Cho vay tiêu dùng mới phát triển mạnh trong vài năm gần đây. |
95% khách vay là người mới
Tại Việt Nam, dù mới phát triển mạnh vài năm gần đây, song theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), vay tiêu dùng chiếm khoảng 8% tổng dư nợ cho vay, cho thấy tiềm năng rất lớn.
Một trong những nguyên nhân khiến tín dụng tiêu dùng tăng mạnh là thủ tục cho vay rất dễ dàng. Với đa số khoản vay, khách hàng chỉ cần cung cấp bản sao chứng minh nhân dân, hộ khẩu và không cần thế chấp. Thậm chí, nếu vay dưới 10 triệu đồng, khách hàng chỉ cần nộp bản sao chứng minh nhân dân và giấy phép lái xe.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), tín dụng tiêu dùng tăng mạnh còn do các công ty tài chính tiêu dùng đã đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng từ vài trăm ngàn, vài triệu và hướng tới cả những khách hàng “dưới chuẩn”, trong khi các ngân hàng thương mại chỉ cho vay với các khoản lớn và chú trọng nhóm khách hàng “đủ chuẩn”.
“Cho vay tiêu dùng nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân”, ông Hòe nói và cho rằng, tín dụng tiêu dùng đã kích cầu tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen và góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho nhóm khách hàng mới, tầng lớp dân cư ít tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Tuy nhiên, thời gian qua, cũng xuất hiện không ít trường hợp khiếu kiện mà một phần là do người dân khi vay vốn đã không đọc kỹ hợp đồng. Theo lý giải của các chuyên gia, hầu hết khách hàng tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam là khách hàng mới, chưa từng tiếp cận dịch vụ tài chính, thiếu kiến thức tài chính. Vì vậy, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về tín dụng cá nhân là yêu cầu cấp bách.
“Những trở ngại về kiến thức nếu không được quan tâm đúng đắn, có thể khiến một số người ngần ngại khi tiếp cận vay tiêu dùng và dẫn đến khiếu nại đáng tiếc sau này”, ông Hòe nói.
Nhìn nhận công bằng với lãi vay
Cho đến nay, vấn đề bức xúc nhất của khách hàng đối với tín dụng tiêu dùng là lãi vay. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần được nhìn nhận một cách công bằng. Một đại diện công ty tài chính cho rằng, lãi suất vay tiêu dùng dựa trên rất nhiều yếu tố, mức độ rủi ro, lịch sử tín dụng, số tiền, kỳ hạn vay và vài yếu tố khác.
Hiện lãi vay tiêu dùng được áp dụng khá cao, từ 13%/năm lên tới 70%/năm. Tuy nhiên, theo giới luật sư và các chuyên gia, không thể so sánh lãi suất cho vay của công ty tài chính và ngân hàng thương mại, vì hai bên hướng tới hai đối tượng khách hàng khác nhau, sản phẩm khác nhau, mức độ rủi ro khác nhau. Một yếu tố nữa đẩy lãi vay tiêu dùng ở Việt Nam cao là thông tin khách hàng rất thiếu và việc cưỡng chế xử lý nợ rất khó khăn, nguy cơ mất vốn vì vậy rất cao.
Nhìn về khía cạnh luật pháp, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch Công ty Luật BASICO khẳng định, pháp luật không hạn chế lãi suất cho vay tối đa. Lãi suất là do tổ chức tín dụng quy định và thỏa thuận với khách hàng.
Tán thành ý kiến này, ông Phạm Xuân Hòe cũng cho rằng, công ty tài chính tiêu dùng cho vay với lãi suất cao, nhưng không bị xử phạt vì họ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 đã quy định về việc thực hiện lãi suất thỏa thuận trong cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng.