Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết Dự án BIPP sẽ góp phần nâng cao năng lực cho các cơ sở ươm tạo công nghệ, cho ra đời doanh nghiệp khởi nghiệp tồn tại bền vững. Ảnh: T.H/Vietnam+ |
Đây là một phần trong Dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BIPP)” – dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Vương quốc Bỉ với tổng kinh phí 4,4 triệu Euro. Trong đó, Bỉ tài trợ 4 triệu Euro, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam.
Innofund có số vốn khoảng 1 triệu Euro, sẽ hỗ trợ về tài chính (không hoàn lại) cho các dự án ươm tạo khả thi của các tổ chức, cá nhân đang tiến hành hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, ươm tạo khởi nghiệp tại các cơ sở ươm tạo được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Tối thiểu cho mỗi dự án được Innofund hỗ trợ là 15.000 Euro và tối đa là 45.000 Euro. Ngoài hỗ trợ về tài chính, quỹ còn có các hình thức hỗ trợ như tư vấn thực hiện kiểm toán đổi mới sáng tạo ở các viện nghiên cứu/khoa thuộc trường đại học nhằm xác định các ý tưởng đổi mới sáng tạo có khả năng thương mại hóa thông qua việc cấp phép sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp kinh doanh.
Bên cạnh đó, quỹ còn hỗ trợ tư vấn mua sắm nguyên liệu và thuê/mua sắm trang thiết bị để phát triển sản phẩm; tư vấn cho phát triển, bảo vệ sở hữu trí tuệ; hỗ trợ kỹ thuật, marketing...
Một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên tài trợ gồm công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng.
Để được lựa chọn, một dự án phải đáp ứng các tiêu chí như có tính khả thi cao, có tác động tích cực đối với tăng trưởng xanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động; mang tính đổi mới sáng tạo; chứng minh được kết quả dự kiến; có kế hoạch kinh doanh rõ ràng.
Các thông tin về quỹ, quy trình thủ tục đăng ký sẽ được đăng tải trên website innofund.bipp.vn để các tổ chức, cá nhân đăng ký gửi hồ sơ trực tuyến.
Innofund được thực hiện như một chương trình thí điểm, sau đó Chính phủ sẽ cân nhắc việc thành lập quỹ trên cơ sở lâu dài hơn.
Nói về cái khó của doanh nghiệp ươm tạo hiện nay, anh Trần Văn Trung, Công ty Cổ Phần Phát triển và ứng dụng Khoa học Công nghệ (DAST) cho hay, thông tin các đề tài khoa học, các công trình nghiên cứu chưa thực sự phổ biến, để tiếp cận và tìm hiểu cũng còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công nghệ làm ra hàng hóa trong phòng thí nghiệm chưa đáp ứng được cho việc sản xuất quy mô lớn; vốn đầu tư hạn chế…
Bởi vậy, anh Trung cũng như nhiều doanh nghiệp ươm tạo khoa học và công nghệ kỳ vọng quỹ Innofund sẽ giúp đơn vị mình khắc phục khó khăn để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và phát triển trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế dựa vào khoa học.