Du lịch
5 tháng đầu năm 2023, Hà Nội thu “khủng" từ du lịch
N.L - 01/06/2023 20:11
Hà Nội đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành du lịch. Trong 5 tháng đầu năm, số lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng 53,9% so với năm 2022.

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong tháng 5/2023 ngành du lịch Thủ đô đón hơn 2 triệu lượt du khách, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt hơn 316.000 lượt, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Tính riêng thị trường nội địa đạt 1,7 triệu lượt khách, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng hơn 7,26 nghìn tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 11,4% so với tháng 4/2023.

Tổng kết 5 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch Hà Nội đã đón hơn 10 triệu lượt du khách, tăng 53,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế ước tính đạt 1,71 triệu lượt, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2022, khách nội địa ước tính đạt 8,4 triệu lượt, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước tính đạt hơn 37.000  tỷ đồng, tăng 92,4% với cùng kỳ năm trước.

Về hoạt động cơ sở lưu trú, tính đến tháng 5/2023, trên địa bàn Hà Nội có 3.756 cơ sở lưu trú với 70.218 phòng. Trong đó, 603 khách sạn đã được xếp hạng từ 1-5 sao. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao đạt khoảng 60%, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, dự kiến từ nay đến cuối năm đơn vị triển khai thí điểm mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và điểm du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số tại huyện Ba Vì.

Tới đây, ngành du lịch Hà Nội tiếp tục tập trung triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch, phát triển các điểm đến, xây dựng các tour, nhóm sản phẩm du lịch mới, tổ chức đa dạng các hoạt động du lịch. Thành phố phối hợp thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch thiết yếu tại các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm như Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương), làng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), làng cổ ở Đường Lâm, khu vực Ba Vì,...

Khách du lịch hào hứng thưởng thức Tết Việt tại làng cổ Đường Lâm.


Đồng thời tổ chức các sự kiện, lễ hội quảng bá du lịch Thủ đô như: Cuộc thi ảnh du lịch Hà Nội, Lễ hội du lịch quà tặng Hà Nội 2023, Festival áo dài Hà Nội. Nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội tới du khách trong nước, quốc tế, các đơn vị sẽ đẩy mạnh tuyên truyền du lịch Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế như CNN và nền tảng mạng xã hội. 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đêm như làm mới các hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, tuyến đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây và khu đô thị Nam vành đai 3 (quận Hoàng Mai); Không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang - Công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng). Phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến du lịch, đặc biệt là các điểm đến di tích, di sản xây dựng các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác các giá trị truyền thống qua đó tạo điểm nhấn của du lịch Thủ đô trong thời gian tới”.

 “Để thu hút du khách Sở Du lịch đề nghị các địa phương cần cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng nội khu, hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng dịch vụ tại các bến cảng đường thủy phục vụ phát triển các tuyến du lịch đường thủy” - bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.

Ngoài các hoạt động tuyên truyền quảng bá, giới thiệu nhiều điểm đến hấp dẫn tới du khách, Hà Nội cần xây dựng hình ảnh là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”, xây dựng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số như website, nền tảng mạng xã hội,… Đồng thời, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu về du lịch trên website du lịch Hà Nội để cung cấp thông tin cho du khách.

Sắp tới, Michelin Guide diễn ra vào tháng 6 tại Hà Nội, được xem là dấu mốc quan trọng, nâng tầm văn hóa ẩm thực Việt. Ngoài ra, sự kiện được mong chờ là cú hích thúc đẩy du lịch Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đến với khách du lịch quốc tế.

Tin liên quan
Tin khác