Thời sự
68 năm: 5 lần chuyển vị thế đất nước
Minh Nhung - 02/09/2013 06:01
68 năm đã qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945). Trong 68 năm ấy, Việt Nam đã 5 lần chuyển vị thế và kỳ vọng sẽ chuyển vị thế lần thứ 6 vào cuối thập kỷ này.
TIN LIÊN QUAN

Trước hết, cần nhận diện các chuyển biến thông qua việc so sánh một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2012 với trước Cách mạng.

Việt Nam đã 5 lần chuyển vị thế và kỳ vọng sẽ chuyển vị thế lần thứ 6
vào cuối thập kỷ này

Từ các thông tin trên và các thông tin chi tiết khác, có thể thấy rằng, trong 68 năm qua, Việt Nam đã 5 lần chuyển vị thế.

Lần chuyển vị thế thứ nhất, Tuyên ngôn Độc lập đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Cách mạng tháng Tám đã làm cho chế độ phong kiến hàng nghìn năm bị xóa bỏ, chế độ thuộc địa gần 100 năm bị đánh sập.

Cách mạng tháng Tám thắng lợi chưa được bao lâu, Việt Nam lại phải trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm.

Cuộc chiến tranh này đã làm cho đất nước bị tàn phá nặng nề, nhiều chỉ tiêu chủ yếu còn ở mức thấp hơn cả trước Cách mạng. Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu đã góp phần quyết định kết thúc cuộc chiến tranh này. Đây là lần chuyển vị thế thứ hai của đất nước.

Cuộc kháng chiến lần thứ nhất kết thúc, nhưng đất nước lại bị chia cắt làm hai miền với chế độ chính trị - xã hội khác nhau, kinh tế phát triển theo hai hướng khác nhau. Sau đó, cuộc chiến tranh lại kéo dài hàng chục năm nữa; được kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đầu năm 1975. Đất nước từ chỗ bị chia cắt sang thống nhất, non sông thu về một mối. Đây là lần chuyển vị thế thứ ba.

Đất nước thống nhất, nhưng có nhiều yếu tố tác động tiêu cực. Hậu quả của chiến tranh nặng nề trên nhiều mặt và kéo dài. Những hạn chế trong việc tận dụng thời cơ, mở rộng và kéo dài cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp. Cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới xảy ra. Cuộc bao vây, cấm vận của Mỹ kéo dài. Sự hụt hẫng về viện trợ, về vốn đầu tư, về thị trường từ Liên Xô (cũ) và Đông Âu, khi những nước này chuyển đổi chế độ...

Các yếu tố đó cộng hưởng, đã làm nên cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội tiềm ẩn từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, bùng phát vào thập kỷ 80 và kéo dài tới đầu thập kỷ 90 mới ra khỏi khủng hoảng. Với đường lối đổi mới, chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là lần chuyển vị thế lần thứ tư của đất nước.

Nhờ chuyển đổi nhiều thành tựu kinh tế, xã hội, đối ngoại… đã đạt được trong thời kỳ sau đó, nhiều chỉ tiêu của năm 2012 đã gấp nhiều lần so với trước Cách mạng tháng Tám, so với năm 1985 trước đổi mới và so với năm 1993, khi đất nước cơ bản thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội.

GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái, nếu năm 1988 (đỉnh cao của thời kỳ khủng hoảng trước kia) chỉ đạt 86 USD, nằm trong mấy nước thấp nhất thế giới, thì đến năm 2010, đã đạt 1.273 USD, năm 2011 đạt 1.517 USD. Năm 2012 đạt 1.749 USD, kỳ vọng năm 2013 sẽ đạt 1.900 USD, đưa Việt Nam từ nhóm nước thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình. Đây là lần chuyển vị thế lần thứ 5 của đất nước.

Năm 2013 là năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2011- 2015, cũng là năm thứ ba thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011- 2020, với mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Mặc dù khởi đầu bất lợi (do bất ổn của thế giới, cộng hưởng với lạm phát cao và kinh tế vĩ mô chưa ổn định ở trong nước), tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, nhiều giải pháp cơ bản triển khai bị chậm, nhưng với việc cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược..., có thể kỳ vọng đạt được bước chuyển vị thế lần thứ sáu (cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại).

Tin liên quan
Tin khác