Chiều 29/10, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 5002/QĐ- BYT về việc "Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em", trong đó có lưu ý rõ trường hợp nào đủ điều kiện tiêm, trường hợp nào trì hoãn, thận trọng...
Bộ Y tế vừa có văn bản hướng dẫn trường hợp trẻ đủ điều kiện, trì hoãn, thận trọng tiêm vắc-xin phòng Covid-19. |
Theo đó, tại quyết định này, Bộ Y tế bổ sung Bảng kiểm trước tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đối với trẻ em được ban hành kèm theo Quyết định 2470/QĐ-BYT ngày 14/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em.
Theo đó, ở phần sàng lọc, bảng kiểm trước tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đối với trẻ em gồm có các công việc như: Đo thân nhiệt, nhịp tim.
8 yếu tố mà người khám sàng lọc cần quan tâm theo hướng dẫn của Bộ Y tế là:
Hỏi tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc-xin phòng Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc-xin phòng Covid-19;
Đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển;
Tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào;
Rối loạn tri giác, rối loạn hành vi;
Mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hoá, tiết niệu, máu;
Nghe tim, phổi bất thường;
Phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào (ghi rõ tác nhân dị ứng…);
Các chống chỉ định, trì hoãn khác (nếu có cần ghi rõ).
Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ: Nếu trẻ đủ điều kiện tiêm chủng ngay khi trẻ không có điểm bất thường và không có chống chỉ định tiêm vắc-xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
Chống chỉ định tiêm vắc-xin cùng loại khi tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc-xin phòng Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc-xin phòng Covid-19;
Trì hoãn tiêm chủng cho trẻ khi đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển;
Thận trọng tiêm chủng cho trẻ khi có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; Rối loạn tri giác, rối loạn hành vi;
Chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện khi mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hoá, tiết niệu, máu; Nghe tim, phổi bất thường; Phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào (ghi rõ tác nhân dị ứng…);
Khi tiêm vắc-xin cho trẻ các chuyên gia cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh không cho trẻ vận động mạnh trong 3 ngày sau tiêm
Sở dĩ như vậy là do sau tiêm Pfizer hoặc Moderna, việc hoạt động mạnh có thể tăng thêm áp lực cho tim, khiến biểu hiện viêm cơ tim có thể trầm trọng hơn.
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, những trẻ bị bẩm bẩm sinh, mạn tính (ung thư, bệnh về máu, thận…), bị phản ứng dị ứng độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào, trẻ có bệnh nền bắt buộc phải tiêm chủng vắc-xin Covid-19 ở bệnh viện.
Các bệnh nhi này bị suy giảm miễn dịch, khi di chuyển qua các môi trường có nguy cơ mắc bệnh, tử vong cao nên cần được tiêm ngay tại viện để giảm thiểu khả năng lây nhiễm.
Tại bệnh viện, trẻ cần được khám sàng lọc có mắc bệnh bẩm sinh, mạn tính hay không; nghe tim, phổi bất thường; xác định phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào không.
Tại các điểm tiêm ngoài cộng đồng, di động, mọi khâu sàng lọc, giãn cách vẫn được đảm bảo thật tốt. Sau tiêm, trẻ cần được theo dõi 30 phút. Các điểm tiêm cũng được trang bị thiết bị cấp cứu về hô hấp khi cần.
Được biết, vắc-xin hiện tại được sử dụng tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi là Comirnaty của Pfizer, tương tự người từ 18 tuổi trở lên. Liều lượng 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp; lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21-28 ngày).
Nhưng theo Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, theo khuyến cáo của nhà sản xuất, mũi 2 vắc-xin Covid-19 Pfizer sẽ cách mũi một sau 3-4 tuần nhưng Viện đề nghị các địa phương và điểm tiêm chủng ấn định thời gian tiêm mũi 2 là sau 4 tuần.