải tuân thủ nghiêm. Tuyệt đối không được xúc rửa tại những nơi có nước đầu nguồn sẽ ảnh hướng rất nghiêm trọng tới sức khỏe của cả cộng đồng.

Cuối cùng, tuân thủ vệ sinh cá nhân sau khi phun. Vệ sinh kỹ lưỡng mắt, mũi, tai, tới tay chân, và các bộ phận bên ngoài cơ thể. Càng tuân thủ và vệ sinh kỹ thì càng an toàn.

Theo báo cáo của AgBio Investor đầu năm nay, để phát triển một hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật mới, các công ty phải đầu tư trung bình 301 triệu USD và mất khoảng 12,3 năm nghiên cứu. Khoảng thời gian này không chỉ nhằm đảm bảo khả năng kiểm soát dịch hại hiệu quả mà còn phải bảo vệ an toàn cho môi trường và hệ sinh thái, từ đất đai đến nguồn nước và các sinh vật xung quanh. Theo đó, chi phí đảm bảo nghiên cứu an toàn môi trường chiếm tới 2/3 chi phí để đưa 1 sản phẩm ra thị trường.

"Tôi xin nhấn mạnh là hiệu quả, tính an toàn là 2 vấn đề được ưu tiên trước hết trong sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Có 2 giai đoạn chính: Nghiên cứu các hoạt chất và đưa ra thử nghiệm trên đồng ruộng, áp dụng cho tất cả các loại cây trồng và sinh vật hại liên quan tới hoạt chất đó. Quá trình thử nghiệm trên đồng ruộng thường kéo dài khoảng 4 năm và nghiên cứu tính an toàn thì có thể kéo dài tới 20 năm, nhằm đảm bảo sản phẩm mang lại lợi ích cho nông dân và không gây lãng phí tài nguyên.

Bên cạnh đó, còn phải tính tới độ an toàn của hoạt chất đó tới con người, động vật và môi trường đất, nước; sinh vật thuỷ sinh, các loài chim, ong…", vị chuyên gia của CropLife Việt Nam nhấn mạnh.

Nông dân cần có đủ kiến thức để mua và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả. 

Chia sẻ về cách phân loại các nhóm thuốc bảo vệ thực vật, PGS.TS Nguyễn Văn Viên, nguyên Giảng viên Cao cấp Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, để giúp bà con nông dân có thể phân loại được thuốc bảo vệ thực vật, các con đường xâm nhập của thuốc vào cơ thể sinh vật gây hại. Theo đó, thuốc bảo vệ thực vật được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau.

Một là, cần phân loại theo đối tượng sinh vật gây hại cần phải phòng trừ: Thuốc bảo vệ thực vật được chia thành thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ nhện hại, thuốc trừ chuột, thuốc trừ ốc bươu vàng, thuốc trừ cỏ, thuốc điều hòa sinh trưởng thực vật…

Hai là, phân loại theo nguồn gốc: Thuốc bảo vệ thực vật được chia thành thuốc có nguồn gốc tổng hợp hóa học, thuốc có nguồn gốc sinh học (nguồn gốc từ thực vật - còn gọi là thuốc thảo mộc, nguồn gốc từ vi sinh vật), thuốc có nguồn gốc dầu (dầu khoáng, dầu thực vật…)

Ba là, phân loại theo thành phần hóa học: Thuốc bảo vệ thực vật được chia thành: Thuốc trừ sâu clo hữu cơ, Thuốc trừ sâu lân hữu cơ, Thuốc trừ sâu carbamate, Thuốc trừ sâu pyrethroid…Thuốc trừ bệnh chứa đồng, thuốc trừ bệnh chứa lưu huỳnh, thuốc trừ bệnh nhóm lân hữu cơ, thuốc trừ bệnh nhóm carbamate…

Ngoài ra còn phân loại theo dạng thuốc: Thuốc dạng nhũ dầu (ký hiệu EC), dạng vi nhũ (ME), dạng bột thấm nước (WP), dạng bột tan trong nước (SP), dạng hạt (GR), dạng huyền phù đậm đặc (SC)… hoặc căn cứ vào giai đoạn sinh trưởng của động vật gây hại, ví dụ thuốc diệt trứng, diệt sâu non.

"Do đó, bà con hãy là người tiêu dùng thông thái để mua và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả vừa đảm bảo phòng trừ được sâu bệnh, vừa an toàn cho môi trường, con người và đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu.", ông Viên nói.

Tin liên quan
Tin khác