Ngân hàng - Bảo hiểm
6 tháng đầu năm, ngân hàng nào đạt lợi nhuận cao nhất
T.L - 15/07/2022 09:38
SHB cho biết, nửa đầu năm nay, ngân hàng đạt 5.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 84% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành hơn 50% kế hoạch đề ra từ đầu năm.

SHB là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất nửa đầu năm 2022, tính đến thời điểm này. Đại diện SHB cho biết, kết quả lợi nhuận kể trên có được là nhờ ngân hàng ghi nhận tăng trưởng cao ở tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh với trên 9.400 tỷ đồng, cao hơn 113% so với cùng kỳ năm 2021.

Trước đó, SHB kết thúc quý I với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.227 tỷ, tang gần 94% khi hầu hết các mảng kinh doanh của ngân hàng đều có lãi.

Theo kế hoạch được đại hội cổ đông đề ra, SHB dự kiến lợi nhuận trước thuế tối thiểu 11.686 tỷ đồng, tăng 87%; tổng tài sản tăng trưởng trên 12%; vốn điều lệ tăng trưởng 36% so với năm 2021; chia cổ tức tối thiểu 18%.

Lãnh đạo SHB cho biết cơ sở để ngân hàng đặt ra mức lợi nhuận kể trên là kỳ vọng tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm nay ở mức 14,4%, ước đạt 421.715 tỷ đồng vào cuối năm. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu dự kiến dưới 1,3%.

Chia sẻ về tính khả thi của kế hoạch kinh doanh kể trên, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), Chủ tịch HĐQT SHB, cho biết con số lợi nhuận được đưa ra dựa trên các tính toán về giải pháp, nguyên lý, cơ sở và phương pháp tổ chức thực hiện. Từ các yếu tố có sẵn này, ban lãnh đạo ngân hàng mới tính toán ra con số lợi nhuận tham vọng.

Ngoài ra, vị chủ tịch ngân hàng cũng cho biết SHB có nhiều thế mạnh mà trước đây chưa khai thác hết. Và kế hoạch kinh doanh kể trên hoàn toàn phù hợp với nội lực của ngân hàng.

Như vậy, bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý II/2022 đã dần lộ diện. Tính đến thời điểm này, đã có 4 ngân hàng MTCP công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm là SHB, TPBank, Eximbank và SeABank.

Trong đó, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm của TPBank đạt 3.788 tỷ đồng, tăng gần 26%. Con số này tại SeABank  là 2.806 tỷ, tăng 180%; tại Eximbank là khoảng khoảng 1.800 tỷ, tăng 170%.

Năm nay, ban lãnh đạo SHB đã trình và được cổ đông phê duyệt kế hoạch kinh doanh với mức lợi nhuận trước thuế tối thiểu đạt 11.686 tỷ đồng, tăng 87% so với năm liền trước. Như vậy, sau 1/2 năm tài chính, nhà băng này đã hoàn thành trên 50% mục tiêu lợi nhuận.

Các ngân hàng còn lại chưa công bố báo cáo tài chính và kết quả kinh doanh song lợi nhuận được dự báo cũng tăng trưởng rất tích cực. Cụ thể, ngoài MSB có lợi nhuận giảm (so với nền cao cùng kỳ năm ngoái do ghi nhận khoản thu nhập bất thường từ bao hiểm), các ngân hàng còn lại đều có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt.

Theo đó,  lợi nhuận trước thuế của ACB dự kiến đạt 5 nghìn tỷ đồng tăng 54% so với cùng kỳ. ACB đã sử dụng phần lớn hạn mức tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6 năm 2022 tăng 10% so với đầu năm, đồng thời tăng 16% so với cùng kỳ, điều này cho phép ngân hàng đạt được mức tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động (TOI) ở mức tương đối tốt. Trong khi đó, áp lực trích lập dự phòng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp đối với ACB do tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt, chỉ ở mức 0,7-0,8%.

Với BIDV, lợi nhuận trước thuế trong quý 2/2022 của BIDV ước tính đạt 5,5 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ), nhờ hệ số LDR tăng lên (tăng trưởng tín dụng đạt 9-10% và tăng trưởng huy động là 2,6%) và chi phí tín dụng giảm. Chất lượng tài sản được kỳ vọng sẽ cải thiện, với nợ xấu ổn định và các khoản nợ tái cơ cấu Covid-19 giảm mạnh.

Với Vietinbank, kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong quý 2/2022 sẽ đạt 4,6 - 4,7 nghìn tỷ đồng tăng 68% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất nhóm ngân hàng. Cần lưu ý rằng mức tăng trưởng mạnh mẽ này là do mức cơ sở thấp trong quý 2 năm 2021.

Tại thời điểm cuối quý 2/2022, tăng trưởng tín dụng và huy động tại HDB ở mức khá cao, lần lượt đạt 15% và 12% so với đầu năm, nhờ đó HDB đã đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong quý 2. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước tính đạt 2,5 - 2,7 nghìn tỷ đồng.

SSI Research cũng kỳ vọng MBB sẽ ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5,2 - 5,5 nghìn tỷ đồng (tăng 53-64% so với cùng kỳ) trong quý 2/2022, nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ (tăng 15% so với đầu năm hoặc tăng 29% so với cùng kỳ) và NIM cao. CASA cao sẽ hỗ trợ cho ngân hàng khi lãi suất có xu hướng tăng.

TCB đã gần sử dụng hết hạn mức tín dụng kể từ quý 1/2022. Do đó, Quý 2/2022 TCB sẽ phải xoay sở trong hạn mức tăng trưởng tín dụng còn lại là khá hạn chế. Hoạt động kinh doanh trái phiếu có khả năng không thuận lợi do giao dịch trên thị trường trầm lắng trong thời gian này. Tuy nhiên, do nguồn cung tín dụng hạn chế, lãi suất cho vay có thể đã được điều chỉnh tăng đối với một số phân khúc để đảm bảo NII tăng trưởng khá. Ước tính TCB có thể đạt lợi nhuận trước thuế là 7-7,2 nghìn tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ) trong quý 2/2022.

Với VCB, SSI Research ước tính VCB sẽ đạt lợi nhuận trước thuế ở mức 7 - 7,3 nghìn tỷ đồng tăng 50% so với cùng kỳ trong quý 2/2022, kết quả này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ (tăng 13-14% so với đầu năm), hệ số LDR tăng lên (tăng trưởng huy động chỉ ở mức 3-4% so với đầu năm), và áp lực trích lập dự phòng thấp. Tỷ lệ nợ xấu ổn định, trong khi các khoản vay tái cấu trúc giảm 62% xuống còn 4 nghìn tỷ đồng.

Với VIB, dự báo VIB sẽ đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức 2,7 nghìn tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ) trong quý 2/2022, và lũy kế cho 6 tháng đầu năm 2022 sẽ là 5 nghìn tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ). Điều này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng cao (hơn 9,5% so với đầu năm) và NIM ổn định khoảng 4,4%.

Tin liên quan
Tin khác