Doanh nghiệp
8 nhóm khởi nghiệp lọt chương trình ươm tạo SIP 100
Hải Hà - 29/09/2019 14:00
8 nhóm khởi nghiệp gồm Snap, Ten Tickers, Ac-cool, Chip chip, Mandori, Techhub, Youth Mentor và Taxi go vừa được các chuyên gia, cố vấn của Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (Trung tâm FIIS) (Trường Đại học Ngoại thương) lựa chọn chính thức vào chương trình Ươm tạo khởi nghiệp SIP 100 (Startup Incubation Program 100- thuộc FIIS).
SIP 100 đã kết nối cho các dự án khởi nghiệp sinh viên xuất sắc nhận được vốn đầu tư từ vài tỷ đến vài chục tỷ tùy theo quy mô từng dự án.

Theo đó, sau khi chính thức được lựa chọn, các nhóm khởi nghiệp này sẽ được tham gia vào 100 ngày ươm tạo 6 tháng hỗ trợ tư vấn 1-1 với các chuyên gia và 1 năm kết nối đầu tư giúp các nhóm hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình trước khi được giới thiệu tiếp cận các nhà đầu tư.

Đây là 8 nhóm khởi nghiệp được lựa chọn từ hơn 250 nhóm ý tưởng khởi nghiệp đến từ các cuộc thi khởi nghiệp sinh viên và các nhóm khởi nghiệp trên toàn quốc.

PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương khẳng định: “Việc triển khai ươm tạo là một trong những bước đi quan trọng của trường Đại học Ngoại thương. Chúng tôi muốn ươm tạo những dự án tốt từ sinh viên để giới thiệu cho các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nhằm biến ý tưởng của sinh viên thành hiện thực thay vì chỉ dừng lại ở đào tạo bồi dưỡng tinh thần doanh nhân cho sinh viên như một số trường đang làm”.

Ông Tuấn cũng cho biết, chương trình ươm tạo khởi nghiệp trước đó xuất phát điểm ra đời nhằm hỗ trợ sinh viên Ngoại thương khởi nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay, các nhóm khởi nghiệp đã vượt ra ngoài khuôn khổ của trường và trở thành cuộc thi của thanh niên cả nước.

Ông Tuấn cho biết, năm ngoái, ngoài những dự án tham dự từ 3 miền bắc, trung, nam thì SIP 100 còn đón nhận các dự án đến từ Thái Lan, Trung Quốc. Các nhóm khởi nghiệp tốt của Việt Nam cũng đã được giới thiệu sang Hàn Quốc, Canada để gọi vốn đầu tư.

Theo PGS-TS Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm FIIS, đây cũng là nền tảng khiến cho chương trình khởi nghiệp mùa 3 năm nay, ngoài các quỹ đầu tư, hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp sinh viên thì SIP 100 còn đón nhận thêm 2 quỹ đến từ Canada tới kết nối với các nhóm khởi nghiệp của chương trình khiến quá trình ươm tạo được thay đổi  theo định hướng thị trường hơn chứ không chỉ dừng lại ở cuộc thi khởi nghiệp sinh viên như 2 mùa trước.

Bà Hà cũng khẳng định, khởi nghiệp là hành trình phải theo đuổi và rất khốc liệt. Các nhóm phải làm việc toàn thời gian và có chế độ báo cáo hàng tuần nhưng đổi lại, họ sẽ nhận được cố vấn từ các chuyên gia, người hướng dẫn đến từ thung lũng sillicon với đội ngũ thẩm vấn những vấn đề rất chuyên sâu.

Hiện nguồn tài chính hỗ trợ cho các hoạt động startup đến từ quỹ hỗ trợ sinh viên của trường Đại học Ngoại thương, từ các dự án hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng một số tổ chức khác. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nhà trường không đủ kinh phí và cũng không phải là nhà đầu tư mạo hiểm nên rất cần sự vào cuộc của các nhà đầu tư.

Tối 27/9 vừa qua, 5 nhóm khởi nghiệp lựa chọn từ mùa 2 gồm AeroVietnam, Finbox, Tasa, Virobo và Wegrow cũng vừa có buổi thuyết trình trực tiếp trước các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư về dự án của mình.  

Tại buổi thuyết trình này, một số quỹ đầu tư đã bày tỏ mong muốn được tìm hiểu cơ hội hợp tác với chương trình SIP 100 và bày tỏ mong muốn được đầu tư vào những dự án khởi nghiệp tốt.

