Loạt "đại bàng" đến “xây tổ”
Theo lý giải từ Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI của Bà Rịa - Vũng Tàu tăng mạnh trong thời gian qua là do có sự góp mặt của dự án “khủng” với tổng vốn đầu tư 730 triệu USD đến từ Tập đoàn đa ngành Hyosung (Hàn Quốc). Đây là nhà máy đầu tiên tại châu Á và hiếm hoi trên thế giới sản xuất sợi sinh học BDO từ đường thô bằng công nghệ mới và hiện đại.
Nhà máy Hyosung tại KCN Phú Mỹ 2, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Ngoài dự án 730 triệu USD nói trên, trong năm 2023, Hyosung Việt Nam cũng đã được Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với dự án nhà máy sợi carbon tại KCN Phú Mỹ 2, thị xã Phú Mỹ. Dự án này có tổng vốn huy động dự kiến 540 triệu USD, với giai đoạn 1 khoảng 120 triệu USD.
Bên cạnh Hyosung, mới đây Tập đoàn phát triển KCN Thái Lan (WHA) với kế hoạch xây dựng các KCN sinh thái thông minh, cụ thể là dự án có quy mô lên đến 1.200 ha đã nhắm điểm đến là Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong buổi gặp gỡ với UBND tỉnh này vừa qua, Chủ tịch của WHA cho biết định hướng trong thời gian tới của tập đoàn là phát triển các KCN sinh thái thông minh, với mục tiêu 5 năm tới đầu tư ít nhất 1 tỷ USD vào các dự án KCN tại Việt Nam. Theo đó, phía WHA đề xuất kế hoạch xây KCN, đô thị, dịch vụ Châu Đức ở huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu với quy mô dự kiến lớn thứ 2 toàn tỉnh.
Hay mới đây, Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) thuộc tập đoàn Petrovietnam (PVN) và nhà sản xuất tháp điện gió từ Hàn Quốc CS Wind cho biết sẽ hoàn thành dự án mở rộng nhà máy sản xuất tháp điện gió đặt tại KCN Phú Mỹ 3 với tổng vốn đầu cho dự án mở rộng sản xuất khoảng 80 triệu USD.
PTSC cũng đang khảo sát dự án điện gió ngoài khơi hợp tác với Sembcorp Utilities Ltd tại khu vực biển Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu điện sang Singapore với quy mô 1,2GW điện carbon thấp.
Tỉnh cũng thu hút một số dự án có vốn đầu tư cao như nhà máy Electronic Tripod Việt Nam với tổng vốn 250 triệu USD hay nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam với tổng vốn hơn 275 triệu USD.
Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu còn liên tục đón dòng vốn mới từ các FDI tên tuổi khác như Heineken, Siam Cement Group, Marubeni, Vard, Austal…
Hội tụ nhiều lợi thế
Nhìn vào thực tế dễ nhận thấy, sở dĩ Bà Rịa - Vũng Tàu vượt mặt các địa phương vốn quen thuộc trong tốp đầu hút FDI như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… là do các yếu tố về số lượng dự án lớn, thâm dụng lao động, quỹ đất khiến các địa phương này không còn nhiều dư địa thu hút đầu tư như Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều này cũng thể hiện thông qua giá thuê bất động sản KCN, theo báo cáo của Công ty cổ phần chứng khoáng SSI cho rằng, trong khi giá bất động sản KCN tại TP.HCM lên tới 275 USD/m2/chu kỳ thuê, Đồng Nai trên 200 USD/m2/chu kỳ thuê, Bình Dương và Long An gần khoảng 190 USD/m2/chu kỳ thuê thì Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ khoảng 128 USD/m2/chu kỳ thuê.
Nói về lý do chọn Bà Rịa - Vũng Tàu làm điểm đến đầu tư, ông Lee Sang-Woon, Phó chủ tịch Tập đoàn Hyosung đánh giá, nơi đây là cửa ngõ hàng hải, có lực lượng lao động dồi dào và trình độ cao, cơ sở hạ tầng tốt và chính sách ưu đãi hấp dẫn.
Còn theo ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương mà JETRO khuyên doanh nghiệp nên đến đầu tư.
Vị này phân tích, Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều lợi thế như: có cảng Cái Mép - Thị Vải giàu tài nguyên dầu khí và có kho tiếp nhận LNG, cung cấp điện ổn định; có 2 trường đại học; nằm kế cận Đồng Nai với Sân bay quốc tế Long Thành (đang xây dựng) và Bình Dương nơi có nhiều nhà máy sản xuất đảm bảo cung cấp cho chuỗi cung ứng.
“Điều quan trọng là, Bộ phận một cửa Nhật Bản đã được thành lập trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để hỗ trợ sâu rộng và giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp Nhật Bản. Tôi tin rằng, đây là yếu tố quan trọng nhất để thu hút đầu tư vào tỉnh”, ông Nobuyuki Matsumoto nêu lợi thế.
Cục Đầu tư nước ngoài cũng nhận định, Bà Rịa - Vũng Tàu hút mạnh vốn FDI nhờ có nhiều lợi thế như cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư.