Chiều ngày 13/3, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết đã có báo cáo nhanh gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về sự việc.
Báo cáo đã phân tích và đề nghị nên đưa việc tuyển dụng, bổ nhiệm, thuyên chuyển các viên chức giáo dục ở cấp huyện về một mối.
Giao tuyển dụng cho ngành giáo dục
Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định 115, ngày 24/12/2010, quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó quy định rõ ở cấp huyện, phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm tham mưu việc tuyển dụng, bổ nhiệm, thuyên chuyển, giáng chức… viên chức giáo dục.
Tuy nhiên, Chính phủ lại có Nghị định số 37, ngày 5/5/2014, quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện), trong đó quy định Phòng Nội vụ tham mưu, giúp UBND huyện việc cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Huyện Krông Pắk tuyển dư thừa hơn 600 giáo viên hợp đồng |
Chính sự lệch pha này mà ở cấp huyện, nhiều nơi chủ tịch huyện giao việc tuyển dụng viên chức giáo dục cho Phòng Nội vụ. Phòng Nội vụ chỉ nắm trường này thiếu bao nhiêu chỉ tiêu nhưng không nắm cụ thể thiếu ở những môn gì, dẫn đến đưa giáo viên về mà bộ môn này dư, bộ môn kia vẫn thiếu.
Sở GD&ĐT Đắk Lắk đề nghị Bộ GD&ĐT có đề xuất Chính phủ thống nhất lại việc tuyển dụng, bổ nhiệm, thuyên chuyển… viên chức giáo dục về cho ngành để tham mưu, theo dõi sát hơn, tránh việc tuyển dôi dư như vừa qua tại huyện Krông Pắk.
Cơ quan tham mưu trong việc tuyển dụng giáo viên còn nhiều chồng chéo, bất cập |
Báo cáo của sở này cũng đề cập, mức lương của nhiều giáo viên quá thấp so với mức sống tối thiểu nhưng công đoàn ngành giáo dục không có ý kiến để bảo vệ quyền lợi giáo viên.
Xin cơ chế đặc thù
Cùng ngày, lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk cho biết, cũng đã có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ về việc giải quyết tình trạng dôi dư hàng trăm giáo viên tại huyện Krông Pắk.
Theo sở này, để giải quyết ổn thỏa tình trạng giáo viên dôi dư, trước mắt huyện Krông Pắk cần rà soát, phân loại là toàn bộ các hợp đồng đã ký trước đây. Đối với các giáo viên đang hợp đồng mà không có vị trí tuyển dụng thì nhất thiết phải chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên cần phải có cách làm phù hợp nhằm ổn định tinh thần cho các giáo viên; đề xuất tỉnh cho cơ chế về tài chính nhằm hỗ trợ các giáo viên này giảm bớt khó khăn sau khi mất việc làm.
Về việc thi tuyển viên chức giáo dục của huyện sắp tới, Sở Nội vụ cho biết đang tham mưu để UBND tỉnh trình Bộ Nội vụ, trình Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế đặc thù.
Hàng trăm giáo viên ở huyện Krông Pắk nguy cơ mất việc do lãnh đạo huyện ký tuyển dư thừa |
Theo đó, đối với trường hợp các giáo viên đáp ứng được về mặt chuyên môn nhưng các tiêu chí khác không đạt yêu cầu vẫn cho thi nhưng có cam kết bổ sung các tiêu chí sau. Đối với trường hợp có trình độ chuyên môn chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của Bộ GD&ĐT thì xem xét vận dụng cho thi tuyển.
Giáo viên bật khóc khi nghe thông báo phải chấm dứt hợp đồng |
Sở Nội vụ cho biết, sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất Chính phủ cho cơ chế đặc thù để huyện Krông Pắk được giản lộ trình tinh giảm biên chế theo nghị quyết của Trung ương. Ngoài các giải pháp trên, huyện Krông Pắk và các huyện khác cần rà soát lại nhu cầu GV trên địa bàn để nghiên cứu điều chuyển số giáo viên dôi dư này về những vùng còn thiếu.
Chưa phát hiện tiêu cực
Ngày 9/3, UBND huyện Krông Pắk họp, thông báo việc hơn 500 giáo viên hợp đồng tuyển dôi dư sắp tới có nguy cơ chấm dứt hợp đồng, mất việc.
Ngay sau khi nhận tin, hàng trăm giáo viên đã kéo lên UBND huyện để phản đối.
Nhiều giáo viên, phụ huynh phản ánh, để được vào dạy hợp đồng đã phải bỏ ra hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để chạy việc.
Đơn cử, bà Đ.T.N (53 tuổi, trú thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk) cho biết, có 3 người con được nhận vào dạy hợp đồng tại các trường trên địa bàn huyện.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết chưa phát hiện tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên |
Để lo việc cho con, bà phải vay mượn, cầm sổ đỏ lấy tiền chạy việc. Hiện sổ đỏ vẫn còn cầm cố trong ngân hàng vì chưa trả hết nợ vậy mà các con của bà đã bị chấm dứt hợp đồng, mất việc.
Tương tự, thầy N.V.T (giáo viên Trường tiểu học Vụ Bổn) trình bày, năm 2015 để được nhận vào dạy tại trường cũng đả phải bỏ ra 120 triệu để lo việc.
Trước những thông tin phản ánh của người dân và các giáo viên, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, khẳng định hiện huyện chưa phát hiện dấu hiệu tiêu cực.
Theo bà Trinh, đến nay UBND huyện chưa nhận được thông tin phản ánh của giáo viên về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu có bằng chứng thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm theo quy định. Ai vi phạm pháp luật cũng phải xử lý, không thể né tránh.
Trong một diễn biến khác, chiều ngày 13/3, một lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đã chỉ đạo cơ quan điều tra vào cuộc xác minh, làm rõ thông tin giáo viên tại huyện Krông Pắk phản ánh phải bỏ tiền chạy việc mới được ký hợp đồng lao động.
Thảo luận về duy trì hay bãi bỏ biên chế trong giáo dục trên thế giới. Nguồn: TS Đỗ Thị Ngọc Quyên