Mùa hè thường là thời điểm mọi người dùng xe nhiều hơn. Ngay cả khi giá xăng dầu tăng cao, mọi người cũng không thể cưỡng lại sức hút của những chuyến đi biển hoặc "phượt" đường dài bằng ôtô.
Tuy nhiên, trước khi "đưa xe ra đường và đi" để tận hưởng trọn vẹn không khí mùa hè, bạn nên bảo dưỡng xe cẩn thận để bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình cũng như tiết kiệm chi phí.
Nắng nóng và những chuyến đi dài có thể ảnh hưởng xấu đến chiếc xe của bạn. Sau đây là 9 bước bảo dưỡng cần thiết cho xe khi mùa hè đến.
1. Kiểm tra lốp
Lốp là một trong những bộ phận thường xuyên bị coi nhẹ trên xe hơi. Bên cạnh đó, không phải ai cũng biết cách kiểm tra lốp xe đúng cách. Tuy nhiên, những chiếc lốp xẹp hơi, quá căng, mòn hoặc không thẳng hàng có thể gây nguy hiểm, đặc biệt trong mùa hè nắng nóng, và khiến xe "ngốn" nhiều nhiên liệu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn của bạn và gia đình mà còn gây hao mòn túi tiền.
Khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, áp suất lốp cũng sẽ thay đổi khoảng 1-2 PSI. Do đó, bạn nên kiểm tra lốp xe của mình bằng mắt, tay và thiết bị chuyên dụng. Nếu không có kinh nghiệm, bạn có thể mang xe ra garage để những người thợ kiểm tra lốp.
Trong mùa hè nắng nóng, lốp xẹp hơi dễ bị nổ. Trong khi đó, lốp quá căng lại tiếp xúc với mặt đường ít hơn và dẫn đến tình trạng lướt thiếu kiểm soát trên mặt đường trơn ướt.
Ngoài ra, bạn còn nên quan sát ta-lông để xem lốp có bị mòn hay không. Bạn có thể dùng một đồng xu để kiểm tra độ mòn của lốp. Đồng xu bị ngập sâu nghĩa là lốp vẫn còn tốt.
Cuối cùng, đừng quên để mắt đến lốp dự phòng. Khi đi chơi xa, bạn sẽ tránh được những tình huống "khóc dở, mếu dở" nếu có lốp dự phòng. Hãy đảm bảo lốp dự phòng được bơm hơi đúng mức và không bị mòn.
2. Thay dầu và lọc dầu
Có thể nói, dầu chính là máu của xe. Do đó, bạn cần phải đặc biệt chú ý đến dầu xe. Theo các sách bảo dưỡng dành cho người lái, bạn nên thay dầu và lọc dầu sau khi đi khoảng 7.500 dặm, tương đương 12.070 km. Trong khi đó, các chuyên gia bảo dưỡng lại khuyên người sử dụng nên thay dầu sau mỗi 3.000 dặm, tương đương 4.828 km, hoặc 3 tháng.
Trên thực tế, phần lớn người lái đều sử dụng xe khá nhiều trong mùa hè khiến động cơ bị rơi vào tình trạng quá nóng. Vì vậy, ít nhất hãy kiểm tra dầu xe trước khi lên kế hoạch đi chơi cùng gia đình trong mùa hè.
Để kiểm tra dầu, hãy chạy xe trong vài phút. Sau đó, đỗ lại và tắt động cơ. Dùng que thăm dầu để kiểm tra. Bạn hãy quan sát hai chi tiết, bao gồm mực dầu và màu sắc. Nếu mực dầu thấp, bạn có thể bổ sung hoặc thay mới, tùy thích. Dầu còn tốt phải có màu vàng nâu và không dính cặn bẩn. Nếu dầu có màu tối với nhiều cặn bẩn, bạn phải thay dầu cũng như bộ lọc dầu.
3. Kiểm tra các ống dẫn và dây đai
Điều quan trọng đối với việc lái xe trong mùa hè là giữ mát cho động cơ. Vì thế, hệ thống tản nhiệt và chất làm mát là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, trước đó, bạn nên kiểm tra các ống dẫn và dây đai. Trong đó, ống dẫn kết nối với hệ thống tản nhiệt giúp bơm dung dịch làm mát tới động cơ. Dây đai có tác dụng chạy quạt để hỗ trợ quá trình làm mát động cơ. Nếu ống dẫn bị nứt hay dây đai gãy, két làm mát sẽ nhanh chóng bị tăng nhiệt.
Hãy kiểm tra những vết nứt, rò và kết nối lỏng lẻo trên đường ống dẫn. Đảm bảo đường ống luôn rắn chắc, không bị mềm và dễ uốn. Một quá trình có tên phân hủy điện hóa sẽ ăn mòn cao su trong ống dẫn. Khu vực dễ bị hỏng nhất của ống dẫn nằm ở gần vòng kẹp nối với két làm mát hoặc động cơ.
Trong khi đó, dây đai lại hay bị gãy hỏng và bạn có thể phát hiện bằng mắt thường. Hãy lưu ý nếu dây đai trông trơn mượt một cách bất thường. Nếu dây đai bị tách thành nhiều lớp khác nhau, bạn cần thay ngay lập tức. Theo các chuyên gia, dây đai thường bị hỏng sau mỗi 36.000 dặm, tương đương 57.936 km.
4.Thay bộ lọc gió
Sau mùa đông, bộ lọc gió của xe có thể bị bám đầy bụi đất. Bộ lọc gió bẩn sẽ khiến xe tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn. Khi thay bộ lọc gió, bạn có thể giảm 10% lượng nhiên liệu tiêu thụ của xe.
