Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, 80% lao động mất việc, giãn việc là lao động nữ. |
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu: "Cơ hội việc làm cho lao động nữ ngoài 40 tuổi sau khi bị mất việc làm là rất thấp, dẫn đến nguy cơ các đối tượng này phải rút bảo hiểm xã hội một lần, ảnh hưởng đến an sinh xã hội lâu dài. Cần giải pháp để hỗ trợ đối tượng này trong thời gian tới".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay: "Cách đây một tháng, tôi có đi kiểm tra một số địa phương, ăn cơm cùng công nhân tại doanh nghiệp, thấy rằng 80% lao động bị ảnh hưởng việc làm đều là lao động nữ. Mất việc, giãn việc chủ yếu là lao động nữ, dòng người mất việc về địa phương cũng là nữ".
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn. |
Giải pháp là đào tạo từ sớm, chăm lo đào tạo ngay khi chưa thất nghiệp, để khi đến 40 tuổi với ngành dệt may là khó khăn, "mắt mờ, chân chậm, năng suất thấp, dễ bị chủ sử dụng cắt giảm".
Đồng thời, chủ động chăm lo cho công nhân, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, chăm lo hệ thống cơ sở phúc lợi xã hội thiết yếu, giúp phụ nữ giảm bớt khó khăn, chủ động từ sớm từ xa trong chuyển việc; đồng thời phối hợp với địa phương có cơ chế chính sách hỗ tợ tín dụng hoặc tìm việc làm thủ công cho lao động nữ tại cơ sở.
Báo cáo của Bộ LĐTB&XH cho thấy, đã có hơn 500.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm, số thôi việc, mất việc làm lên tới 279.409 người, 195.039 bị giảm giờ làm, hơn 17.003 người nghỉ không lương...
Việc cắt giảm lao động trong các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là vì lý do kinh tế, khó khăn ở việc tìm kiếm, phát triển thị trường nước ngoài, doanh nghiệp gặp khó khăn tập trung vào doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ.
Về tình trạng thiếu việc làm, Bộ trưởng cho hay: "Bình quân tỷ lệ thất nghiệp quý 1/2023 là 2,25%, so với cách đây hơn 1 năm. Tỷ lệ thất nghiệp có gia tăng nhưng không phải riêng Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp quý 1 của Việt Nam so với các quốc gia ở ngưỡng thấp".
Thời gian tới, tình hình sản xuất kinh doanh có thể còn khó khăn hơn, nhất là các ngành thâm dụng lao động. Trên cơ sở đó, tỷ lệ thất nghiệp có thể gia tăng nhưng không nhiều. Nhưng điều lo ngại nhất, sau một thời gian ảnh hưởng covid-19 đã bào mòn tích lũy, nên càng khó hơn, nhưng cũng không nên bi quan quá.
Với số lao động thôi việc, mất việc làm 279.409 người, 195.039 người bị giảm giờ làm, hơn 17.003 người nghỉ không lương, số lao động tạm hoãn hợp đồng lao động là 8.346 người, Bộ trưởng Dung nói tỷ lệ mất việc giãn việc vẫn đang trong tầm kiểm soát.
"Chúng ta không được phép chủ quan nhưng cũng không nên bi quan trước tình hình này. Sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ chân người lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.