Hiện có ý kiến cho rằng, tín dụng tiêu dùng là một “hình thức” của tín dụng đen?
Suy nghĩ như vậy hoàn toàn không đúng. Tín dụng tiêu dùng là hoàn toàn hợp pháp, minh bạch, rõ ràng, bài bản, chính thống. Trong khi đó, tín dụng đen là câu chuyện bất hợp pháp đi kèm với lãi suất rất cao.
Mặc dù lãi suất cho vay tiêu dùng tại ngân hàng hay các công ty tài chính đâu đó còn khá cao, song điều đó cũng phù hợp với cung cầu thị trường, cũng như rủi ro trong cho vay theo hình thức này. Điều quan trọng là mức lãi suất đó còn thấp hơn nhiều lãi suất của tín dụng đen.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO |
Như ông đã nói, lãi suất cho vay tiêu dùng đâu đó còn khá cao. Vậy, người tiêu dùng có quyền đòi hỏi một mức lãi suất thấp?
Mọi người đều có quyền nhận định lãi suất là cao hay thấp. Nhưng đó là kết quả của câu chuyện thị trường tự do cạnh tranh, chứ không có ai làm giá, lũng đoạn, hay áp đặt, ép buộc khách hàng, thì lại không thể nói là cao hay thấp. Lâu nay, các ngân hàng luôn tìm mọi cách thu hút, tăng cường cho vay tiêu dùng, nên nếu lãi suất thực sự cao, thì họ sẽ nhanh chóng hạ thấp để lôi kéo khách hàng, tăng dư nợ. Còn nếu không hạ được, thì có nghĩa đó là lãi suất đã hợp lý theo mặt bằng chung.
Nếu nói lãi cao là đúng so với thế giới, nhưng chỉ là cảm tính xét trong thị trường Việt Nam. Không thể ép lãi suất xuống, vì đó là kết quả tất yếu của một nền kinh tế yếu, không minh bạch, không hiệu quả, doanh nghiệp không trả được nợ, nợ xấu còn nhiều, hệ thống pháp luật vẫn còn quá nhiều vướng mắc, bất cập…
Lãi suất là giá của đồng tiền, mà đồng tiền phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, nền kinh tế thế nào thì lãi suất sẽ như vậy. Lãi suất huy động cao, thì lãi suất cho vay đương nhiên không thể thấp.
Bên cạnh đó, lãi suất cao hay thấp còn phụ thuộc rất nhiều vào chi phí và mức độ rủi ro cụ thể của khoản vay. Rõ ràng, các món vay tiêu dùng thường nhỏ lẻ, nên chi phí bị đội lên. Hơn nữa, các khoản cho vay tiêu dùng thường có mức độ rủi ro cao hơn vay sản xuất - kinh doanh, nên lãi suất cũng phải cao tương ứng để có thể bù đắp được rủi ro.
Tuy nhiên, tâm lý đám đông đôi khi khiến người sai thành đúng?
Những chuyện như thế là bình thường, không thể tránh khỏi. Khi người ta đã không hiểu được căn nguyên hình thành lãi suất, còn tâm lý lại mong muốn ngược với thực tế và đi cùng với đó là tuyên truyền, giải thích không rõ ràng, thì đã tạo ra những cảm nhận không đúng.
Cần phải nhấn mạnh là, lãi suất cao so với thế giới, nhưng ở Việt Nam không thể nói là cao. Lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh của nhiều nước thấp 3 - 4%, thì lãi suất huy động của họ cũng rất thấp, thậm chí là 0%. Ngay tại Việt Nam, trong nhiều năm, lãi suất cho vay USD cũng chỉ 4 - 5%, vì huy động cũng chỉ 1 - 2%. Trong khi đó, lãi suất cho vay tiêu dùng của họ cũng cao hơn nhiều lần. Và cái khó nhất của Việt Nam là mức độ lạm phát và rủi ro luôn ở hàng cao nhất thế giới.
Nếu chấp nhận lãi cao mà vẫn vay, thì lại bình thường. Chỉ khi hợp đồng không ghi rõ cách tính lãi suất khiến người đi vay hiểu lầm thì mới đáng trách. Khi gửi tiền, ai cũng muốn lãi cao, nhưng đi vay, ai cũng mong lãi thấp. Các tổ chức tín dụng muốn huy động lãi suất thật thấp, nhưng đâu đó lại muốn cho vay lãi suất thật cao, thì rủi ro không đòi được nợ sẽ càng lớn.