Các chuyên gia khuyên người sử dụng xe nên thay bộ lọc gió sau khi đi 12.000 dặm, tương đương 19.312 km. Tất nhiên, con số trên còn tùy thuộc vào điều kiện đường sá và không khí nơi bạn sống.
Điều thú vị nằm ở chỗ, bộ lọc gió hơi bẩn một chút lại tốt hơn loại hoàn toàn sạch sẽ. Lúc đó, bụi bẩn trên bộ lọc gió sẽ đóng vai trò giữ những hạt nhỏ hơn lại để chúng không lọt vào bên trong.
5. Thay cần gạt nước
Mùa hè bao giờ cũng kéo theo những cơn mưa bão bất chợt và dữ dội. Vì thế, bạn cần thay cần gạt nước cho xe để sẵn sàng cho những cơn mưa mùa hè. Trước đó, nhiệt độ thấp của mùa đông đã khiến cần gạt nước trên xe của bạn hư hỏng không ít. Nhiệt độ thấp có thể khiến cần gạt nước bị nứt trong khi lớp cao su bị rách nát. Nếu cần gạt nước để lại những vệt rõ ràng trên kính, bạn nên nghĩ đến chuyện thay mới.
Lưu ý, bạn nên thay toàn bộ cần gạt nước. Một số người muốn tiết kiệm chi phí nên chỉ thay phần cao su. Việc thay cần gạt nước cũng không quá phức tạp nên bạn có thể tìm hiểu các bước và tự làm ở nhà để không phải mang xe ra garage.
6. Kiểm tra hệ thống phanh
Chẳng có gì nghi ngờ khi khẳng định phanh là bộ phận an toàn quan trọng nhất trên xe. Vì thế, đừng đánh cược tính mạng của bạn và người thân khi lái xe bị mòn phanh trong mùa hè này. Bạn cần thay phanh khi bề mặt má phanh hoặc guốc phanh bị mòn đến mức thấp nhất cho phép. Bạn có thể mang xe đến các garage để kiểm tra độ mòn của phanh.
Có một số dấu hiệu báo cho bạn biết đã đến lúc kiểm tra hệ thống phanh xe. Thứ nhất là bàn đạp phanh trở nên mềm. Thứ hai là bàn đạp phanh quá cứng và khó nhấn. Thứ ba là đèn cảnh báo hệ thống phanh bật sáng trên bảng táp-lô. Thứ tư là tiếng lạo xạo và ken két phát ra to, liên tục từ hệ thống phanh.
Bất ngờ thay, tiếng rít phát ra từ hệ thống phanh lại chưa chắc là dấu hiệu của trục trặc. Tiếng rít có thể là hệ quả của má, đĩa, guốc và trống phanh bị ẩm. Bạn chỉ nên kiểm tra khi tiếng rít trở thành tiếng lạo xạo và ken két.
Khi thấy hệ thống phanh có vấn đề, bạn nên thay càng sớm càng tốt. Nếu càng để lâu, hệ thống phanh hỏng nặng thì bạn sẽ phải bỏ chi phí sửa chữa và thay càng lớn.
7. Kiểm tra nước và két làm mát
Động cơ đốt trong chạy hiệu quả nhất ỏa nhiệt độ 200 độ F hay 93 độ C. Tuy nhiên, khi quá nóng, động cơ có thể bị chảy và gây ra những phiền toái cho bạn. May thay, các loại xe hiện đại ngày nay đều đã có hệ thống tản nhiệt với nước làm mát hóa học bên trong động cơ. Điều này lại kéo theo việc bạn phải quan tâm đến nước và két làm mát trong xe khi mùa hè đến.
Hãy mở nắp khoang động cơ và kiểm tra mực nước làm mát. Nguyên tắc chung là bạn nên sục két nước và bổ sung nước làm mát ít nhất 2 năm một lần. Quá trình sục két nước khá đơn giản, chỉ cần đến một chất hóa học đặc biệt để làm sạch cặn bẩn bên trong. Trong điều kiện mùa hè, nước làm mát phải được bổ sung dưới dạng hỗn hợp 50% hóa chất chống đông và 50% nước.
Nếu nhìn thấy vũng nước nhỏ bên dưới xe khi đỗ một lúc, bạn nên hiểu là xe bị rò rỉ nước làm mát. Điều bạn cần làm là đưa xe đến garage để kiểm tra và sửa chữa.
8. Lau sạch ắc-quy
Vào mùa đông, ắc-quy thường hay bị "chết". Thế nhưng, trên thực tế, thời tiết nóng nực của mùa hè còn có hại hơn cho ắc-quy. Nhiệt độ cao của mùa hè có thể đẩy nhanh phản ứng hóa học bên trong ắc-quy. Điều đó khiến ắc-quy bị quá tải. Ngoài ra, nhiệt độ còn làm hỏng ắc-quy bằng cách làm bay hơi dung dịch.
Cách tốt nhất để ắc-quy chạy tốt là giữ thật sạch sẽ. Bạn nên thường xuyên tháo dây ắc-quy và lau sạch các đầu cực. Hãy đảm bảo ắc-quy được hàn chặt và tất cả các mối nối đều an toàn.
9. Bảo dưỡng điều hòa
Điều hòa là trang thiết bị không thể thiếu trên xe hơi trong mùa hè. Nếu còn tốt, điều hòa sẽ duy trì nhiệt độ trong xe thấp hơn 50 độ F hay 10 độ C so với môi trường bên ngoài. Nguyên nhân phổ biến nhất của điều hòa hỏng là lượng chất làm lạnh thấp. Hệ thống có thể bị rò rỉ và gây ra hiện tượng trên. Vì hệ thống điều hòa khá phức tạp nên bạn cần mang đến garage sửa chữa chuyên nghiệp để kiểm tra.