Buổi Tọa đàm kết nối doanh nghiệp có sự tham gia của 20 tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài và 40 tổ chức, doanh nghiệp trong nước. Trong số đó có những doanh nhân chính là các thuỷ thủ đã và đang tham dự Cuộc thi Clipper Race 2015- 2016.
Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, buổi toạ đàm tạo cơ hội để kết nối các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, qua đó sẽ tạo điều kiện cho các bên gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu quảng bá, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, góp phần xúc tiến, phát triển mối quan hệ đầu tư – thương mại giữa Đà Nẵng với các quốc gia.
Buổi Toạ đàm có đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước |
“Dịp này, chúng tôi hoanh nghênh và chào đón các doanh nghiệp là đối tác của Clipper Race đến với TP Đà Nẵng. Đà Nẵng là điểm đến của cuộc thi, ngoài ra Đà Nẵng cũng là điểm đến của nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài và sự kiện này là dịp thuận lợi để các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng. Và ngược lại, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp gỡ, trao đổi, xúc tiến mở rộng thị trường với các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Phúc cho biết.
Theo ông William Ward, Tổng giám đốc Công ty Clipper Race: “Chúng tôi coi cuộc thi này như là một chuyến công tác xúc tiến trên mặt nước trong 11 tháng. Đây là một sự kiện thể thao nhưng ý nghĩa của nó không dừng ở đó. Chúng tôi mong muốn đem đến một điều gì đó cho các doanh nghiệp đã tài trợ cuộc đua này. Và thông qua cuộc thi, chúng tôi đã xây dựng được một hệ thống đối tác rộng rãi, mối quan hệ rộng rãi với các chính quyền. Điều đó đã cho phép chúng tôi được gặp gỡ với nhiều lãnh đạo. Và ngay trong số 700 thuỷ thủ của cuộc đua này, có cả những sinh viên sau này họ sẽ trở thành doanh nhân, và có những doanh nhân đã nghỉ hưu, thậm chí có cả một số vị là chủ tịch HĐQT của những tập đoàn lớn...và cuộc thi sẽ giúp họ kết nối được với nhau”.
Ông William Ward thông tin thêm, sau khi cuộc đua cập Cảng Đà Nẵng, một trong số các thuỷ thủ tham gia cuộc đua vốn là doanh nhân đã kết nối thành công và và bắt tay hợp tác với một doanh nghiệp ở Đà Nẵng tiến tới xuất khẩu sản phẩm Đà Nẵng sang Anh.
Cũng tại buổi Toạ đàm, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã tham gia vào phiên trao đổi trao đổi, kết nối nhằm tìm kiếm khả năng hợp tác kinh doanh. Nội dung trao đổi chủ yếu nhằm giới thiệu và kết nối hợp tác kinh doanh trên các lĩnh vực sản xuất hàng dệt may, TCMN và đồ gỗ, quà tặng, phân phối rượu, xăng dầu, dịch vụ thương mại, dịch vụ vận tải, cảng biển, đóng tàu, quản lý tàu thuyền, dịch vụ du lịch, khách sạn, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn.....
Bà Huỳnh Liên Phương, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng đánh giá, buổi Tọa đàm kết nối doanh nghiệp là một trong các hoạt động kinh tế đối ngoại quy mô, thực sự hữu ích, mở đầu một năm mới hứa hẹn nhiều triển vọng của thành phố Đà Nẵng đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, với một loạt các Hiệp định thương mại tự do quan trọng vừa được ký kết hoặc kết thúc giai đoạn đàm phán, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU; đánh dấu một bước tiến mới của Chính quyền thành phố trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất, hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối cung - cầu, không chỉ trong phạm vi địa phương, khu vực, mà còn vươn ra thị trường nước ngoài, với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế cùng có lợi.