Thông tin tại cuộc Họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023, ông Lê Gia Phong, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hải Phòng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội Hải Phòng 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đứng thứ 3 cả nước và thứ nhất Vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Một số chỉ tiêu tăng trưởng hai con số như sản xuất công nghiệp, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn... Các hoạt động du lịch, dịch vụ phục hồi rõ nét; các chính sách an sinh, xã hội phát huy hiệu quả.
Hải Phòng họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Thanh Sơn |
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 9,94% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch tăng 12,7 - 13%), đứng thứ 3 cả nước và thứ nhất Vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,95%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,61%, đóng góp 5,38 điểm phần trăm. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 11,87% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 5,64 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng giảm 10,22%, làm giảm 0,28 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Những tháng đầu năm, ngành xây dựng tiếp tục gặp khó khăn do giá cả nguyên vật liệu tăng cao, thị trường bất động sản trầm lắng, tuy nhiên, với nỗ lực của thành phố trong việc quyết liệt triển khai vốn đầu tư công, hoạt động xây dựng của các doanh nghiệp và trong dân cư vẫn duy trì được sự ổn định. Dự kiến ngành xây dựng tăng 5,98%, đóng góp 0,28 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Khu vực dịch vụ tăng 11,12%, trong đó ngành thương mại tăng 12,29%, đóng góp 0,71 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 16,29%, đóng góp 2,62 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 5,5%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 10,77%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung...
Cơ cấu kinh tế trên địa bàn tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Cụ thể: khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 3,77%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 53,06%; khu vực dịch vụ chiếm 37,82%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,35%.
Chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của Thành phố trong 6 tháng đầu năm nay ước tăng 12,28% so với cùng kỳ năm trước.Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,01%, đóng góp 12,29 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 6,12%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 12,49%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành có chỉ số giảm là ngành sản xuất, phân phối điện giảm 1,36%, tác động làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Các hoạt động thương mại trên địa bàn Thành phố tiếp tục được duy trì ổn định; doanh thu bán lẻ, doanh thu các hoạt động dịch vụ và vận tải luôn giữ được mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động du lịch trên địa bàn có nhiều điểm sáng; nhu cầu mua sắm, sử dụng các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, lưu trú, lữ hành và vận tải của người dân Thành phố tăng so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này cho thấy cuộc sống của người dân dần đi vào ổn định hơn sau đại dịch Covid-19.
Sáu tháng đầu năm 2022, Tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành Thành phố phục vụ ước đạt 3.466,9 nghìn lượt, tăng 10,07% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế ước đạt 493,2 nghìn lượt, tăng 2,46 lần so với cùng kỳ.
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn Thành phố ước đạt 69,099 triệu TTQ, giảm 3,44% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu cảng biển 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3.231,57 tỷ đồng, giảm 4,61% so với cùng kỳ năm 2022.
Vốn đầu tư khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước 6 tháng/2023 đạt trên 1,811 tỷ USD, bằng 164,8% so với cùng kỳ năm 2022 (6 tháng năm 2022 là 1,099 tỷ USD). Trong đó, cấp mới 37 dự án đầu tư với số vốn cấp mới là 315,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư 25 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm hơn 1,492 tỷ USD; thu hút thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp là 08 lượt với số vốn đầu tư đăng ký 4,09 triệu USD). Cũng từ đầu năm đến 23/6/2023, có 14 dự án thu hồi/chấm dứt hoạt động, có 12 dự án nằm ngoài KCN và 2 dự án nằm trong KCN, trong đó 6 dự án chấm dứt do chủ đầu tư hết thời hạn đầu tư; 8 dự án do đầu tư không hiệu quả.
Tính lũy kế đến 23/6/2022, Hải Phòng có 872 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 24 tỷ USD.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 46.490,8 tỷ đồng, đạt 39,93% dự toán HĐND Thành phố giao và bằng 84,83% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nội địa đạt 16.666,2 tỷ đồng, bằng 81,63% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 28.475,6 tỷ đồng, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 13.822,4 tỷ đồng, bằng 129,54% so với cùng kỳ năm trước; tổng chi đầu tư phát triển đạt 8.079,1 tỷ đồng bằng 166,02% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên đạt 5.616,8 tỷ đồng, bằng 104,29% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 30/6 đạt 307.593 tỷ đồng, tăng 11,79% so với cùng kỳ năm trước.