Theo bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở KH&ĐT Đà Nẵng, việc Sở ra văn bản nhắc nhở là một hoạt động định kỳ của Sở đối với các đơn vị đăng ký kinh doanh ngành nghề "dịch vụ cầm đồ" trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, căn cứ vào điểm c, khoản 1, Điều 209, Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 quy định về quyền hạn của Cơ quan đăng ký kinh doanh: “ Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ các quy định của Luật này khi xét thấy cần thiết; đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp”, tháng 2/2016, Sở KHĐT Đà Nẵng đã ban hành Thông báo yêu cầu 152 doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh “dịch vụ” cầm đồ báo cáo về việc tuân thủ các quy định nêu trên và đây là công tác thường xuyên định kỳ của Sở.
Ngày 2/2, Sở KH&ĐT Đà Nẵng đã ban hành thông báo số 35/TB-ĐKKD nhắc nhở các doanh nghiệp hoạt động đúng ngành nghề kinh doanh đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh và không thực hiện hoạt động cho vay đáo hạn ngân hàng, hỗ trợ vốn vay, cho vay tiêu dùng…nếu chưa được Ngân hàng nhà nước Việt Nam cấp phép.
Sở KH&ĐT hướng dẫn cho các doanh nghiệp nêu trên hoạt động theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật chuyên ngành (Luật của các tổ chức tín dụng…). Mục đích của việc này là nhằm đồng hành với các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật hiện hành.
Cũng theo Sở KH&ĐT Đà Nẵng, định kỳ hàng tháng, Sở cập nhật công khai thông tin danh sách doanh nghiệp yêu cầu báo cáo trên wedsite của Sở theo địa chỉ http://dpi.danang.gov.vn.
Trao đổi với PV Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, lãnh đạo Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng có 56 tổ chức tín dụng được phép hoạt động, trong đó có 54 ngân hàng, 1 công ty tài chính và 1 công ty cho thuê tài chính với tổng số phòng giao dịch trên địa bàn là 242 đơn vị. Hoạt động nói trên của 56 tổ chức tín dụng đều đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.