Tại buổi thuyết trình này, Swiss EP, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ Thụy Sĩ thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, tăng cường sự sẵn sàng của các doanh nhân để phát triển kinh doanh, tạo điều kiện cho hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp đã chọn FIIS như là đối tác chính để triển khai chương trình hỗ trợ với việc cố vấn xây dựng chương trình ươm tạo SIP100 và lựa chọn 1 cố vấn là chuyên gia cao cấp từ mạng lưới Swiss EP trên toàn cầu hỗ trợ triển khai trực tiếp chương trình ươm tạo.

Nextrans, quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Hàn Quốc, chuyên đầu tư ở vòng hạt giống (seed-stage) cũng đã bày tỏ mong muốn đầu tư một số dự án sau buổi thuyết trình của các nhóm khởi nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, Nextrans đã đầu tư trên 60 công ty ở nhiều nước khác nhau, hỗ trợ huy động được tổng cộng hơn 400 triệu USD nguồn vốn cho các công ty trong danh mục đầu tư của mình. Tại thị trường Việt Nam, Nextrans đã đầu tư vào một số công ty như start-up Base, Luxstay.net, JamJa.vn, EcoTruck.vn, Leflair.vn, Vleisure,….

Hiện, theo đại diện của trường Đại học Ngoại thương, trong mạng lưới kết nối của mình, SIP 100 đã kết nối với hầu hết các quỹ khởi nghiệp, các quỹ mạo hiểm quan tâm đến các danh mục đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp từ sinh viên ở trong và ngoài nước.

Ở mùa 3 này, SIP 100 cũng chứng kiến sự góp mặt của nhiều gương mặt cố vấn nổi bật trong làng khởi nghiệp nhằm giúp các nhóm khởi nghiệp phát triển. Những gương mặt cố vấn nổi bật có thể kể tới như Aaron Everhart, Nhà sáng lập và chủ tịch Hatch!Ventures Việt Nam; Loren T Lancaster, Chủ tịch Front Range Venture Connections, Inc. (U.S.A.), chuyên gia tư vấn kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ; Hàn Ngọc Tuấn Linh, Chủ tịch Vietnam Silicon Valley, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kêu gọi đầu tư, quản lí quỹ và đào tạo startups; Hyun Shin, Phó chủ tịch Trường học Marketing, Đại học Hanyang- Hàn Quốc, chuyên gia tư vấn chiến lược cho LG, Hyundai, SK Telecom, Giám đốc Quỹ tác động tài chính Hàn Quốc và từng nhiều năm làm việc với các quỹ đầu tư như MYSC, Good Neighbors...; Masakazu Sekimoto, đại diện quỹ JOUJU Nhật Bản; Eliot Shin, Giám đốc điều hành của quỹ tăng tốc khởi nghiệp toàn cầu Neoply China, là chuyên gia trong việc xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường, ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp và đầu tư cho các startup tiềm năng….

8 nhóm khởi nghiệp mùa 3 gồm
SNAP: Nền tảng kết nối hơn 15.000 nhiếp ảnh gia và khách hàng, một trong những dự án tiên phong theo mô hình booking trong lĩnh vực chụp ảnh tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á ra đời từ tháng 12 năm 2018.
TEN TICKERS: Cách tiếp cận đa dạng, phong phú với mũi nhọn là các video trên nền tảng Youtube cùng các bài viết, hình ảnh cập nhật trên website, app mobile, fanpage, group facebook đem lại giá trị trực quan cho người sử dụng.
AC COOL: Dự án sở hữu một phương pháp mới để sản xuất nhựa sinh học từ rác thải hữu cơ (lõi ngô, rơm, vỏ dừa,...).
CHIP CHIP: Cung cấp các lớp học trực tuyến 1 -1 cùng giáo viên Philippine để tạo ra môi trường tiếng Anh tốt nhất giúp học sinh có thể giao tiếp tự tin bằng tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày.
MANDORI: Dự án nuôi trồng tảo xoắn với mô hình tiên tiến trên thế giới với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng mang thương hiệu Việt.
YOUTH MENTOR: Nền tảng kết nối sinh viên với sinh viên xuất sắc, người đi làm nhằm tạo nên một cộng đồng tài năng trở thành nguồn nhân sự tiềm năng cho các doanh nghiệp.
TAXI GO: Ứng dụng gọi xe đường dài, kết nối khách hàng có nhu cầu đi lại với xe chạy rỗng chiều về có cùng cung đường để tối ưu chuyến đi với chi phí thấp nhất.
TECHHUB: Trung tâm dạy học về công nghệ 4.0 với các khóa học offline ngắn hạn về Internet vạn vật, website, blockchain, data science.
Tin liên quan
Tin khác