Theo đó, Hà Tĩnh đang là một địa phương có chỉ số GRDP đứng đầu cả nước với 32,94% trong 6 tháng đầu năm. Trong đó nông nghiệp tăng 5,54%, công nghiệp - xây dựng tăng 95,61%, dịch vụ tăng 6,83%.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, 6 tháng đầu năm nhìn chung ổn định và tiếp tục xu thế phát triển; nền kinh tế có diễn biến tích cực nhất kể từ sau tác động của sự cố môi trường biển, tăng trưởng kinh tế đạt cao nhất từ trước tới nay, cơ cấu chuyển dịch mạnh sang công nghiệp, quy mô nền kinh tế được nâng lên theo hướng bền vững.
Cả 3 khu vực kinh tế đều có kết quả tương đối toàn diện, khả quan; nông nghiệp được mùa, hình thành được bộ giống chủ lực, cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng hiệu quả kinh tế, chăn nuôi từng bước khắc phục khó khăn và có bước điều chỉnh theo thị trường; xây dựng NTM kiểu mẫu trở thành phong trào điển hình toàn quốc; công nghiệp là điểm sáng với chỉ số sản xuất toàn ngành tăng trưởng cao nhất cả nước....
Với Hà Tĩnh, có thể khẳng định đây là tỉnh có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm cao nhất từ trước tới nay. Con số qua 6 tháng đầu năm Hà Tĩnh thành lập 449 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 3.386 tỉ đồng; tăng 4,66%(tăng 32,6% so cùng kỳ về vốn đăng ký). Tỉnh này cũng chấp thuận chủ trương đầu tư cho 36 dự án trong nước tổng vốn đăng ký 3.625 tỉ đồng, 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký 22,472 triệu USD.
Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVII. |
Lũy kế đến nay, Hà Tĩnh có 795 dự án trong đó có 742 dự án trong nước số vốn hơn 106.337 tỷ đồng , 71 dự án FDI số vốn gần 12 tỷ USD. Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm ước đạt 5.328 tỉ đồng đạt 56,68%, trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 2.700 tỉ đồng, đạt 79,41% dự toán tăng 133,36% so với cùng kỳ 2017, thu nội địa đạt 2.628 tỉ đồng.
Báo cáo của UBND tỉnh cũng nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế trong phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm, đó là: Trong nông nghiệp, định hướng kết nối thị trường còn hạn chế, sản xuất thiếu liên kết vững chắc; tiêu thụ nông sản hàng hóa phần lớn phụ thuộc vào thương lái. Trong xây dựng NTM, phát triển mới mô hình, loại hình tổ chức sản xuất còn hạn chế, giảm mạnh so với cùng kỳ 2017. Yếu tố thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu đang chủ yếu dựa vào thép. Hoạt động doanh nghiệp đang còn khó khăn; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng; tỷ lệ doanh nghiệp có thuế phát sinh đạt thấp. Tiến độ một số dự án trọng điểm còn chậm, vướng mắc...
Tại kỳ họp lần này, có 47 ý kiến, kiến nghị được tập hợp từ 32 cuộc tiếp xúc cử tri tại các địa phương với sự tham gia của hơn 4.000 lượt cử tri đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời ngay tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 HĐND Hà Tĩnh. Kỳ họp sẽ được diễn ra trong 3 ngày từ 16-18/7/2018.