Thời sự
6 tháng đầu năm 2023, GRDP Hưng Yên tăng 8,21%
Quỳnh Nga - 28/06/2023 18:19
Theo số liệu Cục thống kê tỉnh Hưng Yên, hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên 6 tháng đầu năm 2023 đạt được kết quả khá đều trên các mặt.
TIN LIÊN QUAN

Tổng sản phẩm trên địa bàn Tỉnh tăng 8,21% so với cùng kỳ năm 2022, đứng thứ 4 so với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 7 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 16.000 tỷ đồng, đạt trên 70% kế hoạch năm.

Sản xuất nông nghiệp và thủy sản tương đối ổn định, đóng góp 0,23 điểm %, sản xuất công nghiệp và xây dựng đóng góp 4,47 điểm % vào mức tăng trưởng chung của Tỉnh. Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp đà phục hồi và phát triển, đóng góp 2,97 điểm % vào mức tăng trưởng chung.

Bộ mặt đô thị thành phố được quy hoạch ngày càng hiện đại văn minh.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của tỉnh Hưng Yên ước tăng 6,46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp (tăng 7,8%). Bên cạnh đó, các ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý nước thải, rác thải cũng đóng góp vào bức tranh công nghiệp của tỉnh với tốc độ tăng trưởng 7,9 đến 8,65% so với cùng kỳ năm trước.

Tính lũy kế đến ngày 25/6/2023, trên địa bàn Hưng Yên có trên 14.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký đạt gần 193.000 tỷ đồng. Ông Phạm Trường Tam, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hưng Yên thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, tại các KCN đã có thêm 15 dự án đầu tư mới đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Toàn tỉnh đã tiếp nhận 42 dự án đầu tư mới, trong đó 25 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 9.432 tỷ đồng, 17 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư đăng ký 233,6 triệu USD. Có 36 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm 590,7 tỷ đồng và 105,5 triệu USD.

Hầu hết các dự án mới tiếp nhận đều có quy mô vốn lớn, phù hợp với quy hoạch phát triển chung của ngành công nghiệp và có khả năng tận dụng được lợi thế ngành nghề chung của địa phương. Đến nay, trong các KCN của tỉnh có 521 dự án dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó 287 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 234 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,6 tỷ USD và hơn 33,1 nghìn tỷ đồng.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai thực hiện dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong các KCN; tiếp nhận và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Có thể thấy, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư của tỉnh tăng mạnh với nhiều đoàn doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đến tìm hiểu môi trường đầu tư. Như Tập đoàn COT (Singapore) sẽ thuê 6,6 ha đất tại KCN Thăng Long II để đầu tư xây dựng Dự án và theo chiến lược của mình, trong 5 - 8 năm tới, Tập đoàn sẽ mở rộng quy mô đầu tư với nhu cầu sử dụng đất khoảng 20 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 500 - 800 triệu USD. Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đang thực hiện mở rộng Khu Công nghiệp Thăng Long II (giai đoạn 3) và Tập đoàn có kế hoạch sau khi triển khai xong giai đoạn 3 sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng giai đoạn 4. Bên cạnh đó, nhiều dự án KCN, cụm công nghiệp mới được khởi động như: KCN số 05, Cụm công nghiệp Nghĩa Dân – Phạm Ngũ Lão.

Với mục tiêu tăng chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 là 9,5%, ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp như: Tập trung mọi nguồn lực, động viên, khích lệ và hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, tạo dựng hạ tầng kỹ thuật, môi trường đầu tư thuận lợi cho phát triển công nghiệp.

Đồng thời, tích cực trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc của nhà đầu tư các dự án giúp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đang triển khai nhằm tăng năng lực sản xuất cho toàn ngành. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, khai thác tốt hơn thị trường, tăng khả năng phát triển sản xuất. Cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các dịch vụ công tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh tại Tỉnh.

Tin liên quan
Tin khác