Trong chuyến đi dọc biên giới phía Bắc những ngày tháng 7/2016, điều tôi mong mỏi nhất là ghé qua Thị trấn Đông Khê (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng). Nằm trên Quốc lộ 4A, Đông Khê cách TP. Cao Bằng khoảng 45 km về phía Nam nối với Lạng Sơn, đây là một trong những địa danh lịch sử đáng tự hào của một đất nước có bề dày lịch sử đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền.
Theo nhiều tư liệu lịch sử, tại cuộc họp của Bộ chỉ huy Chiến dịch Biên giới năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ ta phải đánh chiếm bằng được đồn Đông Khê vì đây là vị trí chiến lược tối quan trọng. Đêm 16/9/1950, quân ta nổ súng đánh đồn, Người đã đích thân ra sở chỉ huy tiền phương quan sát chiến sự, cho thấy tầm quan trọng của trận đánh này.
Chiến trường Vị Xuyên năm xưa giờ đã thay da đổi thịt. Ảnh: S.T |
Trong trận Đông Khê ác liệt đó, chiến sĩ La Văn Cầu đã chỉ huy tổ bộc phá, phá hàng rào để đơn vị phía sau tiến lên công đồn. Bị trúng đạn dập nát một phần cánh tay phải, ông đã nghiến răng nhờ đồng đội dùng lưỡi lê chặt đứt cánh tay bị thương và tiếp tục chiến đấu. Dùng tay trái ôm bộc phá, La Văn Cầu lao lên đánh mở đường, tạo thời cơ cho đồng đội ào lên đánh chiếm đồn địch.
Chiến thắng Đông Khê năm 1950 có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, mở màn cho hàng loạt chiến thắng của ta mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu (7/5/1954). Trái tim quả cảm của người chiến sĩ La Văn Cầu cùng bao chiến sĩ bộ đội cụ Hồ đã thắp lên ngọn lửa sáng ngời, khơi dậy tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất trong lòng quân và dân ta suốt chiều dài các cuộc kháng chiến chống xâm lược vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ XX.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Đông Khê kiên cường, trung dũng không chỉ là nhân chứng hào hùng cho cuộc kháng chiến chống Pháp, mà nơi đây cũng chứng kiến những trận đánh cam go trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Ông Nông Văn Ánh, người quê gốc Đông Khê hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. Cao Bằng nhớ lại thời chiến tranh biên giới năm 1979, khi đó ông mới 7 tuổi. Mặc dù, có những thời gian quân và dân ta buộc phải rút lui, nhưng phần lớn người dân không sơ tán đi xa mà chạy dạt vào rừng núi, tiếp tục kiên cường bám trụ và tích cực hỗ trợ cho quân đội chính quy chiến đấu giành lại từng tấc đất quê hương.
Trên dọc chiều dài tuyến biên giới phía Bắc, nếu như Đông Khê được coi là là địa danh chói sáng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, thì Vị Xuyên (Hà Giang) là địa danh thấm đẫm bản anh hùng ca trong cuộc chiến tranh biên giới cuối thế kỷ XX. Mặt trận Vị Xuyên là nơi diễn ra các cuộc chạm trán ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung giai đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Tại nghĩa trang quân đội Vị Xuyên ở tỉnh Hà Giang, có biết bao nấm mộ của các chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong suốt các giai đoạn cuộc chiến. Riêng ngày 12/7 được coi là giỗ trận của Sư đoàn bộ binh 356, khi rất nhiều người lính của sư đoàn đã anh dũng hy sinh lúc mở màn chiến dịch MB84 tại mặt trận Thanh Thuỷ - Vị Xuyên (Hà Giang).
Hơn 30 năm sau trận chiến đấu ác liệt đó, giờ đây, trên mảnh đất này, cuộc sống đã bình yên trở lại. Cho dù rất nhiều hài cốt của những người lính hy sinh trong trận Vị Xuyên năm ấy, vì nhiều lý do chưa được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ, về với gia đình, đồng đội, nhưng chúng tôi tin rằng, các anh vẫn sẽ ấm lòng. Bởi đất nước không quên ơn các anh cùng những anh hùng, liệt sỹ, những người con đất Việt đã cống hiến trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Những người con trên mảnh đất hình chữ S này sẽ luôn khắc ghi sự hy sinh cao cả của các anh, luôn nhớ về các anh với lòng biết ơn vô hạn. Các anh sẽ mãi là những tấm gương sáng ngời cho các thế hệ hôm nay và mãi mãi ngày sau về lòng quả cảm, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường để bảo vệ Độc lập – Chủ quyền quốc gia, dân tộc.