Chỉ cần đặt câu hỏi, nhiều ngân hàng sống bằng tăng trưởng tín dụng, đang có đủ, thậm chí là thừa vốn, rất muốn cho vay, thì tại sao không “hạ giá” lãi suất để thu hút khách hàng, mở rộng thị phần? Đơn giản là, tìm cách bảo toàn vốn hoặc cho vay thì phải đạt một mức lãi suất tối thiểu để bảo đảm hòa vốn và có lãi.
Ông có cho rằng, khung khổ pháp lý cần chặt hơn?
Cần phải như vậy vì nguyên tắc chung về tín dụng là được cho vay trong mọi lĩnh vực, mục đích và khách hàng (chỉ trừ một số đối tượng bị cấm). Nhưng cho vay sản xuất - kinh doanh thì đầu tư vào tài sản, hàng hóa, với nguồn thu rõ ràng, trong khi cho vay tiêu dùng, thì tiền bị tiêu mất đi. Ngay cả khoản vay đã có đầy đủ tài sản bảo đảm, thì cũng hiếm khi ngân hàng thu đủ nợ, nếu xảy ra rủi ro.
Đôi khi người ta cho rằng, ngân hàng như kẻ cho vay nặng lãi, người vay làm lãi bao nhiêu chỉ để nuôi ngân hàng, mà không thấy rằng, suy cho cùng, ngân hàng cũng không khác nhiều một tiểu thương mua đầu chợ, bán cuối chợ và mấy năm qua, nhiều ngân hàng có vốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng cổ đông không được chia đồng lãi nào.
Người vay tiêu dùng cũng giống một doanh nghiệp chưa có thương hiệu, hầu như không có tài sản bảo đảm, sản xuất - kinh doanh không hiệu quả, chưa có tín nhiệm với bạn hàng và ngân hàng nên khó vay ngân hàng. Nếu tìm đến hàng chục ngân hàng mà không vay được, phải vay tín dụng đen với lãi suất cắt cổ, thì làm sao đòi hỏi ngân hàng phải cho vay với lãi suất thấp.
Do vậy, cần phải có một hành lang pháp lý và một trần lãi suất chung rõ ràng, thực tế, hợp lý, đủ rộng, để các ngân hàng tự quyết định cho vay khoản này chặt chẽ, khoản kia dễ dàng, khoản này lãi suất thấp, khoản kia lãi suất cao và đặc biệt là không bị trói tay trước tình trạng hơi tý là vi phạm, cùng với đó là nơm nớp nỗi sợ trách nhiệm hình sự khi khoản vay bị thất thoát, mất vốn, thiếu lãi.
Ngược lại, quy định pháp lý cần chặt hơn, hiệu quả hơn để bảo vệ quyền của chủ nợ, để có thể nhanh chóng khắc phục rủi ro, xử lý tài sản bảo đảm nhằm thu hồi nợ. Bớt rủi ro cho ngân hàng, thì người vay mới dễ tiếp cận vốn, lãi suất mới giảm thấp hơn.
Và người đi vay cũng cần phải tự bảo vệ mình?
Điều này giống như sản xuất - kinh doanh phải có phần lớn vốn. Vốn trung, dài hạn phải lấy chủ yếu từ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán. Vốn vay tại thị trường tiền tệ ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn, thời vụ, đột xuất. Một khi doanh nghiệp dựa vào vay vốn ngân hàng đến 70 - 90%, thậm chí cá biệt là trên cả 100% (tính cả khoản trả lãi hoặc giải quyết chi phí bên ngoài), thì chỉ sơ sẩy một chút là “chết”. Khi đó muốn vay được cũng khó chứ nói gì đến lãi cao hay thấp.
Cho vay tiêu dùng cũng vậy, nếu cần 30 triệu đồng mà vay đến 25 - 27 triệu đồng thì khác nào đẩy toàn bộ rủi ro cho ngân hàng. Dựa hết vào vốn vay lãi suất cao, nguồn thu nhập bấp bênh, thì chỉ cần lỡ nguồn trả nợ, chậm một chút là chịu gánh nặng quá sức… Người đi vay, nếu không có đủ khả năng tài chính, không có nguồn trả nợ chắc chắn, thì không những dễ gặp tai họa nợ nần, mà còn mang tai ương nợ xấu cho ngân hàng.